Đình Đông Cao thuộc thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, thờ phụng 5 vị thần: Thiên thần Bạch Hạc Tam Giang có công âm phù Lý Thường Minh đánh giặc Xích Quỷ; chàng cả Minh Đê và chàng hai Minh Khao, có công lập ấp cứu dân khỏi nạn hạn hán, cầu mưa làm cho mùa màng tươi tốt; danh tướng Hồ Hác, danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng.
Đình Đông Cao xây dựng từ lâu đời, trải qua năm tháng đình
được tu sửa nhiều lần, kiến trúc hiện nay có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Đình là nơi thờ 5 vị thần: Thiên thần Bạch Hạc Tam Giang đã
có công âm phù Lý Thường Minh đánh giặc mũi đỏ; chàng cả Minh Đê và chàng hai
Minh Khao - hai người đã có công lập ấp cứu dân khỏi nạn hạn hán, cầu mưa làm
cho mùa màng tươi tốt; danh tướng Hồ Hác - người đã giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi
giặc Tô Định mang lại độc lập cho đất nước.
Đình Đông Cao có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm toà
Đại đình và Hậu cung.
Đại đình gồm 5 gian, gian giữa dài 6,05m, các gian tiếp theo
có chiều dài từng gian là 6,0m và 6,50m đối xứng qua gian giữa. Tổng chiều dài
toà Đại đình là 19m và rộng 9,0m. Kết cấu kiến trúc của toà này được thiết kế
theo kiểu thức chồng rường giá chiêng con nhị, liên kết giữa các bộ vì kèo là hệ
thống xà dọc và hoành mái, chịu lực chính là hệ thống cột gồm 12 cái và tường
bao quanh, trong đó có 4 cột cái (cao 5,20m; đường kính 0,40m).
Nền đình hai gian phía hồi nâng cao lên 22cm so với ba gian
giữa. Đại đình có diện tích mặt bằng rộng rãi (171m), thoáng mát nhằm phục vụ
các công việc thường xuyên của làng, đặc biệt là tổ chức lễ hội truyền thống.
Xung quanh tường ngoài toà Đại đình là hàng hiên chạy suốt
ba mặt: mặt tiền và hai đầu hồi, điều đó làm tăng không gian sử dụng.
Hậu cung gồm ba gian, nối với Đại đình bằng hệ thống máng chảy
có chiều dài từ Đại đình vào là: gian giữa 3,40m và hai gian bên chia đều mỗi
gian 3m. Hậu cung chia làm hai phần, phần ngoài cùng để bài trí án thờ làm nơi
Tiền tế, phần bên trong được nâng sàn cách nền 2,0m, tạo cho thượng cung vừa
thâm nghiêm lại kín đáo.
Hiện nay, ở đình còn lưu giữ được một số bức chạm có phong
cách nghệ thuật thế kỷ XIX như: chạm ở các đầu bẩy, hai toà của đình có 8 đầu bẩy
được chạm nổi hình rồng uốn xen kẽ các vân mây với đường nét sắc gọn; hai bức cốn
gian giữa Đại đình có hình tam giác vuông, cạch đáy 1,30m, cạnh huyền 1,50m, cạnh
đứng 1,20m; bức này đục bong hình “long, ly, quy, phượng”.
Trung tâm là “long”. Rồng ở tư thế hút nước với đầu nổi, lồi
hẳn lên, bờm tóc dữ tợn, mắt lồi, mình uốn nhiều khúc ẩn khuất trong mây. Phía
trên đầu rồng là hình phượng đang bay, cánh xoè rộng, mỏ khoằm, xung quanh là
các hình vân mây, hoa lá.
Phía dưới là hình rùa và khóm sen cũng đục bong, đó là khóm
sen lớn với một nụ sắp nở, một đài sen và một lá úp lên mình rùa. Rùa ở tư thế
đang đi, khoan thai, chân choãi, cổ ngẩng cao. Phía dưới bên trái là hình con
ly bờm tóc rậm rạp, mắt lồi, đầu ngẩng cao, chân trước hơi cọ, chân sau choãi.
Đây là hai bức chạm đẹp với lối bố cục chặt chẽ, hợp lý, nghệ
thuật chạm khắc tinh tế nói lên tài hoa, sức sáng tạo, trí tưởng tượng phong
phú của nhân dân nơi đây. Ở cửa khám cũng được trang trí chạm nổi, nội dung đề
tài “long, ly, quy, phượng” và “ngư - điều”.
Đình Đông Cao còn lưu giữ một số di vật, cổ vật độc đáo, đặc
biệt di vật là các đồ thờ bằng gỗ.
Đình Đồng Cao trước và trong quá trình trùng tu
Đình Đông Cao đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di
tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01