Đình Đông Cựu, Yên Kiện, Chương Mỹ, Hà Nội được lập từ thời Hậu Lê, thờ phụng ba tướng quân Thành Hiển, Đoan Minh, Dực Bồng có công giúp vua Hùng. Bản ngọc phả lưu trong đình này là do quan Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được chép lại năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1736).
Đình Đông Cựu.
Lược sử
Theo đó xưa kia ở trại An Dương, huyện Lương Giang, phủ
Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa có nhà họ Lê sinh ra một vỏ bọc chứa 3 anh
em trai, ông bà đặt tên là Thành Hiển, Đoan Minh, Dực Bồng. Lên 16 tuổi
họ đã tinh thông văn võ. Cha mẹ qua đời sớm, đến năm 24 tuổi họ lên
kinh đô Phong Châu thi tuyển tướng. Vua Hùng phong họ chức Chỉ huy sứ,
sau thăng lên Tả quân.
Khi ấy có giặc Ai Lao xâm phạm, ba vị được vua cho
làm tiên phong và chiến thắng, được ban thực ấp ở huyện Ninh Sơn. Họ
trở về lập dinh trại ở khu Động Quyên, xóm Khang Kiện và mở tiệc
khao. Bỗng có đám mây vàng hoá thành dải lụa đỏ sà xuống, ba vị
hoá ngày 10 tháng 6 âm lịch. Các triều đình đời sau đã ban tặng nhiều
đạo sắc phong và cho thờ làm thành hoàng làng.
Năm 2004, đình Đông Cựu đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp
hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Kiến trúc
Đình được xây trên khu đất cao ráo đối diện một ao to
ở giữa làng. Cổng đình làm theo kiểu nghi môn tứ trụ với 2 cửa phụ.
Sau cổng là dãy nhà tả, hữu mạc 5 gian đối diện qua sân. Toà đại
bái 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong lợp ngói ri, bờ nóc đắp hình lưỡng
long chầu nguyệt và các linh thú khác. Các bộ vì được làm theo kiểu
“thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách, kẻ”.
Ống mưống sâu 2 gian được nối bởi các kẻ chuyền đỡ
hoành mái. Hậu cung là 3 gian nhà ngang, đầu hồi bít đốc. Các bộ vì
được làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền xà
nách”. Gian giữa lắp ván sàn, cấp cao nhất thờ thành hoàng, cấp
dưới đặt bát hương, 3 bộ long ngai bài vị, 8 đạo sắc phong và 1 kiệu
song loan thời Lê.