Đình Đông Thượng thờ phụng Tứ Vị Đại Vương: Tuấn Công Cao Linh Sơn Đại vương, Hiển Công Cao Viên Sơn Đại vương thời Hùng vương thứ 18, Thỏa Kì Đô hộ Thông Minh, Trung Quân Chính Trực Dũng Lược Đại Vương triều đại Đinh Tiên Hoàng.
Xã Đông Thành huyện Thanh Ba, Phú Thọ thuộc vùng đất cổ quốc gia Văn Lang xưa. Thời
Hùng Vương nơi đây thuộc bộ Văn Lang, thời Bắc thuộc nằm trong huyện Mê Linh,
quận Phong Châu; thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) thuộc huyện Thanh Ba, châu
Chân Đăng, sau này là châu Thao Giang, phủ Tam Giang; đời Lê nằm trong tổng
Phao Thanh, huyện Thanh Ba.
Đến cuối thế kỷ XIX, Đông Thành gồm các làng: Bình Quân,
Đông Thượng, Hưng Long, Yên Bình, Yên Lệnh, Chiêu ứng, Tức Mạc, Vũ Lao thuộc tổng
Yên Lệnh, huyện Thanh Ba, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Đông Thành đã có nhiều lần
sáp nhập, chia tách và từ năm 1953 đến nay có 6 thôn: Bình Quân, Phùng Thượng,
Yên Lệnh, Yên Bình, Hưng Long, Đông Thượng.
Nằm trên vùng đất cổ, với địa thế vùng bán sơn địa có nhiều
thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp và trồng rừng, có lẽ vì vậy mà từ xa
xưa, Đông Thành là miền đất sớm có người từ khắp nơi đến đây làm ăn sinh sống.
Căn cứ vào tộc phả của một số dòng họ thì từ thế kỷ thứ X,
dưới thời Đinh Tiên Hoàng xưng đế, đã có tới hơn 30 dòng họ từ 20 tỉnh đến đây
sinh sống, trong đó đông nhất là dòng họ Vi (đến nay vẫn chiếm 85% dân số của
xã).
Trải qua các các thời kỳ lịch sử, dù thuận lợi hay khó khăn,
các thế hệ người dân Đông Thành vẫn luôn đoàn kết bên nhau, hỗ trợ, chia sẻ cho
nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, gắn bó giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, đấu
tranh với thiên tai địch họa, bảo vệ quê hương, đất nước.
Đông Thành là mảnh đất có truyền thống lịch sử cách mạng và
bề dày văn hóa lâu đời. Vùng đất này từ thủa xa xưa đã nổi tiếng với các phường
hát chèo, hát ghẹo, hát ả đào, nhất là các phường hát chèo với những đào, kép,
nhạc công tài hoa.
Đây là địa phương có nhiều trò chơi mang đậm tính thượng võ
như: Đánh đu, đánh cờ, chọi gà, leo cầu, tổ tôm điếm, đánh vật… thu hút đông
người tham gia. Đặc biệt làng Lạnh có lò vật nổi tiếng cả nước, được nhiều nơi
trong và ngoài tỉnh biết đến.
Theo các cụ cao niên kể lại thì, ông tổ của lò vật làng Lạnh
là cụ Vi Văn Luật, một đô vật nổi tiếng trong vùng đã từng đi thi đấu ở khắp
trong Nam ngoài Bắc, giành nhiều giải nhất và sau này khi trở về quê hương, cụ
đã lập ra lò vật làng Lạnh nổi tiếng một thời.
Cùng với những phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa bản địa,
Đông Thành còn là địa phương bảo tồn được nhiều di sản văn hóa Làng khá đặc sắc.
Xã này ngày xưa có tới 16 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 2 đền nghè và các miếu Ông,
miếu Bà… quần thể văn hóa Làng gồm đình Đông Thượng, đình Nam, đình Dẳn, đình
Hà, đình Hâm, đình So, đình Mán, đình Luông, đình Bắp, đình Dãy, đình Quan,
đình Dẽo, đình Cẩy, đình Dùng, chùa Minh Linh, chùa Khánh Quang, chùa Bình
Quân, chùa Chẽ, chùa Trúc, chùa Rách.
Trải qua năm tháng chiến tranh, với biết bao biến cố của lịch
sử và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di sản đã bị mai một chỉ còn là phế
tích. Nhưng với tấm lòng mộ Phật và sự tri ân thành kính đối với công lao to lớn
của tổ tiên nên một số di sản văn hóa có giá trị vẫn được nhân dân địa phương bảo
tồn lưu giữ, trong đó đình Đông Thượng và chùa Minh Linh là cụm di tích tiêu biểu.
Theo Thần phả truyền lại, đình Đông Thượng được xây dựng từ
lâu đời, thờ 4 vị đại vương có công với nước, trong đó thờ 2 vị đại vương là Tuấn
công Cao lĩnh sơn linh ứng đại vương và Hiển công Cao viên sơn linh ứng đại
vương - những tướng lĩnh đã có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc từ buổi
bình minh dựng nước.
Cùng phối thờ còn có 2 vị đại vương họ Vi là Thỏa Kỳ Đô hộ Thông
minh Nẫm ứng đại vương và Trung Quân Chính trực Dũng lược Hùng Đoán Đại vương.
Đây là 2 vị đại vương họ Vi Đông Thành có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ
quân vào thời nhà Đinh thế kỷ thứ X.
Đền Đông Thượng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp
tỉnh, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể vô cùng quý báu trong kho
tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nơi đây thờ phụng Tứ Vị Đại Vương: Tuấn Công Cao Linh Sơn,
Hiển Công Cao Viên Sơn, Thỏa Kì Đô hộ Thông Minh, Trung Quân Chính Trực Dũng Lược
Đại Vương.
Đây là những vị tướng đã có công phò tá Vua Hùng Thứ 18
(Hùng Duệ Vương) đánh giặc giữ nước từ buổi sơ khai của dân tộc và giúp Đinh
Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỉ X sau công nguyên.
Theo Ngọc phả truyền lại từ xưa kia Hùng Vương dựng nghiệp
trải qua 18 đời, đến đời vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương xứng đáng là bậc hiền
trí trên đời, thừa hưởng cơ đồ tổ tông bồi đắp 17 đời thịnh trị, khi đó tại động
Lăng Xương phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây có đôi vợ chồng ăn ở hiền lành, đã có tuổi
mà vẫn chưa hạ sinh được con nên rất buồn rầu, một ngày đẹp trời hai anh em nhà
Nguyễn Xương lên núi Tản Lĩnh dạo chơi bỗng gặp thần tiên chỉ giáo rồi hai anh
em đã hạ sinh được 2 người con khôi ngô tuấn tú, đầu hổ, cằm yến, mắt phượng,
mày ngài.
Như có phép thần hai anh em lớn nhanh như thổi, văn võ song
toàn, khi đất nước lâm nguy bởi Thục phán tạo phản hai ông đã hồi triều cầm
quân giúp Vua Hùng và Tản Viên Sơn Thánh dẹp yên giặc Thục
Vua phong cho Tuấn Công làm Cao Linh Sơn Đại Vương, cho Hiển
Công làm Cao Viên Sơn Đại Vương và cho phép làng An Lãnh làm điện thờ phụng.
Cũng tại Trang An Lãnh, làng An Bình (tức làng Đông Thượng
ngày nay) vào thế kỉ 10 có hai vị Đại Vương là người dòng họ Vi đã có công giúp
vua Đinh Tiên Hoàng đánh thắng 12 sứ quân, dẹp tan loạn cát cứ, được vua Đinh sắc
phong là Thỏa kì Đô hộ Thông minh Nẫm ứng Đại Vương và Trung Quân Chính Trực
Dũng Lược Hùng đoán Đại vương.
Khi đất nước bình an Tứ vị đại vương đều trở về làng An Lãnh
ăn mừng chiến thắng khao thưởng binh sĩ và người dân địa phương sau đó hóa về
trời. Dân làng Đông Thành xây dựng đình để thờ phụng để tôn vinh Tứ vị Đại
Vương là Thành Hoàng Làng Đông Thành.
Từ đó, cứ vào dịp mùng 10 tháng riêng hàng năm, dân làng
Đông Thành lại mở hội cầu tế để tưởng nhớ ơn đức của Tứ vị Đại vương và cầu xin
các ngài ban cho mưa thuận gió hòa, cho muôn nhà được hạnh phúc.
Trải qua năm tháng thời gian lịch sử với bao biến cố, thăng
trầm nhưng hình ảnh uy phong lẫm liệt của Tứ Vị Đại Vương vẫn in đậm trong tâm
trí mỗi người con Đông Thượng và sáng ngời trong trang sử hào hùng của dân tộc
Việt Nam.
Đồng thời phát huy bài học sáng ngời về truyền thống dựng nước
và giữ nước của cha ông xưa, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hải cùng nhau giữ lấy nước”. Nằm
trong thời lượng của lễ hội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian nhằm
tôn vinh nét đẹp văn hóa làng quê như: ca múa văn nghệ, múa sinh tiền…
Bên cạnh đình Đông Thượng là ngôi chùa Minh Linh cổ kính
thâm nghiêm thờ Phật, tại đây còn lưu giữ 23 pho tượng cổ gồm 22 pho tượng thổ
và 1 pho tượng gỗ đã được các nghệ nhân sáng tạo cách đây hàng trăm năm, lối tạo
tác và nghệ thuật sơn thếp tại chùa Minh Linh thể hiện rõ nét tư tưởng Phật
giáo Đại thừa với 2 khuynh hướng giải thoát và nhập thế thâm sâu huyền diệu cộng
với phong cách nghệ thuật kiến trúc Á Đông hàm chứa triết lý sâu xa của nhà Phật
về thế thái nhân tình. Đặc biệt tại chùa Minh Linh đến nay còn nguyên vẹn quả
chuông cổ được đúc vào năm Canh Thân 1800.
Với những giá trị về lịch sử và nghệ thuật, ngày 20-5-2011,
UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cho Cụm
di tích đình Đông Thượng và chùa Minh Linh.
Lễ đón Bằng công nhận xếp hạng Di tích lịch sử đình Đông Thượng
và chùa Minh Linh được tổ chức trọng thể vào rằm tháng ba âm lịch nhân ngày hóa về trời của các vị đại vương.
Đây sẽ là ngày hội lớn của nhân dân địa phương, cho dù đang ở
tại mảnh đất quê hương hay đang sinh sống học tập và công tác ở mọi miền đất nước
và nước ngoài vẫn luôn hướng về cội nguồn ông cha, khơi dậy niềm tự hào về truyền
thống văn hiến của quê hương, góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho mỗi con
người, mỗi gia đình và dòng họ, cùng đoàn kết, chung tay gìn giữ và phát huy những
di sản quý báu của quê hương.
Lê Quang Vũ và Quang Mạnh - ĐTT Thanh Ba