Đình Dương Liễu, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội thờ phụng đức Thành hoàng Lý Phục Man, một danh tướng thời Lý Nam Đế người làng Cổ Sở (Yên Sở) đã có công đánh bại giặc Chiêm Thành, hy sinh anh dũng trong cuộc chiến chống quân Lương xâm lược.
Đình Dương Liễu hay còn gọi là đình Tổng thuộc thôn Dương Liễu,
xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Năm Chính Hoà thứ 12 (1691), thôn Dương Liễu thuộc
huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai. Đến cuối thế kỷ thứ XIX thì địa danh này cùng với
các thôn như Mậu Hoà, Quế Dương, Yên Sở thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng,
phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Di tích đình Dương Liễu thờ đức Thành hoàng Lý Phục Man, danh tướng thời Lý Nam Đế, thế kỷ thứ VI. Ngài vốn người làng Cổ Sở (sau
đổi là Yên Sở). Ông là người có tài cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi.
Đức ông Lý Phục Man đã lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Lương
xâm lược. Nhà Tiền Lý thành lập (544 - 555) ông được cử trông coi vùng đất phía
nam, đánh tan cuộc xâm lần của Chămpa. Sau đó được gả công chúa Lý Nương, ban
cho ông họ Lý và chức Thiếu uý. Ông trở về quê quản lĩnh vùng đất Đỗ Đông, Đường
Lâm. Khi nhà Lương lại tiến hành cuộc xâm lược nước ta, đức ông đã chiến đấu
anh dung và hy sinh tại trận tiền.
Theo những tư liệu như ảnh, bản vẽ tổng thể, văn bia đã sưu
tầm được thì đình Dương Liễu được hưng công từ thờ Hậu Lê, có quy mô kiến trúc
bề thế nhưng trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến,
nhân dân làng Dương Liễu đã dỡ bỏ hiện trạng ngôi đình.
Trước kia, đình làng Dương Liễu nhìn theo hướng tây bắc với
kết cấu hình chữ “nhất” gồm 5 gian 2 chái bốn mái đao cong. Trên bờ nóc, bờ chảy
đắp gạch hoa chanh, hai con kìm ngậm đầu bờ nóc, đuôi uốn cong tạo vẻ mềm mại.
Bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng quay vào trung tâm. Các bờ dải còn có các
con nghê kiểu dáng hết sức sinh động được làm bằng chất liệu đất nung. Vào bên
trong, kết cấu các bộ vì được làm trên sáu hàng chân cột.
Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “Thượng giá chiêng,
hạ kẻ bẩy”. Đặc biệt, ở hai bộ vì gian giữa, kẻ tiền và ván dong được chạm khắc
hết sức công phu tỉ mỉ hình đám rước vinh quy bái tổ. Các bẩy được chạm khắc
hình đầu rồng với các đạo mác xuôi về thân.
Đình Dương Liễu trước kia là đình sàn với bốn mặt để thông
thoáng. Gian chính giữa có bưng một khám lửng từ cột cái hàng thứ tư đến hàng
thứ sáu. Phía trước là hệ thống cửa bức bàn gồm sáu cánh, phía trên cửa được cổ
nhân chạm khắc bong kênh hình rồng với những nét kiến trúc đặc trưng thời Lê,
bên trong khám đặt long ngai bài vị và các đồ thờ tự khác. Chính vì vậy, ngày
16 tháng 5 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương Monguilot đã ký Quyết định xếp hạng
đình Dương Liễu là một trong những di tích lịch sử ở Đông Dương.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn
hoá năm 2007.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01