Đình Dương Khê thuộc thôn Dương Khê, xã Phương Tú. Đình thờ vị Thiên Cương Linh Ứng Đại Vương là người có công trong việc đánh giặc giữ gìn nước Văn Lang ở thời đại Hùng Vương.
Theo ngọc phả và 13 đạo sắc phong còn lưu giữ Thiên Cương
Linh Ứng Đại Vương là lạc tướng thời Hùng Vương thứ XVIII. Truyền rằng ở làng Cổ
Pháp, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, quận Vũ Ninh có gia đình họ Vương tên
húy là Vượng, vợ là Trần Thị Đức luôn làm việc thiện. Ông bà Họ Vương cầu tự
sinh được người con trai vào ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tý đặt tên là Ngôn, thần
sinh ra đã có nét khác người thường.
Lớn lên thần là người trên thông thiên văn dưới tường địa
lý, võ nghệ tinh thông. Khi 20 tuổi thì mẹ cha quy tiên. Sau 3 năm để tang thần
đi ứng tuyển nhân tài để phò vua giúp nước và được vua phong là đại tướng quân.
Khi làm tướng quân thần đã có công rất lớn trong việc giúp
vua đánh giặc giữ nước. Nhà vua giao cho thần đại binh thủy bộ để trợ giúp cho
Tản Viên Sơn Thánh “bình giặc” Thục. (Bình giặc: Thần là người có công phò
tá cho Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc thắng
lợi). Thần chọn Dương Khê làm địa điểm đóng quân vì đây là vùng đất địa linh có
nội án, ngoại án, long chầu hổ phục, phong cảnh hữu tình, cư dân thuần hậu.
Nhân dân tôn kính xin
đuợc làm gia thần thủ túc cùng giúp thần đánh giặc. Quân của thần chỉ xuất trận
một lần là đánh tan quân thục. Sau chiến thắng
thần được nhà vua tấn phong tới chức Hiến Sát. Sau đó thần xin vua cho về
hành cung ở Dương Khê và được dân trong làng vô cùng tôn kính.
Thần hóa ngày 10 tháng 11 giữa mùa đông, thọ 70 tuổi. Tương
truyền xá lỵ của thần được nghiêng táng tại bản quán. Nghe tin thần hóa vua
truyền cho triều đình làm quốc lễ, truy phong sắc chỉ phúc thần là: “Thiên
Cương linh ứng Đại vương”. Dân làng Dương Khê cung nghiêng mỹ tự và lập miếu thờ
cúng thần và suy tôn thần làm thành hoàng, phúc thần của làng.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn (ghi chú: Các
triều đại phong kiến Việt Nam) thần đều được sắc phong mỹ tự là: “Thông minh tuấn
triệt, chiêu liệt đại uy hùng, kiệt quả đoán hiển ứng linh phù Đại vương thượng
thượng đẳng tôn thần”. Cho đến nay nhân dân làng Dương Khê vẫn thờ cúng và tôn
vinh ngài là biểu tượng cao đẹp về truyền thống yêu nước, mãi soi sáng cho các
thế hệ sau.
Dương Khê là làng cổ nằm trong khu vực phù sa bồi đắp của
sông Đáy (Hát Giang), có nhiều ngòi lạch đổ ra Phương Đình. Dòng chảy lớn qua cửa
đình, uốn quanh làng Dương Khê để đưa dòng nước mát tưới cho hàng trăm mẫu lúa
trên các cánh đồng sau làng. Một làng quê nông nghiệp vùng đồng chiêm trũng, có
sông, ngòi lạch và đồng ruộng bao quanh. Giữa làng có ngôi đình cổ kính, ngõ
xóm như bàn cờ, nhà nhà xum họp đông vui thực là một làng quê Việt Nam tuyệt đẹp.
Có một nhà nghiên cứu văn hóa làng xã về tới Dương Khê đề thơ:
Dương khê chí địa
Hình thế khả quan
Sơn chỉ thủy tụ
Hổ cứ lồng bàn
Tiền phân tam thủy
Hậu ứng quần sơn.
Tạm dịch là: (Tả hữu đăng đối, Chủ khách tương hom, Hoa tâm
khả lạc, Thảo vĩ khả an, Thế xuất khanh tướng, Phú quý bình an).
Với vị thế địa văn hóa của Làng Dương Khê là phía trước có
dòng nước (ngòi nước). Nên cổ nhân cũng chọn hướng quy theo hướng phía trước là
hồ bán nguyệt nối thông dòng chảy để có sự mát mẻ quanh năm. Nhìn tổng thể khu
di tích có cổng trụ, đèn lồng, nhà củng, đại bái và hậu cung, xung quanh có tường
vây bảo vệ.
Đình Dương Khê là một công trình kiến trúc cổ thời Lê Trung
Hưng, đình còn bảo tồn được nhiều di vật qui hiếm như: Cuốn thần phả soạn năm
Vĩnh Hựu thứ III, toàn bộ kiến trúc tòa đại bái đình có niên đại cuối thế kỉ
XVII đầu thế kỉ XVIII, trong đó còn nhiều mảng điêu khắc nghệ thuật trên gỗ. Đặc
biệt mảng điêu khắc của cửa võng 9 tầng còn xót lại như một bông hoa của nghệ
thuật truyền thống cổ.
Hội làng truyền thống tại đình làng thôn Dương Khê.
Với những giá trị về văn hóa cũng như lịch sử như trên thì
Đình Duơng Khê đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số
95/1998/QĐ ngày 31/8/1998.