Đình, Đền Đại Hoàng xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, thờ phụng tam vị đại vương, danh tướng triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng là Mĩ Mạo đại vương, Chàng Hộ Tấu đại vương, Quận chúa phu nhân đại vương.
Đình Đại Hoàng tọa lạc trên một khoảnh đất cao ở giữa làng,
ngôi đình được xây dựng trên thế đất long chầu, hổ phục, phía trước đình là một
hồ nước lớn, trong xanh. Chính diện đình quay hướng Tây Nam, tổng diện tích
đình là 1.325m2, vườn xung quanh đình rộng và được trồng nhiều cây lưu niên, tạo
cảnh quan, không khí trong lành, thoáng đãng và tôn nghiêm cho di tích.
*Đình Đại Hoàng
Trước cửa đình là nghi môn được xây dựng theo kiểu nghi môn
trụ biểu, gồm 4 cột đồng trụ, cổng giữa cao to, hai cột đồng trụ hai bên thấp
nhỏ hơn. Các cột đồng trụ vuông, đế thắt quả bồng, bốn bên lồng đèn hai cột đồng
trụ cổng giữa đắp tứ linh (long, ly, quy, phượng), hai cột đồng trụ cửa tả, hữu
bốn ô lồng đèn đắp tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai).
Phía trên lồng đèn, bốn cột đồng trụ đều đắp quả dành dành
hình 4 con phượng thân uốn khúc đuôi chụm vào nhau, đầu ngóc ngược chầu về 4
phương. Mặt trong và mặt ngoài các cột đồng trụ đắp khung, soi gờ kẻ chỉ, tạo ô
dọc nhấn vữa câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi công trạng của thần và ca ngợi
cảnh đẹp, con người địa phương.
Hai bên cửa tả, hữu xây kiểu 4 mái, hai đầu nít đốc, mái lợp
ngói nam cổ. Qua nghi môn vào đình qua một khoảng sân khá rộng được lát gạch đỏ
cạnh 0,4m, hình chữ công. Ngôi đình có bố cục mặt bằng hình chữ tam với tòa tiền
đường 5 gian 2 trái, trung đường 5 gian, hậu cung 3 gian.
Quang cảnh Đình Đại Hoàng
Đình Đại Hoàng là một công trình kiến trúc mang phong cách
kiến trúc cổ truyền dân tộc với nhiều cấu kiện tạo nên bộ khung chịu lực chắc
chắn, bền vững. Đồng thời còn chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật
điêu khắc mang phong cách thời Nguyễn. Trên các cấu kiện kiến trúc liên kết giữa
các bộ vì nóc, vì nách, kẻ, bảy đều được trang trí các đồ án, đề tài như lá lật,
mây cuộn…
Không gian thờ tự bên trong Đình
Đình Đại Hoàng hiện nay còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ và hiện
vật quý hiếm có giá trị cao về nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn. Tiêu biểu
phải kể đến như: Nhang án, câu đối, đại tự, cửa võng, long ngai, bài vị, bát hương…
Ngoài những đồ thờ, hiện vật tiêu biểu nêu trên, đình Đại
Hoàng còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ khác như: cửa võng, bia đá, chấp
kích, chuông, cây nến, kỷ, đài…góp phần nâng cao giá trị lịch sử văn hóa của di
tích.
* Đền Đại Hoàng
Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao rộng ở đầu làng, tổng
diện tích 3.382m2. Khuôn viên xung quanh đều rộng, thoáng đãng và được trồng
nhiều cây lưu niên, vừa tạo cảnh quan và không khí thoáng đãng cho di tích.
Phía trước đền là một giếng khẩu, vị trí của giếng trước cửa tiền đường, đồng
nhất với bố cục mặt bằng và cảnh quan của công trình kiến trúc theo một trục nhất
chính đạo gồm: Giếng khẩu, tiền đường 5 gian, trung đường 1 gian 2 trái (kiểu
phương đình, chồng diêm 2 tầng 8 mái), hậu cung 3 gian. Chính diện ngôi đền
quay hướng đông nam
Quanh cảnh phía trước Đền
Tại đền Đại Hoàng hiện nay còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ và
hiện vật quý hiếm phân bố chủ yếu ở tòa trung đường và hậu cung có giá trị cao
về nghệ thuật mang phong cách triều Nguyễn. Tiêu biểu phải kể đến như: Nhang
án, câu đối, đại tự, long ngai, bài vị, bát hương…
Ngoài những đồ thờ, hiện vật tiêu biểu nêu trên, ngôi đền
còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ khác như: Đỉnh hương, chân nến, đài thờ…góp
phần nâng cao giá trị lịch sử văn hóa của di tích.
Cụm di tích là công trình kiến trúc cổ truyền dân tộc mang
phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Cụm di tích cùng thờ tam vị đại vương là bậc
công thần giúp Trưng Vương đánh đuổi thái thú Tô Định là: Mĩ Mạo đại vương,
Chàng Hộ Tấu đại vương, Quận chúa phu nhân đại vương.
Trải qua các triều đại, các vị đều được sắc tặng mỹ tự và
cho phép thờ phụng. Ngoài ra đình, đền Đại Hoàng còn là điểm nuôi giấu, nơi làm
việc bí mật của cán bộ chủ chốt địa phương hoạt động chỉ đạo kháng chiến, địa
điểm họp bàn, tập luyện cho dân quân, du kích, là địa điểm tập hợp vũ khí, lương
thực, nơi diễn ra nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của địa phương và của xã.
Đình, đền Đại Hoàng còn là địa điểm sơ tán, trụ sở làm việc
của nhiều đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh Nam Hà…phục vụ kháng chiến. Đồng
thời tại đình còn là nơi tiễn đưa con em địa phương lên đường nhập ngũ, đấu
tranh bảo vệ Tổ quốc.
Không gian thờ tự bên trong Đền
Theo thần tích và các tư liệu Hán văn hiện đang lưu giữ tại
cụm di tích thì Đình, đền Đại Hoàng thờ tam vị đại vương là bậc công thần giúp
Trưng Vương đánh đuổi thái thú Tô Định là: Mĩ Mạo đại vương, Chàng Hộ Tấu đại
vương, Quận chúa phu nhân đại vương. Trải qua các triều đại, các vị đều được sắc
tặng mỹ tự và cho phép thờ phụng.
Hiện tại Đình Đại Hoàng còn lưu giữ 3 đạo sắc tặng thời Nguyễn,
sắc phong tam vị là Đương cảnh thành hoàng, cho phép nhân dân Đại Hoàng nghìn
năm hương hỏa, phụng thờ..
Đại Hoàng là địa phương có bề dầy lịch sử và truyền thống đấu
tranh cách mạng anh dũng. Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền và
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình – đền Đại
Hoàng là cơ sở hoạt động, địa điểm bí mật, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng
của địa phương.
Đình làng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần
của cộng đồng cư dân làng xã, trong đó chứa đựng sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng
cộng. Việc tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng nhớ tới công lao của các vị thần được
thờ là một truyền thống tốt đẹp mà ở thôn Đại Hoàng (nay thuộc xóm 1 đến xóm 17
xã Hòa Hậu) từ lâu đã lệ định gồm các ngày sau, tính theo âm lịch:
- Ngày 16 tháng 01: Dân làng tổ chức tế Xuân (cày tịch điền)
- Ngày 18 tháng 01: Khánh lão
- Ngày mồng 03 tháng 3: Sinh nhật tam vị Đại vương
- Ngày 15 tháng 5: Kỵ nhật Thân phụ, thân mẫu của tam vị Đại
vương (Bản cảnh thành hoàng). Đại Hoàng còn là địa phương có những hoạt động
văn hóa vô cùng phong phú. Ở làng Đại Hoàng, ngày 15 tháng 5, tại cánh đồng pha
cát trước đình làng là nơi diễn ra hội thi thả diều, một hoạt động vui chơi có
sức hấp dẫn mạnh mẽ được cộng đồng làng, nhân dân hưởng ứng, bảo tồn và phát
huy.
- Ngày mồng 03 tháng 8: Kỵ nhật tam vị Đại vương
- Ngày 10 tháng 11: Khánh hạ (kỷ niệm ngày tam vị Đại vương
thắng trận trở về và khao thưởng quân sỹ, dân làng).
Với những giá trị đã nêu trên, có thể xác định đình, đền Đại
Hoàng xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh,
loại hình kiến trúc nghệ thuật và lịch sử.