Đền và Đình Thịnh Lang nằm tại địa bàn phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, thờ phụng thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và tam vị quận công họ Đinh. Hiện nay di tích không còn lưu giữ được các sắc phong, thần phả cũng như các thư tịch cổ liên quan đến di tích.
Theo lời kể của các cụ cao niên tại địa phương cho biết Đình
Thịnh Lang thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh- là vị đứng đấu “Tứ bất tử” được nhắc
đến trong tâm thức dân gian của người Việt, là vị thánh biểu đạt cho khả năng
sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để
bảo vệ mùa màng mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Đền Thịnh Lang thờ Tam vị Quận Công. Vào khoảng thế kỷ XIV ở
vùng Thạch Bi (huyện Tân Lạc ngày nay), có một gia đình họ Đinh, có thế lực,
cai quản vùng đất rộng lớn, giàu có. Để tăng thêm uy thế và mở rộng vùng đất
cai quản của mình, gia đình họ Đinh đã cho người con trai thứ 2 của mình là
Đinh Thế Toong, mang theo vợ cùng hai gia đình khác đến lập nghiệp ở làng Thịnh
Lang ngày nay.
Hai vợ chồng ông sinh được 2 người con gái, 3 người con
trai. Sau này khi 3 người con trai lớn lên, gặp lúc vận nước nguy nan, giặc
Minh sang xâm lược nước ta, vua Lê Lợi cùng các nghĩa binh dựng cờ khởi nghĩa,
chiêu mộ binh sĩ, 3 anh em họ Đinh theo vua Lê Lợi đi đánh giặc, lập được nhiều
công trạng và được ban tước Quận công.
Nhưng 3 anh em chưa được hưởng lộc trần thì đã tử trận trong
một trận chiến không cân sức với quân giặc. Để tưởng nhớ công lao to lớn của 3
vị Quận công nhà họ Đinh, nhân dân làng Thịnh Lang đã suy tôn 3 vị Quận công
làm thành hoàng của làng và dựng đền để thờ phụng, hương khói.
Tại di tích này, trước đây lễ hội chính được tổ chức vào
ngày 8 tháng giêng âm lịch. Hội chính được tổ chức 3 năm một lần. Ngoài ra làng
Thịnh Lang xưa còn tổ chức 3 lễ hội nhỏ khác là Lễ Cầu mùa(15/5 âm lịch), Lễ rửa
lá lúa (15/8 âm lịch), Lễ Cơm mới (15/10 âm lịch) các lễ này được tổ chức tại
Đình Thịnh Lang.
Hiện nay tại di tích các lễ kể trên không được tổ chức nữa,
song vào những ngày sóc vọng (mùng 1 và ngày rằm hàng tháng) và các ngày lễ, tết
trong năm bà con nhân dân và du khách thập phương vẫn về dâng tại di tích.
Di tích hiện được quản lý Nhà nước của UBND phường Thịnh
Lang, thành phố Hòa Bình. UBND phường giao cho Hội người cao tuổi địa phương trực
tiếp trong coi, quản lý theo Luật và bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch
sử văn hóa của di tích.
Lê Thùy- CTTĐT
Nguồn: Báo Hòa Bình