Đình Hội Phụ tức đình Cự Trình là ngôi đình to nhất tổng Cói. Đình thờ Việt Vương Triệu Quang Phục, người có công đầu giúp vua Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương. Đền Hội Phụ thờ phụng nhị danh tướng Đào Kỳ, Phương Dung.
Địa danh lịch sử
Xã Đông Hội hiện nay về phía bắc giáp xã Cổ Loa, phía nam
giáp sông Đuống, phía đông giáp xã Mai Lâm, phía tây giáp xã Xuân Canh. Giao
thông rất thuận tiện vì có đường quốc lộ QL3 và đường cao tốc AH14 chạy
qua.
Đáng chú ý sẽ có tuyến đi từ trường Tiểu học Đông Hội đến
sông Ngũ Huyện Khê dài 1.044m. Theo quy hoạch, tuyến đường này sẽ mở rộng một
phần đường Đông Hội chạy đến cây cầu bắc qua sông Ngũ Huyện Khê.
Xã có tổng diện tích 691 ha đất tự nhiên và mật độ dân cư
1.429 người/km2. Dân số năm 2009 là 9.878 người sinh sống tại 6 thôn: Tiên
Hội, Trung Thôn, Lại Đà (vốn cùng với Cự Trình là 1 trong 2 thôn của xã Hội Phụ
cũ), Đông Ngàn, Đông Trù và Hội Phụ (tên xưa là Cự Trình).
Bên cạnh nghề trồng lúa, dân Đông Hội còn trồng cây ăn
quả. Tuy nhiên đất canh tác đang bị thu hẹp nhanh chóng do quá trình đô
thị hoá.
Thờ phụng, tôn vinh các anh hùng lịch sử
Thôn Hội Phụ là đất khoa bảng từ thế kỷ XV và họ
Chử chiếm số đông ở đây. Đền Hội Phụ thờ ông Đào Kỳ và bà Phương
Dung. Đào Kỳ (Đào Tam Lang) sinh tại tổng Cói (Cối Giang), huyện Đông Ngàn
vào giờ Tý ngày 24 tháng 6 Đinh Sửu (năm 17), trong một gia đình gốc Thanh
Hoa.
Đào Kỳ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ 15 tuổi song lớn lên thành
người văn võ song toàn, mưu lược anh minh. Vợ là Nguyễn Phương Dung, bà người
đoan trang, đẹp như hoa, cũng giỏi cả văn võ, quê ở trang Vĩnh Tế, huyện
Lang Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Hưng Yên).
Theo thần tích, ông bà là 2 vị tướng tham gia cuộc
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Do lập nhiều chiến công nên ông được phong
làm nguyên soái, bà làm tham mưu. Ba năm sau, Mã Viện dẫn quân Hán sang
xâm lược, hai vợ chồng bị vây hãm giữa chiến trường và lạc nhau.
Ngày 15 tháng 8 năm Quý Mão, Đào Kỳ cùng 2 anh trai là
Đào Chiêu Hiển và Đào Đô Thống hy sinh trong trận Bồ Lăng. Bà nghe tin bèn
tự sát. Thi hài ông bà được táng tại lăng Phúc Thọ, xã Mai Lâm, rất
gần Hội Phụ.
Đình Hội Phụ tức đình Cự Trình là ngôi đình to
nhất tổng Cói. Đình thờ Việt Vương Triệu Quang Phục, người có công đầu giúp vua Lý Bí khởi
nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương.
Sau khi Lý Nam Đế mất, ngài kế tục ngôi vua được 23
năm. Tương truyền Hội Phụ từng là nơi ngài đóng đại bản doanh, sau
được ngài cấp thêm ruộng. Dân làng tôn ngài làm thành hoàng và thờ
cúng cùng vợ chồng Đào Kỳ.
Năm 1996, đình và đền Hội Phụ đã được Bộ Văn hoá -
Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Ngôi đình Hội Phụ nằm trong một khuôn viên cây cối
xanh mát và có thế đất cao nên không bị hư hại hồi đê Mai Lâm bị vỡ.
Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ và mở ra con đường Đông Hội. Mặt
đình quay về phía đông nam. Sau cổng đình là toà tiền tế xây kiểu
phương đình 2 tầng 8 mái lợp ngói ri, dựa trên 16 cột gỗ tròn. Hai bên
sân trước có nhà bia liệt sĩ và dãy nhà giải vũ 5 gian dọc.
Toà đại đình gồm 5 gian 2 chái với 4 mái chảy, đầu
đao cong cong, gian giữa kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”.
Cạnh ngôi đình là ngôi đền nằm dưới bóng cây muỗm hàng trăm năm tuổi.
Đền có kết cấu đơn giản hình “chữ Nhị”. Phía sau đình là cổng tam
quan 3 tầng đồ sộ của ngôi chùa làng đang được đại trùng tu năm 2022.
Phía trước bên hữu đình có hồ nước nhỏ.
Di sản văn hóa
Bên trong đình và đền hiện lưu giữ được các sắc
phong thần, long ngai, bài vị, kiệu và nhiều đồ tế khí khác có niên
đại thế kỷ XVIII-XIX. Hằng năm tại đây, lễ hội làng Hội Phụ vẫn được
nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 15 tháng Ba âm lịch,
dịp này 7 thôn thuộc vùng tổng Cói cùng thờ hai vợ chồng danh tướng
Đào Kỳ đều rước kiệu nghênh lăng Phúc Thọ và làm lễ thánh.