Đình làng Diềm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong (nay thuộc thành phố Bắc Ninh), là công trình kiến trúc quy mô to lớn vào bậc nhất ở vùng Kinh Bắc được xây dựng vào năm 1692, thờ Đức thánh Tam Giang là hai anh em Trương Hống-Trương Hát.
Ca dao xưa có câu:
“Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.
Đình Đông Khang của làng Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên
Phong bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, mới phục dựng những năm gần đây.
Đình Đình Bảng mới được trùng tu tôn tạo vào năm 2009. Đình làng Diềm (niên đại
1692) có bức cửa võng được giới chuyên môn đánh giá là “độc nhất vô nhị” ở
xứ Bắc.
Đến thăm đình, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là tòa
Đại đình 4 mái, đao cong nằm chỉnh tề ngay giữa làng. Bên trong Đình, ấn tượng
với một không gian thoáng rộng và 4 cột gỗ to với chu vi lên tới 2,14m.
Kiến trúc Đình Diềm xưa tuân thủ theo kiến trúc truyền thống
của Việt Nam, trừ 4 đầu dư đỡ hai câu đầu ở gian giữa có chạm những hình rồng
và mây nét mác, tất cả mọi thành phần của khung nhà đều bào trơn đóng bén, soi
gờ chỉ chạy thẳng.
Nghệ thuật chạm khắc ở Đình Diềm chủ yếu tập trung nơi cửa
võng và trên chiếc nhang án thờ, đây là hai di vật quý báu nhất của đình còn
lưu giữ hiện nay. Toàn bộ cửa võng thiếp vàng rực rỡ không một mảng trơn trống;
từng điện nhỏ đều được trang trí kỹ lưỡng nổi bật, thu hút sự chú ý của mọi người,
hầu hết các đình làng đều có cửa võng, nhưng hiếm thấy bức cửa võng đẹp như cửa
võng Đình Diềm.
Bức cửa võng đình Diềm có chiều cao 7m từ thượng
lương xuống sát nền đình, gồm nhiều tầng, tạo ra thành nhiều lớp lang. Tầng
trên cùng là một tấm ván chạy suốt chiều rộng của gian giữa, chạm thủng 4
hình con rồng bò vào phía trung tâm chầu mặt trời, bốn cô Tiên cưỡi trên lưng
rồng, hai tay giang ngang trong động tác múa uyển chuyển.
Tầng thứ hai có độ cao 5,7m đến 6,5m tính từ mặt nền, phía
trên có ba lớp diềm sòi chạm thủng, phần giữa chia làm ba khoang lớn, xen vào
giữa bốn khoang nhỏ, có sáu cột khoang chạm lộng hình rồng.
Chính giữa mỗi cửa khám từ trong nền nhô ra đầu một đầu tiên
nữ mắt phượng mày ngài, mũi dọc dừa, miệng mỉm cười tươi, tóc vương trước trán,
tai to, dài như tai Phật. Lớp dưới của tầng thứ 2 chạm một dải cánh sen
chồng xếp rất tinh tế.
Toàn bộ cửa võng thếp vàng rực rỡ, từng nét nhỏ đều được
trang trí kỹ lưỡng.
Hình tượng Rồng Mây Lửa là chủ đạo. Từng ô cửa có hình đầu rồng
đối nhau từng đôi một. Ảnh: V.T (kt)
Tầng thứ ba của cửa võng có độ cao từ 5m đến 5,7 m gồm ba phần.
Phần trên chia ra ba lớp diềm thấp dần và lui dần vào, trong đó lớp thứ nhất
và lớp thứ ba chạm thủng hình mây lá cách điệu. Lớp thứ hai chạm thủng hình mắt
võng có gờ diềm hình cách sen. Phần giữa chia thành bốn khoảng ngăn cách nhau
bởi ba khoảng nhỏ. Ba khoảng nhỏ chạm thủng hoa cách điệu. Dưới đáy của tầng thứ
ba nhô ra ba tượng đầu chim phượng, mỗi con ngậm một đèn lồng.
Tầng thứ tư là tầng chính của bức cửa võng, gồm nhiều phần
phân bổ từ độ cao 2,8m đến 5m. Phía dưới thụt vào là một dải trang trí chia làm
ba đoạn ngắn bởi bốn lớp. Lớp ngoài hình da cá chạm mây lá cách điệu, lớp trong
là một băng nhỏ chạy dài chia thành tám ô không đều nhau, trong các ô chạm thủng
hoa văn hình học kết hợp hoa lá cách điệu. Dưới cằm của bốn đầu rồng chạm hình
cánh sen.
Phần dưới chia ra làm 7 khoang tạo thành 3 khám. Trụ các
khoang đồng thời là thành của cửa khám. Hai trụ khoang ở hai đầu sát liền với
hai cột cái trong, chạm lộng các khóm, trong đó chạm một hình cô gái ngồi, tay
phải vuốt túm tóc dài rủ xuống ngực, tay trái vin cành tre, tai dài đeo hoa, tạo
nên vẻ e thẹn, kín đáo, duyên dáng.
Một hình tượng cụ già ở trên cành tre có bộ râu dài, tay
phải tì lên gối, tay trái đặt lên bàn cờ, bàn cờ quay ra hướng chính diện. Trụ
bên trái chạm khóm trúc, dưới cùng chạm người cưỡi voi, con voi đang ngửa mặt,
vươn vòi lên quấn lá tre. Hình người tay trái đặt lên đầu voi, tay phải ôm lấy
cây măng mọc thẳng. Lẩn vào các khóm trúc có chim và thú. Hai trụ khoang này là
bức tranh hoàn chỉnh, bố cục rất sinh động những cảnh chân thực ở nông thôn.
Sáu trụ khoang phía bên trong chạm rồng cuốn cột, đầu quay
lên chầu nhau qua cửa khám. Bốn khoang nhỏ đều chạm thủng từng cặp rồng, trên
và dưới cùng chầu vào bông hoa nhỏ. Ba khoang lớn tạo thành các khám ăn sâu vào
chín lớp hun hút, các diềm đứng của ba lớp ngoài chạm thủng hình mây, các diềm
ngang ở trên của chín lớp chạm mây cách điệu trong bố cục dạ cá, lớp diềm nào
hai đầu cũng có hình tượng đầu rồng nhô ra đỡ. Mỗi khoang khám có 18 đầu rồng,
3 khám tổng cộng có 54 đầu rồng, tất cả đều thống nhất một phong cách, nhưng
không lặp đi lặp lại đơn điệu, con nào cũng có dáng vẻ riêng, linh hoạt.
Phần đế có ba dải băng, băng trên dải lá sòi ngửa, băng dưới
chạm thủng hình cánh sen xếp. Chúng ta còn bắt gặp ở phần diềm bên trong những
hình tượng phong phú hơn. Phía dưới chân chạm một cái sập chân quì dạ cá, trên
sập có con voi, dưới bụng voi có một người cởi trần đóng khố, tay phải vin vành
nhạc voi, mặt ngoảnh ra phía trước, các chi tiết trên chân dung đều được tả khá
kỹ.
Chếch về phía sau vòi voi còn hình một người khác, cũng cởi
trần đóng khố, đang đứng lấp ló. Phía sau con voi, một thân cây cổ thụ có hình
một con rồng quấn chặt, một chân nắm râu, ba chân khác nắm ba con thú, dáng vẻ
tinh nghịch. Quanh mình rồng những cụm mây lửa bốc lên mền mại, khỏe khoắn.
Cửa võng ở đình Diềm được trang trí kỹ lưỡng làm nổi bật,
thu hút mọi người từ khi mới bước vào cửa đình. Các cột rồng được sử dụng kỹ
thuật chạm lộng hết sức tinh xảo, các lớp cột rồng xoắn xít vào sâu tạo lớp
lang tầng tầng lớp lớp, hình rồng luồn lách lúc ẩn lúc hiện tới chín tầng ăn
sâu vào trong.
Phía ngoài trang trí chạm thủng tạo thành những đường diềm
chạy dài được ngăn bởi mảng chạm dọc theo thân cột cái, điểm nhấn của đình
chính là bộ cửa võng uy nghi lộng lẫy. Nếu bóc tách những mô típ rồng ra khỏi
thành phần kiến trúc chắc sẽ giảm giá trị nghệ thuật đi rất nhiều.
Nhang án được sơn son thếp vàng rực rỡ, chân quỳ chạm hình rồng,
các tầng diềm được trang trí bằng nhiều hình rồng, vân mây, hoa bốn cánh với kỹ
thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm thủng.
Hai bên là ván chạm thủng hình “Song nghê triều dương” (hai
con nghê chầu mặt trời) và 4 con rồng chầu vào vòng sáng nhọn đầu của chữ
“Phúc”. Bên cạnh các hình chạm khắc này, nhang án còn có những hình chạm rất đặc
sắc, trong đó có cả hình tượng các cô thôn nữ xinh đẹp, yểu điệu.
Trên bàn thờ Đình Diềm còn có đôi phỗng và một số đồ thờ
khác cũng là những tác phẩm nghệ thuật trong thể loại tượng tròn đẹp; những câu
đối, đại tự đều được sơn thếp công phu, nội dung chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc,
góp vào sự vẻ vang của Đình Diềm.
Hai bên ngai thờ tại tòa đình làng Diềm còn có đôi phỗng
chầu. Đây là hai tác phẩm tượng tròn dân gian có giá trị nghệ thuật khá đặc
sắc. Phỗng ngồi dáng quì, hai tay chắp kính cẩn đưa lên phía trước. Song những
chi tiết trên thân thể phỗng lại không thống nhất với dáng quì nghiêm cẩn, chẳng
hạn đầu búi tóc xoắn thành hai cái sừng ở phía trên tai.
Dân làng Diềm vẫn gọi đôi tượng phỗng này là tượng phỗng
Chàm (có lẽ tượng mang phong cách điêu khắc của người Chàm). Nếu đối chiếu
với “Việt sử thông giám cương mục” vào những năm 1069, 1074, 1075 Lý
Thái Tổ và Lý Thường Kiệt có đưa về nhiều nghệ nhân và tướng sỹ
người Chàm về để xây dựng nhiều công trình văn hóa, thì đôi phỗng
này được dân làng Diềm gọi là phỗng Chàm là có lý.
Khác với rất nhiều đình, trước đây khoảng 300 năm trước, dân
làng đã cử ra những cô gái duyên dáng, xinh đẹp và lịch thiệp để đón khách, mời
nước, mời trầu tại đình làng. Đó cũng là nét đẹp độc đáo trong quan hệ xã hội ứng
xử giao tiếp của người Quan họ làng Diềm.
Năm 1964, đình Diềm đã được Bộ Văn hóa cấp Bằng công nhận là
Di tích kiến trúc nghệ thuật.