Đình Dương Lâm thuộc làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, thờ phụng thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương thời Hùng Vương thứ 18, phối thờ Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn, Dương Đình Cúc. Đình là cơ sở của Khởi nghĩa Yên Thế và cũng là cơ sở liên lạc trong Kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đình Dương Lâm là một ngôi đình cổ, có từ thời Hậu Lê, gắn
liền với những sự kiện lịch sử đã diễn ra qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Đình Dương Lâm xưa tương truyền được xây dựng ở khu Bãi Đình, song do đình ở xa
làng lại nhiều loạn quân thường đến quấy phá nên thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên
Thế Hoàng Hoa Thám đã bàn với người dân địa phương di chuyển về vị trí trung
tâm làng Dương Lâm như hiện nay.
Du khách đến thăm đình Dương Lâm thường được người dân kể về
những vị tướng đã có công giúp dân, giúp làng là Tam vị Quận công Dương Đình Bột,
Dương Đình Tuấn, Dương Đình Cúc. Làng Dương Lâm cũng có mối quan hệ mật thiết với
nghĩa quân Yên Thế trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp.
Thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, đình Dương Lâm lại là cơ sở cách mạng, các đồng chí Hà Thị Quế,
Hoàng Quốc Thịnh và nhiều cán bộ lãnh đạo khác thường đi lại hoạt động bí mật ở
đây. Nhiều cơ quan huyện Yên Thế cũng từng sơ tán về đình Dương Lâm, làm trụ sở
sơ tán.
Đình Dương Lâm thờ phụng Đức Thánh Cao Sơn Đại vương thời
Hùng Vương thứ 18 và phối thờ ba vị Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn,
Dương Đình Cúc.
Tam vị Quận công đều là người làng Dương Lâm, đã có công cùng
nhân dân đánh giặc, bảo vệ đất nước. Đặc biệt là quận công Dương Đình Cúc đã dựng
cờ khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn thối nát ngay tại đình làng. Sau
này, nối tiếp cuộc khởi nghĩa của quận công Dương Đình Cúc là ông Dương Đình Hậu
(còn gọi là cụ Cai Hậu), đã tận lực giúp đỡ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế
đánh thực dân Pháp từ năm 1885-1895.
Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế,
cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao
rồi thông đi các nơi khác, đến nay di tích vẫn còn lưu lại.
Đình Dương Lâm cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng
giữa thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám với các tướng lĩnh Yên Thế như Thống
Lĩnh (Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Thống Luận (làng Trũng)…
Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, làng Dương Lâm đã diễn ra nhiều
cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Yên Thế với quân lính Pháp và nhà Nguyễn
khi giặc vây làng Dương Lâm. Nhân dân và nghĩa quân Yên Thế đã kề vai sát cánh,
dũng cảm chiến đấu dưới sự chỉ huy của Cai Hậu và Hoàng Hoa Thám, buộc giặc phải
rút lui.
Làng Dương Lâm là pháo đài vững chắc của nghĩa quân Yên Thế
ngay trước dinh phủ của Pháp và tay sai ở Nhã Nam. Cũng trong thời gian chiến đấu
sinh tử ấy, Đề Thám đã gửi con trai cả của mình là Cả Trọng đến làng Dương Lâm
ăn học tại nhà cụ Cai Hậu.
Thực dân Pháp và quan binh đã từng kéo về
làng Dương Lâm, bắt giữ và tra khảo cụ Cai Hậu nhưng không thể khuất phục người
anh hùng của làng. Trong cuộc hoà hoãn lần thứ 2 với thực dân Pháp, thủ lĩnh Đề
Thám thường xuyên về thăm làng Dương Lâm, thăm đình làng với một tình cảm đặc
biệt.
Nhiều thanh
niên làng Dương Lâm đã gia nhập nghĩa quân Yên Thế như Dương Văn Cảnh, Dương
Văn Hành, Dương Văn Đối, Dương Văn Vạn…chiến đấu anh dũng và lập nhiều chiến
công ở trận Trại Cốt, Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Đông Lỗ (Hiệp Hoà)
Một trong những trận đánh nổi tiếng là Trận Ngàn Ván. Đề
Thám cùng nghĩa quân từ Quỳnh Động, Na Dương xây dựng trong rừng Cầm Ngàn Ván một
căn cứ vững chắc với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương và Chánh tổng Dương
Đình Huyện.
Giặc Pháp điều hơn 1000 lính khố xanh dưới sự chỉ huy của 4
sỹ quan Pháp bao vây chặt Ngàn Ván. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, nghĩa quân Yên
Thế tiêu diệt hàng trăm lính địch, chính Đề Thám cũng diệt được 12 tên địch và
làm bị thương nặng 3 tên khác.
Vị thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế đặc biệt quan tâm tới những địa
điểm tín ngưỡng, đặc điệt là đình Dương Lâm. Đề Thám đã bàn với Cai Hậu chuyển
đình về trung tâm làng để bảo vệ. Ông cùng cụ Cai Hậu trồng cây Dã Hương ở trước
sân đình để lưu giữ kỷ niệm cuộc di chuyển này. Hơn 100 năm trôi qua, cây Dã
Hương đã trở thành cây cổ thụ quanh năm thủ hộ đình, lưu giữ những câu chuyện kể
về thời kỳ lịch sử oanh liệt, còn vang mãi trong tâm người dân nơi đây.
Bộ Văn hoá-Thông tin-Thể thao đã xếp hạng đình Dương Lâm là
di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 154-QĐ ngày 25 tháng 1 năm 1991
Đình Dương Lâm là một trong số những di tích nằm trong quần
thể di tích khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đang được trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống
các di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Dương Thị Ánh