Đình Dương Phàm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ phụng vua Triệu Việt Vương, trong nhóm các di tích lịch sử thờ phụng người anh hùng dân tộc đã đánh đuổi giặc Lương xâm lược thế kỷ thứ VI.
Hầu hết những nơi thờ Triệu Việt Vương đều gắn liền với địa
danh ông tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha, nay là ngã ba sông Đáy như Đình - Đền -
Chùa Phạm Xá, Đền Độc Bộ, Đình - Chùa Dương Phạm (xã Yên Nhân); Đình Đá xã Yên
Cường.
Truyền thuyết kể lại, sau khi phò giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi
quân Lương thành lập nhà nước Vạn Xuân năm 544, đức ông Triệu Quang Phục chiêu
tập dân phiêu tán về khai phá đất đai một dải từ Đống Cao -Yên Lộc, Phạm Xá, Độc
Bộ, Dương Phạm -Yên Nhân với tổng số 540 mẫu ruộng.
Năm 545, nhà Lương quay trở lại xâm lược nước ta. Sau khi Lý
Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, lãnh đạo
quân đội giành thắng lợi vào năm 550.
Năm 571, Triệu Việt Vương bị cha con Lý Phật Tử lập mưu ám hại,
phải tuẫn tiết ở cửa Đại Nha (Độc Bộ - Yên Nhân). Sau khi ông mất, nhân dân các
làng vùng này lập đền thờ tưởng nhớ công đức của ngài.
Đình Dương Phàm xây dựng trên khuôn viên rộng, làm kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, gồm tòa
đại đường và cung cấm. Phía sau nghi môn được đắp hai chú voi chiến và cuốn
thư.
Đại đình 5 gian bằng gỗ lim kiến trúc kiểu 8 mái, đầu đao uốn
cong. Trên các bức mê cốn, xà lòng, xà nách được chạm khắc hoa văn lá lật, ô
trám, chữ thọ và triện tàu lá dắt. Các ban thờ được đặt dọc theo ngôi đình.
Hai gian bên của đại đình là tượng danh tướng Nguyễn Phúc và
Nguyễn Lộc, hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp ông trong cuộc
chiến chống giặc Lương.
Tòa đại đình gồm ba gian kiến trúc kiểu tiền đao hậu đốc.
Bên trong là ban thờ với tượng thờ Triệu Việt Vương. Ban thờ chạm khắc long với
phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Xã Yên nhân có 4 di tích thờ Triệu Việt Vương nên cứ từ ngày
12 đến ngày 15-8 âm lịch hằng năm, UBND xã lại long trọng tổ chức lễ hội. Đây
là lễ hội có quy mô lớn của cả vùng.
Ngày hội có nghi thức rước kiệu bát cống của các làng: Độc Bộ,
Phạm Xá, Dương Phạm, Đống Cao, Đoài Thôn. Trong lễ hội có nghi thức tế “Tam kỳ”,
lập đàn tế Triệu Việt Vương tại ngã ba sông Độc Bộ cùng những trò chơi dân gian.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Nhân