Đình Đào Xá - ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Vua Lê Gia Tông (1674 - 1675) hiện thờ Hùng Hải Công, em thứ 19 của Vua Hùng - người được Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang, nơi giao nhau của 3 con sông: Sông Đà, Sông Thao, Sông Bứa.
Làng cổ Đào Xá thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú
Thọ. Làng nằm ở phía bờ Tây sông Đà.
Đình Đào Xá - ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Vua Lê Gia
Tông (1674 - 1675) hiện thờ Hùng Hải Công, em thứ 19 của Vua Hùng - người được
Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang, nơi giao nhau của 3 con sông: Sông Đà,
Sông Thao, Sông Bứa.
Ông kết hôn với bà Trang Hoa đã lâu mà chưa có con. Trong một
lần ông cùng Trang Hoa du xuân từ Thọ Văn sang Đào Xá đã dựng lầu nghỉ lại đây
một đêm. Sau đó bà Trang Hoa thụ thai sinh hạ được 3 người con trai. Ngay sau
khi sinh hạ, bà Trang Hoa hóa thân, Hùng Hải Công ở vậy cùng dân khai phá đất
đai, nuôi dạy 3 con trai khôn lớn trưởng thành.
Do có công lớn dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng
xóm làng trù phú, Vua Hùng ban cho ông hai thớt Voi. Trước khi chia tay về
xuôi, Hùng Hải Công giao lại trọng trách cai quản vùng Tam Giang cho ba con
trai đã trưởng thành và dẫn đôi Voi về Đào Xá làm lễ tạ 3 lần rồi từ biệt.
Nhằm tri ân công đức của ông, dân làng lập đình thờ và tôn
ông làm Thành hoàng.
Đình làng Đào Xá có niên đại cuối thế kỷ XVII với những cột
lớn hơn vòng tay ôm có nhiểu mảng chạm khắc đẹp, tinh xảo, thờ Hoàng Hải công
và Tam vị đại vương.
Đây là một ngôi đình cổ có giá trị tín ngưỡng, kiến trúc cao
với nhiều bức chạm khắc theo điển tích công phu, tinh tế. Tuy nhiên, trải qua
thời gian gần 400 năm đã khiến cho ngôi đình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Đào Xá được dựng lên để tưởng nhớ công ơn dẹp giặc giữ
nước, giúp dân trị thủy của Hùng Hải Công (em trai Vua Hùng thứ 19). Đình được
xây dựng từ cuối thế kỷ XVII vào thời vua Lê Gia Tông, có lối kiến trúc tương tự
với những ngôi đình đẹp có tiếng cùng thời kỳ như: Đình Chu Quyến (Ba Vì), Đình
Hoàng Xá (Hà Nội), Đình Thổ Hà (Bắc Giang)…
Đình gồm một tòa 5 gian được xây theo kiểu chữ nhất, có chiều
dài là 24,25m và chiều rộng là 13,22m theo hướng chính Nam trên khoảng đất rộng
đặt ở trung tâm làng Đào Xá. Đây là di tích gắn liền với nét văn hóa thờ cúng
và lễ hội rước voi độc đáo.
Trải qua gần 4 thế kỷ, trước tác động thời gian, chiến tranh
tàn phá đã làm kiến trúc của ngôi đình dần trở nên hao mòn, xuống cấp. Đình Đào
Xá có tất cả 48 cột lớn bé thì đã có tới 18 cột bị hư hại, trong đó 1 cột cái bị
mục ruỗng tới 90% và 4 cột bị hư hại nặng gần như hoàn toàn, các cột còn lại
cũng đang có nguy cơ bị xuống cấp cao. Các vì kèo, xà ngang, con rường, xà nối…
đều bị mối mọt, mộng bị long, nhiều bức chạm khắc cũng bị hỏng và biến dạng.
Mái đình phía sau là phần bị hư hại nặng nhất, tàu mái bị mục nát khiến mái
đình võng xuống, ngói xô lệch, phải dùng các cột nhỏ để chống đỡ.
Từ khi xây dựng, ngôi đình đã trải qua nhiều lần tu bổ, lần
gần nhất vào năm 2007, đình đã được Sở VH, TT & DL kết hợp với Cục Di sản
văn hóa tiến hành sửa chữa, đảo ngói, thay thế 2 cột bị hỏng nặng và gia cố lại
một số cột bị mối mọt. Nhưng hiện nay ngôi đình vẫn trong tình trạng hư hại nặng
và có nguy cơ sập phần mái sau nếu không kịp thời tu sửa.
Lễ hội truyền thống Đình Đào Xá
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, dân làng lại mở hội rước voi
trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng với các tập tục, nghi lễ, diễn xướng dân
gian, tri thức dân gian nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức thánh phụ Hùng
Hải Công.
Lễ hội truyền thống Đình Đào Xá năm nay chỉ tổ chức phần lễ
với các nghi thức truyền thống: Tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị,
hòm sắc và tế Thành hoàng. Phần hội không tổ chức do địa phương tập trung nguồn
lực, nhân lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,
phấn đấu đưa Đào Xá trở thành xã nông thôn mới.
Để giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần của lễ hội, Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân xã Đào Xá đã đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, quản
lý, tổ chức lễ hội; giới thiệu và quảng bá di sản phục vụ du khách, du lịch; đồng
thời tăng cường quản lý, bảo vệ và huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo,
phát huy giá trị của di sản văn hóa theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Thanh Thủy
đã đề ra; tạo điều kiện để người dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các sản
phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ
văn hóa tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã Đào Xá phối hợp với
các lực lượng chức năng tăng cường quản lý không để các trò chơi mang tính chất
cá cược diễn ra trong lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, góp phần
xây dựng một lễ hội văn minh, lành mạnh, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Hoàng Huân - Minh Tuân