Đình Đông Miếu thờ thần Lạc Thị Linh Ứng đại vương từ thời Hùng Vương, ngài có công phù giúp đất nước, dân chúng diệt trừ mọi tai ương địch họa, dưới các triều đại phong kiến đều được ban tặng sắc phong cho phép phụng thờ.
Đình Đông Miếu thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh
Bắc Ninh. Đây là một ngôi đình cổ còn bảo lưu được khá nguyên sơ nghệ thuật kiến
trúc thời Lê - Nguyễn. Hiện nay tại đình Đông Miếu còn lưu giữ được nhiều tài
liệu, hiện vật cổ có giá trị như thần tích, sắc phong, bia đá cùng nhiều đồ thờ
tự tạo tác nghệ thuật khác. Trong đó đặc biệt giá trị nhất là chiếc hương án gỗ
có niên đại từ thế kỷ XVIII.
Theo nội dung văn bia “Bồng đình lưu truyền vạn đại” khắc
ngày 11, tháng 4, năm Cảnh Hưng 19 (1758) hiện dựng bên trong tòa Tiền tế cho
biết đình Đông Miếu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (khoảng nửa cuối thế kỷ
XVII), đến năm Đinh Sửu (1757) được trùng tu, tôn tạo mở rộng với quy mô lớn, từ
đó tới nay tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng về cơ bản vẫn giữ được dáng dấp
ban đầu.
Mặt bằng kiến trúc ngôi đình hiện nay hình chữ Đinh (J) gồm
3 gian 2 chái Tiền tế 4 mái, 4 đao cong và 3 gian Hậu cung. Toàn bộ hệ thống
khung chịu lực làm bằng gỗ lim gồm 6 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc, tất cả các
bộ vì kèo đều được kết cấu theo kiểu “con chồng trụ giá chiêng”.
Trên một số bộ phận kiến trúc như cốn, kẻ, bẩy chạm khắc
trang trí đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật
thời Lê – Nguyễn. Đình Đông Miếu thờ thần Lạc Thị Linh Ứng đại vương từ thời
Hùng Vương, ngài có công phù giúp đất nước, dân chúng diệt trừ mọi tai ương địch
họa, dưới các triều đại phong kiến đều được ban tặng sắc phong cho phép phụng
thờ.
Bên cạnh giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, đình Đông Miếu
còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật và đồ thờ tự cổ có giá trị như: 3 bức
hoành phi, 2 đôi câu đối, 3 ngai thờ, mâm bồng, lư hương, 4 tấm bia đá: “Bồng
đình lưu truyền vạn đại” khắc năm Cảnh Hưng 19 (1758), “Như nhật như sơn” khắc
năm Gia Long 11 (1812), “Hậu thần bi ký” khắc năm Tự Đức 34 (1881), “Huệ thần
bi ký” khắc năm Bảo Đại 16 (1940), chó đá (thế kỷ XVIII), 7 đạo sắc phong do
các triều vua ban tặng vào các năm 1846 (2 đạo), 1850, 1880, 1887, 1909, 1924.
Đặc biệt tại tòa Tiền tế đình Đông Miếu còn lưu giữ được 01
chiếc hương án trang trí chạm khắc tinh xảo, bề mặt sơn son thiếp vàng. Hương
án cao 1,6m, mặt rộng 85cm, dài 153cm, phần trên mặt 4 góc bao lan trang trí chạm
thủng rồng chầu, diềm phía trên mặt chính diện trang trí cánh sen, phía dưới
trang trí chạm thủng, rồng, hoa lá cách điệu.
Thân hương án phía trước và hai bên hồi được chia thành nhiều
ô nhỏ, trang trí chạm nổi đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, hổ phù, chữ thọ vuông,
vân mây, dây lá cách điệu, phía sau sơn màu đỏ không trang trí hoa văn.
Căn cứ vào kiểu dáng, hoa văn trang trí cho thấy chiếc hương
án này có niên đại tạo tác vào thế kỷ XVIII. Hương án đình Đông Miếu là một tác
phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và
mỹ thuật. Thông qua chiếc hương án này góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ
thuật trang trí chạm khắc trên các loại hình đồ thờ tự truyền thống của người
Việt dưới thời Lê Trung Hưng – thời kỳ phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tạo
hình Việt Nam.
Với những giá trị tiêu biểu nêu trên đình Đông Miếu được
UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa – Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày
18/01/2010.
Nguyễn Văn An (Bảo
tàng Bắc Ninh)
Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh