Đền và Đình làng Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội bên đê sông Đáy. Theo cuốn thần phả được soạn vào thời Lê, đình Đặng Giang thờ ba vị thần là Dực Vận Cương Nghị Bao La đại vương, Tế Thế An Dân Quy Chân đại vương, Tuyên Khánh Phổ Huệ Bát Nhã đại vương thời Hùng Vương thứ 18.
Hòa Phú là một xã nông nghiệp ven sông Đáy, trước kia thuộc
tỉnh Hà Tây, từ năm 2008 thuộc thành phố Hà Nội. Xã có tổng diện tích đất
tự nhiên 6,39 km², dân số năm 1999 là 6.893 người, mật độ dân số đạt 1.079 người/km².
Ranh giới xã về phía đông giáp xã Hòa Lâm, phía bắc giáp xã Hòa Nam và xã Vạn
Thái, phía nam giáp xã Phù Lưu (đều cùng thuộc huyện Ứng Hòa), phía tây giáp
xã Đại Hưng (thuộc huyện Mỹ Đức).
Xã Hòa Phú bao gồm 4 thôn: Đặng Giang, Dư Xá Hạ, Quán Xá, An
Phú. Thôn Đặng Giang xưa kia là một xã có tên chữ 鄧 江,
tên nôm Kẻ Đặng.
Đình Đặng Giang.
Lược sử
Đình làng Đặng Giang được dựng vào thế kỷ XVII, trong
cung cấm có bản thần phả soạn từ năm Hồng Phúc nguyên niên (1572)
thời Lê và phụng sao năm Tự Đức thứ tư (1851) thời Nguyễn, cho biết ba
vị thành hoàng là tướng của vua Hùng thứ 18 và có danh xưng: Dực Vận
Cương Nghị Bao La đại vương, Tế Thế An Dân Quy Chân đại vương, Tuyên Khánh
Phổ Huệ Bát Nhã đại vương.
Theo thần tích, ba vị đại vương vốn văn võ toàn tài,
có công lớn giúp Tản Viên sơn thánh đánh thắng địch, được vua Hùng
phong tước và ban cho Kẻ Đặng làm thực ấp. Ba ngài chăm lo đời sống và
phủ dụ dân trong vùng, giáo hoá điều nhân nghĩa, dạy bảo
cách chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, sau khi các vị hoá được dân lập đền
thờ phụng, tôn vinh là thành hoàng làng.
Các triều đại Việt Nam kể từ thế kỷ XVII đều có ban
hành sắc phong Tam vị đại vương là thượng đẳng phúc thần kèm theo
nhiều mỹ tự và cho phép nhân dân Đặng Giang thờ phụng tại đình làng.
Đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, lần cuối là vào đầu thế kỷ
XXI.
Năm 1994, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng ngôi
đình này là Di tích kiến trúc lịch sử nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Ngôi đình hiện nằm tại phía bắc đường quốc lộ QL21B,
sát dưới chân đê sông Đáy. Cổng nhìn về phía tây nam, làm theo kiểu
nghi môn với 2 trụ biểu lớn, thân trụ đắp câu đối chữ Hán. Cả 3 cửa
đều có bậc gạch dẫn xuống, du khách vào sân sẽ gặp hai bên là hai
tượng hộ pháp, bên tả đình có ngôi miếu nhỏ 3 gian và bên hữu có
nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thôn Đặng Giang.
Toà đại bái rộng 6m, dài 10m, gồm 3 gian 2 chái, cửa
bức bàn, gian giữa kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Các mái
đều lợp ngói ri, đầu đao cong cong, trên bờ nóc có đắp các hình con
kìm, nghê, rồng. Bên dưới mái là các bộ vì cùng làm theo một kiểu
“giá chiêng kẻ suốt”, nằm trên hệ thống 4 hàng cột gỗ lim kê chân đá.
Toà hậu cung làm khá đơn giản, gian ngoài bài trí các đồ tế khí,
trong cung cấm có 3 bộ bài vị và các hộp cất giữ đạo sắc phong
thần.
Di vật
Đình Đặng Giang đã được tu sửa lớn vào đời vua Tự
Đức nên có thể thấy lớp điêu khắc tân tạo mang rõ phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn. Nổi bật là những hàng cột cái đều sơn đỏ, có
đường kính lớn từ 45cm đến 50cm và những mảng chạm khắc được tô
màu. Các mảng trang trí bong kênh là những tạo tác thời Lê, chủ yếu
sử dụng các đề tài rồng, lân, phượng hoàng.
Trong cung cấm hiện còn 46 đạo sắc phong thần cho Tam
vị đại vương, mang niên hiệu: Dương Hòa (7 đạo), Phúc Thái (10 đạo), Khánh Đức
(3 đạo), Thịnh Đức (6 đạo), Vĩnh Thọ (2 đạo), Cảnh Trị (3 đạo), Chiêu Thống (3
đạo), Quang Trung (3 đạo), Cảnh Thịnh (3 đạo), Bảo Hưng (3 đạo), Gia Long (3 đạo).Kề
gần Đặng Giang là đình Dư Xá Thượng thờ Thánh Tản.
Ba vị Đại Vương ở đây tương đồng với Tam Công Long Vương,
Tam Phủ Tam Quan, Phúc Lộc Thọ ... tín ngưỡng Tam Vị thời Lạc Long Động Đình.