Đình Đông Quất được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014, Đình tọa lạc trên một quả đồi thuộc thôn Khe Bó, xã Cường Lợi, huyện Đình lập, tỉnh Lạng Sơn. Đình có lịch sử lâu đời, được Vua Khải Định sặc phong thần vào ngày 25/7/1925.
Đình có tên cũ là Ba La, sau đổi tên là Đông Quất, Đình thờ
thần Lư Văn Bạ. Truyền thuyết kể rằng: Có đôi vợ chồng họ Lư giàu có sinh được
một người con trai, sau đó cha mẹ mất sớm, dân làng đặt tên chàng là Bạ (Lư Văn
Bạ). Bạ lớn lên nhanh chóng, mập mạp, Bạ được thừa hưởng gia sản của bố mẹ, trở
thành người giàu có, giỏi giang, một bàn tay giơ lên có thể che ánh mặt trời cả
một vùng rộng lớn, có lần Bạ giơ tay che ánh mặt trời làm bầu trời nước phương
Bắc tối sầm.
Thấy hiện tượng lạ, các thầy tướng số của Triều đình phương
Bắc xem và phán rằng đây là hiện tượng do đôi rồng từ phương Bắc chạy vào nước
Nam và sẽ là mối họa cho Triều đình phương Bắc sau này.
Vì vậy, Triều đình phương Bắc đã phái người vào nước Nam lần
theo vết chân rồng cư ngụ và giết đôi rồng. Cùng lúc đôi rồng bị chết thì Lư
Văn Bạ cũng chết, cảm thương trước cái chết của Lư Văn Bạ, nhân dân trên địa
bàn đã lập miếu thờ và từ đó đến nay miếu vẫn tọa lạc tại chỗ đó và đặt tên
đình là Đông Quất.
Đình Đông Quất là nơi linh thiêng, ngôi đình ghi dấu lịch sử
của các thế hệ tiền thân không tiếc máu xương của mình để bảo vệ quê hương
trong những ngày gian khó, quyết tâm giữ đất, giữ làng, bảo vệ sự bình yên và sự
hung tợn của giặc cướp.
Năm 1924 các cụ bô lão ở thôn Ba La (thuộc Châu Tiên Yên, tỉnh
Hải Ninh) lập tờ trình tấu lên Triều đình và được Vua Khải Định năm thứ 9 phán
quyết công nhận và ban Sắc lệnh vào ngày 25/7/1925, phong thần Lư Văn Bạ thuộc
bậc thần “thành hoàng” và tặng bốn câu “Đại, Khánh, Tiết, Kính”.
Từ khi có sắc phong, Đình Đông Quất càng được nhiều người
dân biết đến và việc thờ cúng theo đúng tục lệ tâm linh được chú trọng hơn, Thầy
Mo được cử thay mặt dân trực tiếp thực hiện công việc thờ cúng Thần.
Gắn liền với sự tích thờ thần Lư Văn Bạ, Đình Đông Quất còn
là nơi để tưởng nhớ đến những thế hệ cha ông đã quên
thân mình, chiến đấu chống lại sự hung hăng, tàn bạo của bọn phỉ và sự độc
ác dã man của lũ giặc xâm lăng, để bảo vệ quê hương, bám đất, giữ làng,
giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Đêm mồng 9/3/1945, Nhật bất ngờ đảo chính Pháp, bọn Phỉ ở Quảng
Tây (Trung Quốc) cầm đầu là Làu Sùi Lùng và bọn phỉ địa phương cầm đầu là Lộc Mềnh
Phóng nổi dậy cướp phá, khiến nhân dân địa phương hết sức khổ cực, cơ hàn. Trước
tình hình đó, các cụ cao niên trong xã đã bàn bạc lập hội công khai chống giặc
cướp.
Ngày 28/3/1945, sau Lễ uống máu ăn thề đồng tâm chống Phỉ giữ
làng bản quê hương, có mời thần linh chứng giám, Hội Bảo An đã được thành lập tại
đình Đông Quất (xã Cường Lợi). Sau vài ngày thành lập, Hội Bảo An với lực lượng
là những thanh niên trai tráng của các thôn: Ba La (xã Cường Lợi), Tồng Khuy
(xã Đồng Thắng) và một số thanh niên của xã Lâm Ca, xã Đình Lập… đã tổ chức
đánh chặn 2 toán cướp có vũ khí với hàng trăm tên đi cướp từ tỉnh Bắc Giang
lên, thu vũ khí, tài sản của chúng và giải thoát cho những cô gái bị bọn cướp bắt
giữ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Cường Lợi là khu
căn cứ kháng chiến của Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Cường
Lợi đã tích cực tham gia du kích, che chở cho bộ đội, phối hợp với bộ đội tổ chức
nhiều trận đánh tại địa phương trên Quốc lộ 4B, Quốc lộ 31 góp phần giải phóng
quê hương Đình Lập vào ngày 31/10/1950 và vào thắng lợi chung của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp năm 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phát huy truyền thống của địa
phương, nhân dân xã Cường Lợi luôn hăng hái thi đua góp sức người, sức của cho
giải phòng miền Nam thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc
nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.
Từ năm 2011, Lễ hội Đình Đông Quất được nâng tầm tổ chức
thành lễ hội với quy mô cấp huyện, được phục dựng, khôi phục và bảo tồn những
giá trị đặc sắc của lễ hội.
Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân xã
Cường Lợi tổ chức lễ hội.
Phần Lễ: được tổ chức theo truyền thống mời thần linh chứng
giám, cầu sức khỏe, an lành, may mắn, hạnh phúc cho mọi người, cầu mưa thuận
gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm; đồng thời ôn lại truyền thống đấu
tranh kiên cường, bất khuất trong việc giữ gìn, bảo vệ, xây dựng và phát triển
làng bản, thôn xóm, quê hương.
Tấp nập nhân dân và du khách vui hội Đình Đông Quất
Phần Hội: được tổ chức với các hình thức như văn nghệ, các
trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao phù hợp với điều kiện của địa
phương. Chương trình văn nghệ với các tiết mục như hát then, các trò chơi dân
gian: kéo co, đẩy gậy, tẻng cừ, đánh quay... các môn thể thao như đấu cờ, bóng
đá, bắn nỏ được tổ chức trong ngày Hội đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã và
du khách thập phương hưởng ứng tham gia.
Lễ hội Đình Đông Quất đã trở thành nét văn hóa truyền thống
của địa phương, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới
cầu an, cầu lộc, cầu tài và chơi hội. Đây thực sự là một nét văn hóa đã ăn sâu
vào trong tâm thức của mỗi con người quê hương Đình Lập, về với Lễ hội như một
sự tri ân, về nguồn và chúng ta càng thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất, con người
nơi đây.
ThS. Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Dân vận