Đình Đáp Cầu thuộc phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng thành hoàng làng là Đức thánh Tam Giang tức tướng Trương Hống, Trương Hát, phò giúp vua Triệu Việt Vương đánh giặc Lương. Đình nổi tiếng nhờ quy mô kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc cổ đặc sắc.
Đình Đáp Cầu trước đây thuộc xã Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện
Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Đình Đáp Cầu nằm cạnh chùa Đáp Cầu, tạo
thành cụm quần thể di tích lịch sử văn hóa đẹp. Đình được khởi dựng từ thời Lê
(năm Kỷ Mão), đến thời Nguyễn vào năm Thành Thái (năm 1902) nhân dân địa phương
tiếp tục xây dựng thêm tòa Hậu Cung và nhà Chuyển Bồng.
Đình Đáp Cầu có kiến trúc hình chữ Công, gồm Đại Đình và Hậu
Cung, liên kết bằng 2 gian nhà Chuyển Bồng.
Tòa Đại Đình được xây dựng từ thời Lê nhưng đến nay vẫn giữ được kết cấu cơ bản
từ khi mới khởi dựng.
Tòa Đại Đình là công trình kiến trúc cổ từ thời Hậu Lê còn
được giữ gìn khá nguyên vẹn. Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4
mái 4 đao cong, bờ nóc xây trát đơn giản, kìm nóc có họa tiết hoa văn hình dải
cuộn, mái lợp ngói mũi di cổ, cửa mở 5 gian giữa kiểu thượng song hạ bản, gian
chái trổ cửa chữ Thọ vuông.
Đại Đình có 6 hàng cột ở mỗi vì, tổng cộng 46 cột cái, cột
quân. Kết cấu vì kèo kiểu chồng rường đấu. Phần trên và phần dưới câu đầu 2 vì
gian giữa là con rường chồng khít lên nhau, kết hợp với xà nách tạo thành cốn được
chạm khắc đẹp.
Hai vì gian cạnh đặt kẻ chàng, chạy suốt từ đầu trên cột cái
xuống tận gianh mái ngói. Đây là đặc điểm của kiến trúc truyền thống thời Hậu
Lê. Các đầu bẩy hiên của đình Đáp Cầu là cấu kiện kiến trúc quan trọng hình
thành giá trị nghệ thuật của đình này do được chạm khắc đầu rồng - bờm râu nét
mác tuyệt đẹp.
Tòa Hậu Cung và nhà Chuyển Bồng đình Đáp Cầu ược xây dựng
sau, vào thời Nguyễn nên kiến trúc và các mảng chạm khắc đơn giản hơn.
Tòa Hậu Cung một gian 2 chái ba mái uốn đầu đao, bộ khung gỗ
lim gồm 2 vì kèo chính với 4 hàng cột dọc 4 hàng cột ngang; kết cấu vì nóc kiểu
chồng rường giá chiêng, vì nách ván mê chạm triện dây.
Trước Đại Đình có tòa Phương đình, mới được xây dựng sau này,
kiến trúc kiểu bốn mái uốn đầu đao với 4 cột cái, hai bộ vì kiểu chồng rường
giá chiêng, bào trơn đóng bén.
Kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của đình Đáp Cầu chủ yếu
là theo phong cách thời Lê Mạc, những phần tu tạo sau này mang phong cách thời
Nguyễn. Tương tự như các ngôi đình đồng bằng Bắc Bộ, chủ đề chính trong trang
trí đình vẫn là Tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu, sinh hoạt dân gian, nhưng các
nghệ nhân xưa, với kỹ năng đỉnh cao và trí tưởng tượng phong phú đã tạo lên một
không gian vừa linh thiêng, huyền bí nhưng lại rất sinh động và đời thường của
thế giới tiên – phàm.
Trên các mảng phù điêu của đình Đáp Cầu, các nghệ nhân đã
hòa quyện tiên rồng với chủ đề con người như: đôi nam nữ để trần - chỉ mặc khố
ngồi cạnh nhau như đang tự tình. Người con trai tay cầm dải khố, người thiếu nữ
tay đang che ngực e thẹn. Cả hai ngồi trên một phiến tròn có chân quỳ như cái
trống. Dưới là đầu rồng đang gánh đỡ. Dường như đây là huyền tích về nòi giống
Tiên Rồng.
Trên đỉnh đầu đôi trai gái là hoa sen đang hé nở, hai bên là
rồng chầu vào đôi nam nữ. Tiên nữ bay múa với rồng đang bay. Trên các bức phù
điêu khác, các nghệ nhân dân gian cũng thể hiện người cưỡi rồng hoặc tiên nữ
bay lượn cùng rồng với sự tưởng tượng phong phú về thế giới Tiên – Rồng.
Điểm đặc trưng của các mảng chạm khắc đình Đáp Cầu là chủ để
rồng với hình tượng rồng dày đặc trên các mảng phù điêu nhưng cũng có rất nhiều
con vật nhỏ đầu và đao rồng. Trên các con rường, câu đầu, xà hoành, rồng cũng
được chạm nổi dày đặc, tỷ mỉ chi tiết và đặc biệt sống động.
Đền thờ Hoàng Quốc Việt trong khuôn viên di tích.
Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ trong khuôn viên di tích.
Đình Đáp Cầu còn bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị như ngai
thờ thời Nguyễn, các đồ thờ tự như lư hương, hoành phi, chân nến, mâm bồng. 2 đạo
sắc phong thời Nguyễn niên đại 1924, 2 bia đá được khắc dựng vào các năm 1905,
1926.
Đình Đáp Cầu, như nhiều ngôi đình khác ở Bắc Ninh thực sự là
một bảo tàng về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đỉnh cao thời Lê-Nguyễn.
Đình Đáp Cầu đã được
xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1995.