Đình Trâu Lỗ là di tích lịch sử văn hóa lâu đời trên địa bàn xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, thờ phụng Vua Ông, Vua Bà và đức thánh Tam Giang đã có công phò trợ vua Triệu Việt Vương đánh giặc Lương.
Đình Trâu Lỗ thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, nằm cách
trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 43km về phía Tây. Đình thờ phụng Vua Ông,
Vua Bà đã có công lao to lớn với quê hương thời vua Triệu Việt Vương và thờ Đức
Thánh Tam Giang danh tướng của vua Triệu Quang Phục đánh giặc Lương (thế kỷ
VI), đem lại thái bình cho đất nước.
Theo nguồn tư liệu Hán Nôm còn lại ở đình Trâu Lỗ cho biết:
Vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Đức Nguyên nhà Lê (1677), dân thôn làm lễ "phạt
mộc" để dựng đình. Năm Bính Tuất, triều vua Vĩnh Thịnh (1706), bà Ngô Thị
Thê, người làng Trâu Lỗ, hiệu là Từ Khánh đem 200 quan tiền sử cho bản xã mua gỗ
rừng về làm đình.Về sau, ngôi đình còn được tu sửa nhiều lần qua các triều đại
Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), triều Nguyễn (thế kỷ XIX) và giai đoạn sau này.
Đình được dựng đặt ngay trung tâm làng, trên một khu đất
cao, thoáng, rộng rãi. Đây là một quần thể kiến trúc cổ kính với quy mô đồ sộ,
gồm: Tòa Tiền tế 5 gian, Đại đình 5 gian đao tàu kẻ góc và Hậu cung. Trước đình
là một sàn lát gạch vuông rộng. Qua thời gian, tòa Tiền tế đã bị hư hỏng, chỉ
còn lại tòa Đại đình và Hậu cung.
Tòa Đại đình - kiến trúc chính của cả công trình- có quy mô
đồ sộ với các gian dài, rộng, mỗi vì 6 hàng chân cột cao to lực lưỡng, đỡ lấy
khung mái xoải rộng với đao cong, mái uốn mềm mại, bờ nóc, bờ dải đắp gắn con
kìm, con xô, nghê chầu, phượng múa rất sinh động.
Phần kiến trúc giá trị nhất là ở bộ khung gỗ lim của các vì,
theo kiểu thức tứ trụ chồng rường, các mảng điêu khắc trang trí kiến trúc đều tập
trung ở đầu bẩy, hoành màn với nhiều đề tài sinh động, nhiều đồ án hoa văn rồng
mây biến thể và cách điệu phong phú, mang đậm nét phong cách nghệ thuật dân
gian cuối thế kỷ XVII.
Ở đình Trâu Lỗ, mỗi vì đều biểu hiện một phong cách, một dấu
ấn kỹ thuật riêng, chứng tỏ đã có nhiều hiệp thợ đến tham gia xây dựng đình,
khiến cho cả ngôi đình là một thể thống nhất về kết cấu kiến trúc, nhưng mỗi vì
lại có nét chạm khắc biểu hiện tài năng nghệ thuật riêng.
Đền Trâu Lỗ khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ phụng Vua
Ông, Vua Bà và Thánh Tam Giang. Đền thiết kế theo hình chữ Nhị. Tiền tê 3 gian
xây bình đầu bít đốc, nóc có 4 chữ “Tam Giang thần từ”. Các vì mái thượng con
chồng hạ kẻ chuyền, bổ cột đồng trụ. Gian tiền tế nôí với hậu cung tạo thành chữ
Đinh (T). Hậu cung đặt tượng vua Ông, vua Bà, dưới là quan hầu, có 6 đạo sắc
phong (sớm nhất là năm 1674).
Đình Trâu Lỗ cùng với đền Trâu Lỗ là trung tâm sinh hoạt văn
hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hằng năm, đình có hai sự lệ chính diễn
ra cùng với đền vào các ngày mồng 4 tháng Giêng và ngày 15 tháng Chín âm lịch.
Đây là hai ngày đại lệ còn gọi là Lễ Đại kỳ phước.
Vào ngày lệ, nhân dân làng Trâu Lỗ tổ chức lễ hội, tôn vinh
các vị Thành hoàng đã có công vì dân vì nước. Các hoạt động của lễ hội bao gồm rước
kiệu, bài vị, ngai thờ. Ngoài ra người dân địa phương còn tổ chức những trò
chơi dân gian để tưởng nhớ các vị tiền nhân, duy trì văn hóa vùng miền như đánh
mốc, kéo dây, kéo co...
Đình và Đền Trâu Lỗ
được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3211-
QĐ/BT, ngày 12/12/1994 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch).