Đình Đan Thầm, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội nằm kề làng Quảng Minh, Tả Thanh Oai trên đoạn sông Nhuệ. Đình Đan Thầm cũng thờ Hai bà Vương phi của Lý Thái Tổ, vốn là hai chị em ruột, tên là Triệu Hoa Nương và Triệu Quế Nương.
Thôn Đan Thầm có trên 130 hộ và gần 600 nhân khẩu, về
hành chính thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Xã Mỹ Hưng có
diện tích 6,29 km², dân số năm 1999 là 5.368 người, mật độ dân số đạt 853 người/km².
Thời nhà Lý gọi là Kẻ Nai, tên chữ Đan Nê. Có câu ngạn ngữ "Thúng
làng Sái, gái làng Hạ (Thượng Phúc), mạ làng Nai, trai làng Gùn (Siêu Quần)"
ý nói dân làng Đan Thầm giỏi nghề trồng lúa.
Dân Kẻ Nai ban đầu tập trung tại khu vực cánh đồng
Vạt, về sau chuyển về sống ở trong khu đất có thế "voi
phục", ven bờ bên phải sông Nhuệ. Đối diện bên bờ bên kia là thôn
Siêu Quần, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Sông Nhuệ đến đây hợp
lưu với sông Tô Lịch, kênh Hòa Bình và một con ngòi (nghe nói xưa là
sông Đỗ Động), cho nên vào mùa mưa thường gây ngập nặng cả xã Mỹ
Hưng.
Ao đình Đan Thầm.
Lược sử
Đình Đan Thầm xây dựng vào thế kỷ XVII trên nền ngôi
đền thờ hai vị vương phi nhà Lý có công lớn với dân làng. Tương truyền,
xưa có ông bà Triệu Quang, Nguyễn Thị Huy đi lễ chùa gặp hai con rắn
bị đàn rết cắn chết đã thuê người chôn cất cẩn thận.
Một thời gian sau bà vợ sinh hai con gái. Càng lớn
hai cô càng xinh đẹp, tài đức vẹn toàn. Vua Lý tuyển vào cung rồi
phong bà chị làm Tả hoàng hậu Quế nương, bà em làm Hữu quý phi Hoa
nương.
Cổng đình, chùa Đan Thầm.
Một lần vua cùng hai bà du ngoạn đến đầu làng Đan Nê
thấy cảnh sông nước hữu tình bèn truyền dựng hành cung ở đầu làng,
được coi là khu đất đầu voi. Hai bà đã góp tiền để tu bổ ngôi chùa
Hưng Long ở cuối làng; rồi thấy dân đói khổ, phong tục không thuần nên
xin nhà vua được ở lại dạy dân cách trồng dâu nuôi tằm và làm nghề
nông. Sau đó, hai bà được vua ban cho Đan Nê làm trang ấp.
Về cuối đời hai bà cùng hoá thành hai dải lụa điều
theo gió bay về trời ngày 7 tháng Chạp. Vua vô cùng thương xót, làm
tang lễ chu đáo và lập đền thờ ngay bên cạnh chùa Hưng Long. Do kị
húy nên trong làng từ đó không ai được trùng tên cha, mẹ của hai bà cũng
như tên của hai bà. Cả khi nói cũng gọi trại đi như “quang” thành
“quông”; “hoa” thành “huê”, “quế” thành “quý”, v.v..
Kiến trúc và di sản
Đình và chùa Đan Thầm nằm đúng mỏm đất hình góc
vuông tạo ra bởi vì con sông Nhuệ ở đoạn đó chảy về phía đông rồi
bỗng ngoặt xuống phía nam. Đình quay về phía đông nam đón gió nồm.
Phía bên phải sân đình là cổng chung cho cả ngôi chùa Hưng Long. Cổng
này nhìn qua ao về phía tây nam và mở ra con đường làng, được xây kiểu
nghi môn gồm 4 trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán.
Phía trước sân đình là cổ thụ và vườn đất ven bờ
sông Nhuệ. Bên kia sông là ngôi chùa Linh Ứng của làng Siêu Quần. Toà
tiền tế 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bên trong trang
trí đơn giản. Đại đình kết nối với hậu cung 3 gian, mặt bằng xây
dựng có hình chuôi vồ. Lễ hội đình làng được nhân dân địa phương tổ
chức vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm. Trong dịp này có diễn ra
đám rước kiệu thành hoàng và các trò vui dân gian.
Đình Đan Thầm
Năm 1999, đình và chùa Đan Thầm đã được Bộ Văn hóa - Thông
tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.