Đình Đồng Lý thờ danh tướng Sỹ Quyền, một thổ hào có uy lực ở địa phương, phò tá Nhị vua Hai Bà Trưng tập hợp nhân dân, nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi giặc Tô Định ra khỏi bờ cõi.
Đình Đồng Lý, xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên có từ thế kỷ 17,
tiềm ẩn nhiều giá trị lịch sử và văn hoá. Đình quay hướng Đông-Bắc, nhìn ra
cánh đồng lúa trũng, vết tích của dòng sông cổ dẫn nước ra sông Cấm chảy qua địa
phận xã Mỹ Đồng.
Đình Đồng Lý là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ đồ sộ và
chắc chắn, có sự đan xen hài hoà giữa nghệ thuật Lê (thế kỷ XVII) và nghệ thuật
Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Các bộ phận cấu thành bộ khung ngôi đình như: Cột,
xà, hoành, rường… đều làm bằng gỗ lim, đục chạm trang trí tỉ mỉ với nhiều mảng
đề tài rồng, mây, hoa, lá cỏ cây sinh động thể hiện ước vọng ngàn đời của người
nông dân, những mong “mưa thuận, gió hòa”, “dân khang , vật thịnh”.
Nguyên gốc trang trí nghệ thuật trên kiến trúc gỗ niên đại
Lê thế kỷ XVII chỉ còn lại hệ thống cột, chân tảng đá xanh, kết cấu 2 vì đóc tiền
đường, cấu trúc “nghê gỗ”, tàu mái.
Những phần còn lại của phần kiến trúc gỗ và bộ sưu tập những
di vật được bài trí, bảo quản tại di tích hiện nay đều in đậm dấu ấn nghệ thuật
thời Nguyễn đầu thế kỷ XI trở đi. Kiến trúc xây, đắp, vẽ và tam quan được khởi
dựng vào thời Bảo Đại (1926-1945), qua bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ của những
người thợ địa phương.
Đình thờ danh tướng Sỹ Quyền, một thổ hào có uy lực ở địa
phương, thời Hai Bà Trưng. Thần tích ghi rằng: Sỹ Quyền là người Trung nguyên,
vì tránh giặc Vương Mãng phải sang ẩn cư tại trang Đồng Lý, đạo Hải Đông thuộc
đất Giao Châu (tức miền Bắc nước ta hiện nay). Sĩ Quyền theo Hai Bà Trưng tập hợp
nhân dân, nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định ra khỏi bờ cõi.
Truyền thuyết và thần tích vẫn dành những lời tốt đẹp nhất
ca ngợi Sỹ Quyền và dân binh trang Đồng Lý xưa: “Trên đường đi cờ bay gió thổi
vạn dặm, chiêng trống vang rền như sấm động ngàn núi”. Trong trận quyết chiến ở
hồ Lãng Bạc, Sỹ Quyền tả xung, hữu đột, chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy
sinh. Tương truyền, xác ông trôi về đến bến sông thuộc địa phận trang Đồng Lý
thì dừng lại, dân làng được “báo mộng” liền an táng theo nghi thức vương hầu. Xứ
đồng nơi dân làng tiễn đưa Sỹ Quyền hóa sinh vào cõi vĩnh hằng, nay vẫn còn
trong di ngôn của các cụ già người địa phương.
Hàng năm vào ngày 8 đến 12 tháng riêng âm lịch lại tổ chức
tưởng nhớ công ơn của Sử Quyên (tướng thời Hai Bà Trưng) với các hoạt động rước
bài vị, tế lễ, cờ tướng, chọi gà.
Đình Đồng Lý, xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng được
Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1993.