Đình Dĩnh Thép thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quí Minh đại vương và Lâm Giang đô thống, danh tướng thời vua Hùng Duệ Vương, có công phò giúp vua đánh bại giặc Thục, khi hóa được các triều đại sau sắc phong Thượng đẳng thần.
Đình Dĩnh Thép thuộc địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc
Giang). Đây là xã miền núi, có nhiều đồi gò, địa hình hiểm yếu, có lợi thế
trong quân sự.
Thủa ban đầu, đình Dĩnh Thép được xây dựng ở địa điểm cách
chỗ hiện tại khoảng 200 m. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1907) năm Đinh Mùi. Hoàng
Hoa Thám đã cho chuyển ra địa điểm như hiện nay (cạnh chùa Dĩnh Thép). Dân làng
nhiều người vẫn còn kể lại rằng khi tu sửa đình Dĩnh Thép, Đề Thám đã đến đặt
nóc đình. Ngôi đình này đã bị hư hỏng và tháo dỡ vào năm 1976.
Sau này, đình đã được khôi phục xây dựng lại với những di vật
còn lại như 3 tấm bia đá (một tấm mất niên hiệu, một tấm niên hiệu Tự Đức thứ
22 (10/3/1869), một tấm có niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917).
Năm 1993, đình đã được UBND tỉnh Hà Bắc ra quyết định và cấp
bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá, đình cũng là một trong 23 điểm di tích
thuộc hệ thống di tích lịch sử “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” được Thủ tướng
Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTG ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích quốc
gia đặc biệt.
Đình Dĩnh Thép - nơi ghi dấu ấn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Tuy là ngôi đình nhỏ, nhưng tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện
lịch sử có liên quan tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa
Thám lãnh đạo. Theo lời kể của nhân dân trong vùng, vào rằm tháng 7 năm Mậu Tý
(1888), nghĩa quân Yên Thế đã tổ chức một cuộc gặp giữa các tướng lĩnh ở khu vực
đình, chùa Dĩnh Thép để thống nhất tổ chức và hạ quyết tâm chống Pháp.
Tại cuộc gặp này, Bá Phức đã được cử làm Chánh tướng, Đề Nắm
làm Phó tướng, Tả đạo tướng quân phụ trách hậu cần; Đề Thám làm Phó tướng, Tả dực
tướng quân phụ trách quân. Còn nhiều tài liệu của Pháp chỉ ghi thời điểm hội
quân tại đình Dĩnh Thép diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 8 năm 1888.
Đình Dĩnh Thép thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quí Minh đại
vương và Lâm Giang đô thống, ba vị này đồng xuất thấn từ đời vua Hùng Duệ Vương
có công giúp dân giúp nước, khi mất được phong là Thượng đẳng thần. Không chỉ
diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, là niềm tự hào của nhân dân trong vùng về truyền
thống đánh giặc giữ nước của cha ông; đình cùng với chùa Dĩnh Thép còn là nơi
diễn ra lễ hội Dĩnh Thép, là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân và
là điểm hẹn về văn hoá hấp dẫn của vùng.
Hàng năm mỗi dịp xuân thu nhị kỳ đình chùa Dĩnh Thép lại mở hội (mồng 15 tháng giêng - hội chính
và 19 tháng 9 âm lịch - chỉ tế lễ). Đây là một hội lớn, thu hút nhân dân quanh
vùng Thép Trong, Thép Ngoài, vùng Sơn Quả - Hiệp Hoà…. Cũng theo lời kể của các
bậc cao niên trong vùng; trước kia, khi Đề Thám mở hội đình Dĩnh Thép, các tướng
lĩnh của nghĩa quân cũng như các quan quanh vùng cũng được mời về dự hội.
Các nghi thức tế lễ trong lễ hội đình Dĩnh Thép được diễn ra
từ đêm ngày 14 và sáng ngày 15. Ngoài tế lễ, và rước kiệu thánh, hội đình Dĩnh
Thép xưa còn có phường bát âm tấu nhạc, có năm còn mời hát ca trù. Tối có tổ chức
hát tuồng, hát chèo cho dân đến thưởng thức. Những phường thường đến hát là phường
chèo ông Lữ quê ở Nhã Nam, phường chèo Kim Đào (Gia Lương), phường Kim Đào hát
hay, đóng khéo được bà con yêu thích. Các tích trò thường diễn là: “Lưu Bình
Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”....
Không chỉ thưởng thức văn nghệ do các phường nơi khác đến
hát, bà con trong vùng còn tổ chức hát ống, hát quan họ, bà con dân tộc Tày -
Nùng trong vùng thì hát sli, hát lượn.
Ở ngoài sân đình có tổ chức vật giải, nhiều đô vật từ các nơi đến tham dự khiến giải vật ở lễ hội
Dĩnh Thép thành giải vật lớn có tiếng của cả vùng Yên Thế. Ngoài ra hội còn tổ
chức nhiều trò chơi dân gian thu hút nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai trong và
ngoài vùng tham gia rất vui vẻ như: chọi gà, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều đốt
pháo, chơi đu…
Thông qua các lễ hội trong vùng Yên Thế, tiêu biểu là việc tổ
chức lễ hội đình Dĩnh Thép cho thấy Hoàng Hoa Thám ngoài việc là một tướng lĩnh
tài ba trong lĩnh vực quân sự, ông còn là người am hiểu về phong tục tập quán của
dân mình.
Qua việc tu sửa, xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng,
tổ chức lễ hội, ông đã đáp ứng thoả mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của mọi người
dân. Từ đó họ chung sức, chung lòng tham gia ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Thế và
góp phần giúp cho cuộc khởi nghĩa kéo dài đến 30 mươi năm.
Trong những ngày tổ chức lễ hội, dân làng vùng Dĩnh Thép đều
làm cỗ như ngày Tết cổ truyền dân tộc. Các dòng họ lớn thường có một mâm lễ vật
mang ra cúng ở đình chùa (lễ vật là một mâm xôi đầy, gà luộc hoặc thủ lợn bày
lên trên, trứng luộc bày xung quanh).
Các gia đình có điều kiện sẽ thịt lợn, gói bánh chưng, thịt
gà….trước là để có mâm cỗ mang ra đình, chùa để cúng phật, thành hoàng, sau đó cũng sắp một mâm cỗ cũng tổ tiên ở
nhà.
Đồng thời bà con, anh em xa gần trong ngày Tết Nguyên đán
không có dịp đến chơi, nay đến dự hội làng thì mời về nhà ăn cơm để tăng thêm
tình đoàn kết trong họ hàng, dòng tộc, sự gắn bó trong cộng đồng làng xã…Tập tục
này được bắt nguồn từ việc dân làng chung nhau mổ bò, trâu, lợn, nấu cơm khao
quân nhân dịp hội quân của nghĩa quân Yên Thế vào ngày rằm tháng 7 năm 1888.
Trong thời gian ngôi đình Dĩnh Thép bị đổ nát chưa phục dựng
lại, lễ hội truyền thống vì thế không còn được duy trì thường xuyên, nhưng mỗi
khi đến ngày lễ; nhiều gia đình trong vùng vẫn làm mâm cỗ mang đến chùa và khu
đất có ngôi đình để thắp hương cúng khấn. Mọi nhà vẫn làm cỗ như những năm tổ
chức lễ hội đề mời bà con anh em xa gần đến chung vui.
Sau nhiều năm không được tổ chức, hội đình Dĩnh Thép đã được
phục dựng lại với một diện mạo mới,
nhưng vẫn chứa đựng những nét cổ truyền thống. Do ngày hội Phồn Xương được tổ
chức vào ngày 16 tháng 3 Dương Lịch (là ngày Đề Nắm tế cờ khởi nghĩa ở đình Hả)
nên UBND huyện đã quyết định chuyển các lễ hội có liên quan đến cuộc khởi nghĩa
Yên Thế, tổ chức vào các ngày gần với ngày lễ hội Phồn Xương.
Ví dụ như hội chùa Thông (là nơi diễn ra cuộc hoà hoãn lần
thứ nhất giữa nghĩa quân Yên Thế với Thực dân Pháp) được tổ chức vào ngày 15
tháng 3 trước hội Phồn Xương một ngày. Lễ hội đình, chùa Dĩnh Thép ngày nay
cũng được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 3 Dương Lịch. Công việc tế lễ được
diễn ra từ chiều hoặc ngày 12. Buổi tối,
các chi đoàn trong xã đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ, thể thao. Buổi sáng ngày
13, UBND xã tổ chức khai mạc lễ hội, diễn tích Hoàng Hoa Thám kêu gọi nhân dân
đứng lên tham gia khởi nghĩa, chống thực dân Pháp.
Đây cũng là nét mới của lễ hội Dĩnh Thép. Tiếp đến là đại diện
cho các thôn trong xã dâng hương, đội tế sẽ đứng thành hai hàng để đón lễ vật của
các đoàn. Ngoài sân đình, sân chùa, các cụ cao niên trong Hội người cao tuổi ở
các thôn biểu diễn dưỡng sinh, các cháu học sinh biểu diễn thể dục nhịp điệu.
Các trò chơi dân gian, môn thể thao mới
và truyền thống cũng được tổ chức như: Võ vật truyền thống, đẩy gậy, kéo co,
bóng chuyền bóng đá…
Sáng ngày 16-3 Dương lịch, hoà chung với không khí náo nức,
với dòng người từ mọi ngả đường về trảy hội Yên Thế (hội Phồn Xương); đoàn đại
biểu của xã Tân Hiệp gồm: Lãnh đạo xã, hội người cao tuổi, các cháu thiếu niên
chăm ngoan học giỏi, thanh niên tiêu biểu sẽ tổ chức dâng hương ở đình, chùa
Dĩnh Thép; sau đó cùng về dâng hương tại tượng đài Hoàng Hoa Thám. Lễ vật gồm
có: Mâm xôi trắng, một con gà luộc, bánh kẹo, hoa quả, nén hương thơm, chai rượu
trắng…và cả tấm lòng thành của toàn thể nhân dân xã Tân Hiệp với người anh hùng
Hoàng Hoa Thám.
Vi Thị Tỉnh