Theo bản sao Thần tích - thần sắc của xã Đôn Mục được lưu giữ tại viện Thông tin Khoa học Xã hội, đình Đôn Mục thờ vị thành hoàng là Lữ Gia, tên huý là Nguyễn Chiêu Lệ, có công đánh giặc Tây Hán triều đại Nam Việt thời trước Công Nguyên.
Đình Đôn Mục tọa lạc tại thôn Đôn Mục, xã Đôn Nhân, huyện
Sông Lô. Đình được gọi theo tên làng Đôn Mục xưa. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nguyễn
Xuân Lân, Sở VHTT Vĩnh Phúc, 2000), năm 1903, Đôn Mục là một trong số sáu làng
cổ (Đôn Mục, Nhân Mục, Nhân Lạc, Khoan Bộ, Lãng Sơn, và Phương Ngạc) thuộc tổng
Nhân Mục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên.
Lúc bấy giờ, Đôn Mục là một làng cổ có quy mô tương đối lớn,
giàu truyền thống văn hóa và hiếu học.
Theo bản sao Thần tích - thần sắc của xã Đôn Mục được lưu giữ
tại viện Thông tin Khoa học Xã hội, đình Đôn Mục thờ vị thành hoàng là Lữ Gia,
tên huý là Nguyễn Chiêu Lệ, có công đánh giặc Tây Hán thời kỳ trước Công
Nguyên.
Trong Xã chí làng Đôn Mục, ở mục 2 nói về Thần sắc, thời điểm
năm 1942 làng Đôn Mục có 5 đạo sắc gồm 4 đạo sắc chính (sắc gốc) và 1 đạo sắc
sao (sắc sao lại theo bản chính) vào các năm: Niên hiệu Tự Đức năm thứ 7
(1854), niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), niên hiệu Duy Tân năm thứ Ba
(1909), niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924), Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730).
Đình Đôn Mục có lịch sử xây dựng lâu đời, đến thời Lê đã là
một ngôi đình lớn trong tổng. Theo bản xã chí xã Đôn Mục kê khai năm 1942 ở mục
nói về đình có ghi: đình làng này có 4 cái nhà, trên câu đầu của đình có khắc
dòng chữ: Thành Thái Tân Sửu tức năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái (1901). Hiện
tại ở đình có 05 bia đá, trong đó có 04 bia đình gồm có: 01 bia niên hiệu Cảnh
Hưng năm thứ 12 (1751), 02 bia niên hiệu Gia Long năm thứ 7 (1808), 01 niên hiệu
Gia Long năm thứ 12 (1813).
Các bia tuy đã bị mờ chữ nhưng căn cứ theo tài liệu thác bản
bia tỉnh Vĩnh Phúc, 04 bia trên đều có nội dung ghi lại việc những người có có
tâm cũng tiền của, ruộng đất cho làng và cho đình nên được bầu làm hậu thần...
Như vậy, qua những tư liệu đã có có thể khẳng định đình Đôn Mục được khởi dựng
từ lâu đời.
Đến triều Lê, đình Đôn Mục đã là một ngôi đình lớn, được
nhân dân trong làng chuyên tâm phụng sự, công đức đồ tế khí, ruộng đất, tôn tạo
trang hoàng cho đình làng vào các năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), Gia Long năm thứ
7 (1808), Gia Long năm thứ 12 (1813). Năm 1901, niên hiệu Thành Thái triều Nguyễn,
đình đã được trùng tu, tu bổ lớn.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khoảng những năm 1962
ngôi đình cổ bị phá huỷ, từ đó đến năm 1968 việc thờ tự thành hoàng làng bị
gián đoạn. Năm 1968 nhân dân làng Đôn Mục dựng tạm một gian thờ nhỏ để khôi phục
việc thờ tự. Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động các nguồn
công đức, phục hồi đình Đôn Mục với quy mô kiến trúc như hiện nay để đáp ứng
nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và thờ cúng thành hoàng làng.
Về kiểu dáng, kết cấu kiến trúc đình Đôn Mục vẫn mang dáng dấp
của ngôi đình làng truyền thống. Đình nhìn theo hướng Tây, toạ lạc ở vị trí giữa
làng Đôn Mục, quy mô gồm 02 toà: đại đình 03 gian, 02 dĩ, hậu cung 02 gian được
liên kết với nhau thành một khối thống nhất theo kiểu chữ Đinh.
Hậu cung được nâng sàn tạo thành gác lửng là nơi đặt khám thờ
trên có long ngai bài vị thờ thành hoàng. Toàn bộ hệ khung chịu lực gồm các cột,
xà, kẻ, bẩy, các bộ vì nóc đình được kết cấu bằng bê tông cốt thép gia cố chắc
chắn. Hệ thống hoành, dui làm bằng gỗ, mái lợp ngói móc. Nền đình lát gạch đỏ,
các cửa ra vào làm kiểu bức bàn.
Về di sản văn hóa phi vật thể, theo những tư liệu khảo sát
do nhân dân địa phương đặc biệt là những người cao tuổi có am hiểu về các tục lệ
truyền thống của làng Đôn Mục và bản kê thần tích, thần sắc làng Đôn Mục ở phần
tế lễ thì hàng năm làng Đôn Mục xưa có 3 kỳ tế lễ chính gồm: lễ hội khai xuân
ngày mùng 4 tháng Giêng, tiệc thánh hóa ngày mùng 10 tháng Năm, tiệc thánh đản
(thánh sinh) ngày mùng 1 tháng Chạp. Ngoài các kỳ lễ tiệc lớn trên thì hàng năm
còn có các kỳ lễ tiệc theo thời vụ mùa là lễ hạ điền ngày mùng Một tháng Sáu và
Thượng điền ngày 20 tháng Bảy.
Trong các kỳ lễ tiệc trên thì lễ hội tháng Giêng được tổ chức
long trọng với quy mô lớn hơn cả. Theo các cụ cao niên trong làng, đây là lễ hội
được tổ chức có quy mô lớn nhất trong năm của làng Đôn Mục. Thời gian diễn ra
trong 02 ngày từ 03 - 04 tháng Giêng, diễn trình của lễ hội được tóm lược như
sau:
- Tế lễ: Chiều ngày 03 tháng Giêng tổ chức cáo tế, sáng ngày
mùng 4 tế chính, chiều mùng 4 tế tạ. Đội hình tế lễ gồm 09 người, chủ tế mặc phục
trang màu vàng, quan viên tế phục trang màu xanh, khi tế có nhạc của phường Bát
âm. Những người tham gia đội tế trước đây phải là hương lý và những người có chức
quan viên. Ngoài ra những người này gia đình phải song toàn, con cái đề huề,
không có tang cớ, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt vạ.
- Lễ rước: Lễ rước được tổ chức vào sáng ngày 4 tháng Giêng.
Hành trình đám rước đi từ đình Đôn Mục đến gia đình chủ tế để rước lễ về đình tổ
chức lễ hội. Đội hình đoàn rước theo trật tự sau: Đội cờ, phường bát âm, chấp
kích, kiệu lễ, quan viên tế và nhân dân trong thôn.
Ngoài ra trong đoàn rước còn có những người mang trang phục
trình nghề như: người đi cày - cầm cày và đánh trâu, người đi cấy, người bán
Ngài, người đi câu - tay cầm cần câu có móc những con cá được làm bằng giấy, vừa
đi vừa giật cần mô tả việc câu cá, những người dân theo đoàn rước thì cố gắng
giật được con cá giấy của người đi câu (người nào lấy được thì sẽ được may mắn
trong cả năm).
- Lễ vật dâng thánh gồm: thủ lợn, xôi, thịt gà, hoa quả. Lễ
vật rước từ nhà chủ tế về đình do gia đình chủ tế chuẩn bị, còn lễ vật tại đình
do làng chuẩn bị. Sau khi tế lễ và tổ chức trò chơi thì dân làng cùng hưởng lễ
vật đó tại đình.
- Trò chơi dân gian: Trong lễ hội các trò chơi dân gian được
diễn ra sôi động gồm nhiều trò như: cướp bông, kéo co, đánh vật, đánh cờ...
trong đó trò cướp bông diễn ra sôi nổi thu hút được sự tham gia của đông đảo
nhân dân. Trò cướp bông được tổ chức sau kỳ tế chính. Dân làng chuẩn bị 02 cây
chuối dựng ở cổng đình, trên thân cây có cắm các bông lúa, bắp ngô, cờ đuôi
nheo.
Sau khi tế xong vị chủ tế phát hiệu lệnh, nhân dân tham gia
lễ hội lao vào cướp những bông lúa, bắp ngô được cắm trên thân cây chuối. Sau
khi cướp được người ta mang về dùng vào việc chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Theo
lời truyền và quan niệm của nhân dân thì những bông lúa, bắp ngô ấy dùng cho
chăn nuôi, tăng gia sản xuất thì sẽ gặp nhiều may mắn, năm đó sẽ làm ăn được
phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi thuận lợi.
Ngày nay, với ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống
của ông cha để lại, cộng đồng làng Đôn Mục đã bước đầu phục hồi các lễ hội truyền
thống qua đó nâng cao nhận thức, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá
truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Nhìn chung, đình Đôn Mục mặc dù mới được phục hồi, kết cấu
kiến trúc vẫn mang dáng vẻ cổ kính của ngôi đình làng truyền thống, đáp ứng được
chức năng là nơi thờ thành hoàng làng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng
dân cư làng Đôn Mục. Căn cứ vào giá trị của di tích, đình Đôn Mục đã được Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
tháng 2 năm 2015.
Hoàng Lĩnh – Phòng QLDSVH