Đình Đình Chu là nơi thờ vọng Đột Ngột Cao Sơn, Cổ Việt Hùng Thị, Thập Bát Thế Thánh Vương và các đạo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 2 có ghi “Phụng sự Thánh Tổ Hùng Vương”.
Được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch
sử cấp quốc gia vào năm 1996, đình Đình Chu được coi là “báu vật” của Vĩnh Phúc
nói riêng và Bắc Bộ nói chung. Bởi lẽ, nơi đây còn lưu giữ những nét kiến trúc
đậm chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Đình Chu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc trước khi được bao tôn xung quanh
Đình được khởi công xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và
trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Đây được coi là ngôi đình bề thế, còn
gìn giữ được lối kiến trúc độc đáo của vùng đất Bắc Bộ với trụ cột, kèo, xà
ngang xà dọc… đều được chế tác bằng gỗ nguyên khối và trạm trổ công phu.
Đình có kiến trúc hình chữ Đinh (丁) , gồm tòa Đại
Đình to lớn, rộng 13.2m dài 23.2m với 5 gian 2 dĩ với 48 cột lớn nhỏ. Cột cái
có đường kính 0.5~ 0.6 m. Bốn mặt không xây mà để thoáng, chỉ xây trụ gạch ở bẩy
góc theo phong các đình xứ Đoài. Hậu cung có hình vuông dài rộng 8.2m là một
tòa gác hai tầng tám mái rất cân đối và thanh thoát được xây kín, phía trên gác
là thượng ban thờ thành hoàng.
Tại gian thờ chính trong đình có bức hoành phi đời Nguyễn với
4 đại tự “NAM THIÊN TRIỆU THỦY” nghĩa là “Khởi dựng trời Nam” được sơn son thếp
vàng chế tác năm Bảo Đại – Nhâm Ngọ (1942).
Nghệ thuật điêu khắc của đình là sự kết hợp của nghệ thuật đời
Lê -Nguyễn, cũng bởi đình được những năm đầu tiên của đời Nguyễn nên còn chịu
nhiều ảnh hưởng của những nét độc đáo tinh xảo của điêu khắc thời Lê Trung Hưng
(1533–1789).
Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: một
cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, sắc phong vào năm Gia Long nhị niên (1803),
các sắc phong triều đại Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị; Ngai thờ, Án gian, kiệu
bát cống, đồ bát bửu, âm bồng, ống hoa, đài rượu, đài nước…
Do những biến động của lịch sử và việc phân chia sử dụng các
khu đất hành chính của xã Đình Chu, đình được di chuyển toàn bộ vào khu vực mới,
hiện nay chính là nằm trong khuôn viên của UBND xã Đình Chu.
Cách đình không xa có một ngôi miếu thiêng thường gọi là miếu
Đình Chu, có bức hoành phi đề “HÙNG VƯƠNG MIẾU” là nơi thờ chính, đình là nơi
thờ vọng. Bài vị của Miếu có ghi “ Đột Ngột Cao Sơn, Cổ Việt Hùng Thị, Thập Bát
Thế Thánh Vương” và các đạo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 2 có ghi “Phụng sự
Thánh Tổ Hùng Vương”.
Theo phong tục của hàng năm cứ ngày 10/10 âm lịch là ngày tiệc
thờ thánh, làng có tổ chức rước bài vị từ Miếu Hùng Vương ra đình tế lễ , ca
hát rồi mới rước quay trở về Miếu trong ngày, nhưng ngày nay do đình xuống cấp
nghiêm trọng chưa được khôi phục. Chính vì thế ngôi đình không được sử dụng và
dần trở nên hoang phế và không quan tâm sửa chữa.
Trải qua thời gian, đến nay nhiều hạng mục của đình Đình Chu
xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều thanh xà bắt đầu mục ruỗng, mái ngói bị thủng lỗ
chỗ… khiến cho Di tích cấp quốc gia có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trước sự xuống
cấp của di tích, chính quyền địa phương cho biết do không có kinh phí tu bổ, hiện
chỉ căng biển báo nguy hiểm để dân làng không vào đình. Các hoạt động sinh hoạt
và thực hành tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng bấy lâu không còn diễn ra ở
đây.
Sự xuống cấp nghiêm trọng của đình người dân địa phương đã
hô hào các nhà hảo tâm mua tôn làm nhà bao che cho đình để bảo vệ di tích trước
sự xâm hại của thời gian, trước mắt là thể giảm thiểu tác động của mưa bão,
tránh sự cố không đáng có khi xảy ra mưa to gió lớn”.
Đình được người dân góp tiền làm nhà bao mái xung quanh, nhìn xa không ai nhận ra đây là ngôi đình
Chính quyền phải làm biển cảnh báo
Dui, mè và các cấu kiện bị hư hỏng nặng
Phần nóc của Đình thủng lỗ chỗ
Các cột đình đều được làm từ gỗ nguyên khối có niên đại hàng trăm năm
Các hạng mục như keo, dui, mè, ngói, tường... dường như không còn sử dụng được nữa
Đến nhà bao tôn bảo vệ đình của thủng lỗ chỗ
Hiện di
tích đình Đình Chu nói riêng và các di tích khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Phúc nói chung đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sớm bảo tồn
các di tích này sẽ trở thành phê tích bất cứ lúc nào.