Đình Dương Lâm là một ngôi đình cổ, thờ phụng Đức Thánh Cao Sơn từ thời Hùng Vương thứ 18 và phối thờ ba vị Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn, Dương Đình Cúc.
Đình Dương Lâm là một ngôi đình cổ được xây dựng trên một
khoảng đất cao, thoáng mát ở trung tâm của làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện
Tân Yên, cách thành phố Bắc Giang khoảng 22km về phía Tây -Bắc.
Nhắc tới đình Dương Lâm, ai ai trong vùng cũng biết đến đây
là một ngôi đình cổ thời Lê với biết bao những sự kiện lịch sử đã diễn ra qua
các thời kỳ lịch sử của quê hương, đất nước.
Đình Dương Lâm xưa tương truyền được xây dựng ở khu Bãi
Đình, song vì lý do đình ở xa làng lại nhiều giặc giã thường đến quấy phá nên
Hoàng Hoa Thám đã cùng với nghĩa quân Yên Thế bàn với nhân dân di chuyển đình về
vị trí trung tâm làng Dương Lâm như hiện nay.
Ngày nay mỗi khi tới thăm đình Dương Lâm ai cũng được nghe
nhân dân trong làng từ các cụ già tới em nhỏ kể về những vị tướng đã có công
giúp dân, giúp làng như câu chuyện về Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn,
Dương Đình Cúc.
Sau này vào thời Nguyễn là những chuyện kể về mối quan hệ mật
thiết giữa làng Dương Lâm với nghĩa quân Yên Thế chống thực dân Pháp. Trong thời
kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Dương Lâm lại là cơ sở cách mạng cho các đồng
chí Hà Thị Quế, Hoàng Quốc Thịnh và một số đồng chí khác thường đi lại hoạt động
bí mật ở đây. Nhiều cơ quan của huyện Yên Thế cũng từng sơ tán về đình Dương
Lâm làm trụ sở.
Đình Dương Lâm là nơi thờ Đức Thánh Cao Sơn từ thời Hùng
Vương thứ 18 và phối thờ ba vị Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn, Dương
Đình Cúc.
Nhưng người dân nơi đây lại hiểu về ba vị Quận công này và
những kỷ niệm về Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân hơn là đức thánh làng mình. Ba
vị Quận công đều là người làng Dương Lâm đã có công giúp dân đánh giặc, bảo vệ
đất nước.
Đặc biệt ghi nhớ hơn cả là Dương Đình Cúc, ông đã dựng cờ khởi
nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn thối nát ngay tại đình làng mình. Sau
này, làng Dương Lâm nổi lên nối nghiệp Dương Đình Cúc là ông Dương Đình Hậu
(còn gọi là cụ Cai Hậu) là người đã giúp Hoàng Hoa Thám rất đắc lực trong việc
đánh thực dân Pháp từ năm 1885-1895.
Nay truyền tích về tướng Cai Hậu được mọi người dân trong
làng Dương Lâm còn ghi nhớ khá rõ và cứ đời này truyền cho đời sau được biết về
những chiến tích mà ông đã đạt được. Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và
nghĩa quân Yên Thế, cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương
Lâm xuyên ra bờ ao rồi thông đi nơi khác. Đến nay dấu vết vẫn còn.
Đình Dương Lâm đã chứng kiến biết bao cuộc họp quan trọng diễn
ra giữa thủ lĩnh nghĩa quân với các tướng lĩnh của Hoàng Hoa Thám như Thống
Lĩnh (Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Thống Luận (làng
Trũng)…
Trong thời gian này tại làng Dương Lâm đã diễn ra nhiều cuộc
đụng độ giữa nghĩa quân Yên Thế với quân Pháp, bọn chúng đã vây làng Dương Lâm.
Nhân dân và nghĩa quân đã cùng nhau kề vai sát cánh, dũng cảm chống lại kẻ thù
dưới sự chỉ huy của Cai Hậu và Hoàng Hoa Thám buộc chúng phải rút lui.
Trong những năm tháng này, đình Dương Lâm vẫn là nơi đi về của
nghĩa quân. Làng Dương Lâm là pháo đài vững chắc của nghĩa quân Yên Thế ngay
trước dinh phủ của Pháp và tay sai ở Nhã Nam.
Cũng trong thời gian chiến đấu sinh tử ấy, Đề Thám đã gửi
con trai cả của mình là Cả Trọng đến làng Dương Lâm ăn học tại nhà cụ Cai Hậu.
Điều đó chứng tỏ tình cảm gắn bó, tin tưởng của Đề Thám với cụ Cai Hậu và nhân
dân làng Dương Lâm.
Không làm lay chuyển được lòng quyết tâm đánh trả kẻ thù xâm
lược của nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp và tay sai đã kéo về làng Dương Lâm
tra khảo cụ Cai Hậu nhưng vốn là người gan góc nhất làng và hết lòng vì nghĩa
quân, chúng đã không khuất phục được con người của cụ Cai Hậu.
Trong cuộc hoà hoãn lần thứ 2 với thực dân Pháp, cụ Đề Thám
thường xuyên về thăm làng Dương Lâm, thăm đình làng với một tình cảm đặc biệt.
Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều
thanh niên làng Dương Lâm đã gia nhập nghĩa quân Yên Thế như Dương Văn Cảnh,
Dương Văn Hành, Dương Văn Đối, Dương Văn Vạn…và đã lập được nhiều chiến công ở
trận Trại Cốt, Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Đông Lỗ (Hiệp Hoà)…Trận Ngàn Ván nổi
tiếng trong lịch sử cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, Đề Thám đã lập được chiến
công lớn. Ông cùng nghĩa quân từ Quỳnh Động, Na Dương kéo về rừng Cầm Ngàn Ván
xây dựng căn cứ chống Pháp với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương và Chánh tổng
Dương Đình Huyện.
Giặc Pháp đánh hơi thấy và đã cho hơn 1000 lính khố xanh dưới
sự chỉ huy của 4 sỹ quan Pháp bao vây chặt Ngàn Ván. Cuộc tấn công ấy, chính
Hoàng Hoa Thám đã tiêu diệt được 12 tên địch và làm bị thương nặng 3 tên khác,
gây nỗi kinh hoàng cho quân địch.
Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, vị thủ lĩnh
nghĩa quân Yên Thế vẫn đặc biệt quan tâm tới những công trình kiến trúc tín ngưỡng,
đặc điệt là đình Dương Lâm. Đề Thám đã bàn với Cai Hậu chuyển đình về trung tâm
làng và Đề Thám đã cùng cụ Cai Hậu trồng cây Dã Hương ở trước sân đình làm kỷ
niệm.
Từ khi đó đến nay đã hơn 100 năm trôi qua, cây Dã Hương đã
trở thành cây cổ thụ quanh năm che mát mảnh đất linh cùng với những câu chuyện
kể về một thời kỳ lịch sử oanh liệt còn vang mãi trong tâm mỗi người dân nơi
đây.
Ngày 09/3/2015 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ đón Bằng
công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Dã hương cổ thụ hơn 400 năm tuổi, trong
khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đình Dương Lâm, xã An Dương,
huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày nay, mỗi khi ra đình Dương Lâm, những người dân nơi đây
lại cùng nhau ôn lại những trang sử của cha ông về một thời kỳ lịch sử hào
hùng, hun đúc lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.
Nay hồ sơ về di tích đình Dương Lâm là một trong số những di
tích nằm trong quần thể di tích khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo
đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt.