Đình Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm thờ vị phúc thần, thành hoàng có công với nước và được tôn vinh là Xá Lợi đại vương.
Dược Hạ xưa có tên là Lạc Long, đến năm 1965 mới đổi tên là
Tiên Dược. Lạc Long thì chính là dòng Kinh Dương Vương (Đông Di), hay ở Đình
Nguyên Khê, Đông Anh thì Xá Lợi Đại Vương được gọi hẳn là Hoàng Đế thờ cùng Cao
Sơn và Quý Minh và ở Nguyên Khê cũng có Đền Phù Đổng. Ngay ở Đình Xuân Dục Núi
Đôi lại thờ Lạc Long và Âu Cơ.
Lược sử
Xã Tiên Dược gồm các thôn xóm: Dược Thượng, Dược Hạ, Đồng Chầm,
Đồng Lạc, Lương Châu, Thanh Hà và phố Miếu Thờ.
Ao đình Dược Hạ. Photo ©NCCong 2021
Trong đình thôn Dược Hạ thờ phụng một vị thành hoàng
có công với nước và được xưng danh là Xá Lợi đại vương. Tại đây còn
lưu giữ được một tấm bia công đức mang niên đại Thành Thái thứ 7
(1895) và Thành Thái thứ 17 (1905). Qua nội dung văn bia và căn cứ phong
cách nghệ thuật trên những di vật có thể đoán rằng ngôi đình đã
được xây dựng hoặc đại trùng tu vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời
Nguyễn.
Kiến trúc
Từ con đường lớn xuyên làng Dược Hạ có hai lối đi vào
sân đình qua cổng trước và cổng bên. Đình nằm bên hữu ngôi chùa rất to,
mặt đình nhìn về phía đông nam qua một ao nước hình chữ nhật, bên
trái sân đình có một cây đa cổ thụ.
Toà đại bái rộng 5 gian, 2 chái, ba mặt không xây
tường, chỉ treo các bức rèm trúc chắn nắng mưa. Đè nặng trên 6 hàng
cột lim to là 4 bộ mái chảy lợp ngói mũi hài, các góc có đầu đao
uốn cong, bờ nóc đắp các hình linh thú. Bên trong vẫn duy trì một hệ
thống sàn gỗ kiểu truyền thống mà ngày nay hiếm nơi còn thấy. Gian
giữa có màn giếng ở trên, phía sau kết nối với hậu cung thành hình
chữ Đinh.
Hiện còn một số bộ phận kiến trúc như cốn nách, kẻ,
bẩy hiên được trang trí bằng chạm nổi, chạm lộng công phu theo các đề
tài tứ linh, tứ quý với những hình vân mây, lá cúc, lá đề, rồng ổ,
thú chầu, tiên nữ. Những tác phẩm này in đậm phong cách nghệ thuật
điêu khắc dân gian của thế kỷ XVIII, thời Lê Trung hưng.
Di sản
Trong đình vẫn lưu giữ được các di vật quý như cỗ
kiệu bát cống và bộ long ngai chạm khắc tỉ mỉ, sơn son thiếp vàng
lộng lẫy. Ngoài tấm bia đời Thành Thái còn có các tấm bia khác mang
niên đại Minh Mệnh thứ 18 (1837), Tự Đức thứ 12 (1859) và Tự Đức thứ
34 (1881).
Lễ hội làng được nhân dân Dược Hạ tổ chức vào ngày
12 tháng Mười âm lịch hàng năm tại đình. Ngày 6 tháng Giêng thôn Dược Hạ
và các thôn khác trong toàn vùng cùng tiến hành đại lễ Tam tổng tại
ngôi đền Sóc, xã Phù Linh.
Năm 2006, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình thôn Dược
Hạ là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.