Đình làng Đoan Bái thuộc thôn Đoan Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là nơi phụng thờ Thần hoàng “Lạc Thị” dòng dõi Lạc Long Quân. Đình Đoan Bái đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá, quyết định số 483/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 4 năm 2010.
Đình Đoan Bái có tên chữ là “Văn Thịnh” vốn được khởi dựng từ
lâu đời trên khu đất đẹp nằm ở phía tây làng, thuộc khu Đồn, cách đình hiện nay
khoảng 100m. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lệnh tiêu thổ, đình Đoan
Bái được dỡ xuống để đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Hoà bình lập lại, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân
dân phục dựng lại ngôi đình để thờ Thánh. Năm 1998 và năm 2003, ngôi đình tiếp
tục được tu bổ tôn tạo, các tài liệu hiện vật và đồ thờ tự trong di tích cũng
được nhân dân quy tụ, bổ sung, làm cho ngôi đình ngày một khang trang.
Hiện trạng
Hiện đình Văn Thịnh thôn Đoan Bái có kết cấu kiến trúc kiểu
“tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Tuy công trình kiến trúc của đình Đoan Bái còn
khá khiêm tốn, không được bề thế như đình xưa, nhưng đây vẫn luôn là trung tâm
sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi thờ phụng những người có công với dân với nước,
nơi giáo dục các truyền thống tốt đẹp cho thế hệ sau.
Trong đình còn bảo lưu được một số tài liệu hiện vật cổ như:
hệ thống bia hậu (5 bia), mâm bồng, án thờ, đài đồng, đài trầu, bản kê khai thần
tích, thần sắc năm 1938… không những là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử
mà còn chứa đựng nhiều thông tin góp phần vào việc tìm hiểu về văn hoá, tín ngưỡng,
phong tục tập quán của làng Đoan Bái trong lịch sử.
Hội lệ
Lễ hội đình Đoan Bái xưa được tổ chức vào ngày
mồng 9 tháng 4 âm lịch, sau để tiện cho mùa vụ, hội đình được tổ chức vào ngày
mồng 7 tháng 2 âm lịch. Và tục truyền, cứ 4 năm một lần các làng Bưởi (Bưởi
Đoan anh cả - tức thôn Đoan Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình; Bưởi Cuốc thứ hai
- tức thôn Nghi Khúc, xã An Bình, huyện Thuận Thành; Bưởi Xuyên thứ ba - tức
thôn Ngọc Xuyên, xã Đại Bái, huyện Gia Bình; Bưởi Nồi thứ tư - tức thôn Đại
Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình) lần lượt luân phiên tổ chức rước tế chung, tục
gọi là “Hội tứ xã”, từng nổi tiếng trong dân gian.