Đình Dữu Lâu nằm ở địa phận thôn Dữu Lâu (nay là khu Dữu Lâu), phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đình Dữu Lâu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004.
Ngược dòng lịch sử; Đình được xây dựng trên khu vực Vườn Đền
thuộc xóm Ổ Rồng gần những quả đồi nằm bên bờ sông Lô. Từ các gò đồi của làng
xóm kéo dài về phía Tây Bắc là đồng Mè Mát (nhân dân nay gọi là đồng Đè Mát)
hay là khu vực bến đò kéo vào dọc đường Nguyễn Du. Phía sau Đình theo hướng Tây
- Nam là đồng Cả, phía Đông là xóm An Miên (xã Trưng Vương); Đồi Gầu xưa là những
cánh đồng trồng trầu không của làng (khu Dữu Lâu ngày xưa còn gọi là Làng Trầu,
một làng có sự tích Trầu Cau, tục ăn trầu, một nét văn hóa đặc sắc gắn liền với
thời đại các Vua Hùng).
Thôn Dữu Lâu (nay là khu Dữu Lâu); thôn Hương Trầm (nay là
khu Hương Trầm) với Lang Liêu cấy lúa nếp làm bánh dâng Vua, là mảnh đất có những
giàn trầu huyền thoại. Tất cả những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất này còn
in đậm nét trong công trình nghệ thuật Đình Dữu Lâu với ý nghĩa lịch sử và cổ
truyền còn in dấu tới nay.
Đình Dữu Lâu được xây dựng khá sớm, theo truyền ngôn, Đình
có từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVI-XVII. Trải qua những năm kháng chiến chống
Pháp, mảnh đất Dữu Lâu là vùng đất giáp danh với Đình, đồng thời là cửa ngõ của
chiến khu Việt Bắc, Đình lại là nơi tập trung du kích và bộ đội.
Năm 1947 sau trận đại bại trên sông Lô, những chiếc tàu chiến
của Pháp rút chạy; Trên đường rút chạy chúng đã nã đại bác vào Đình làm sập
ngôi Thiên trụ của làng, chúng còn lục soát và đốt phá tất cả, bởi vậy tài liệu
và hiện vật về ngôi đình đến nay hầu như không còn được lưu giữ.
Với lòng thành kính các vị tiền nhân, dân làng Dữu Lâu đã
cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng lại ngôi Đình để tri ân công đức Tổ
tiên và góp phần xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa trên quê hương làng Trầu.
Năm 2001, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định cho nhân dân Dữu
Lâu được khôi phục lại ngôi đình làng Dữu Lâu và được khởi công ngày mùng 6
tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002). Ngôi thiên trụ của làng đã hoàn thành với diện
tích 226m2.
Đình có bố cục theo kiểu chữ Đinh, cửa theo hướng Đông Bắc,
cấu trúc bộ khung gồm 6 hàng cột, vì kèo kiểu thượng giường hạ kẻ giống như các
ngôi đình cổ gồm 3 gian 2 dĩ, dạ tàu lá mái, lợp ngói mũi hài. Đình được phục hồi
4 mái đao cong vút, trên bờ sối có đắp con xô. Nóc đình trang trí lưỡng long chầu
nguyệt, ở các đầu bẩy, cuốn nách, cuốn mê được trạm khắc hoa văn, mây, cây cỏ.
Đó là những hình thức trang trí hoa văn truyền thống của
đình làng. Mặc dù Đình được phục hồi bằng chất liệu bê tông nhưng dưới bàn tay
của các thợ tài hoa đã tạo cho ngôi đình một kiến trúc cổ truyền trở nên sống động.
Đó là công trình khôi phục được xây dựng nhằm tạo nên một bức tranh sinh động về
di sản vùng đất kinh đô thời đại các Vua Hùng.
Đình Dữu Lâu thờ các vị thần gồm: Tản Viên Sơn Thánh Đại
vương; Cao Sơn Thánh thần đại vương; Quí Minh Thánh thần đại vương; Bộ San đại
vương; Ả Nương Công chúa đại Vương.
Và đình Dữu Lâu là nơi phối thờ Hoàng tử Lang Liêu. Theo
truyền thuyết và sử sách còn ghi lại, Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ 6
(Hùng Huy Vương). Qua cuộc thi làm cỗ dâng Vua cha nhân ngày mừng thọ, Lang
Liêu đã sáng tạo ra hai thứ bánh tượng trưng cho “Trời - Đất”, đó là bánh
Chưng, bánh Dày, được Vua Hùng thứ 6 chọn là người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ
7 (Hùng Chiêu Vương).
Với tấm lòng ngưỡng mộ và tôn kính đối với Lang Liêu, từ xa
xưa nhân dân làng Dữu Lâu (nay thuộc phường Dữu Lâu) đã lập miếu thờ Ngài và tôn
vinh là Lang Liêu Đại Vương. Ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu xưa kia đến nay đã hư hỏng
nặng nề, nhân dân địa phương rước ngai bài vị của Ngài về thờ tại đình làng Dữu
Lâu.
Đình Dữu Lâu hàng năm tổ chức 5 lễ hội theo âm lịch: Hội
mùng 6 tháng giêng. Hội mùng 10 tháng 3. Hội mùng 10 tháng 4. Hội mùng 5 tháng
5. Hội mùng 10 tháng 10.
Hội đình Dữu Lâu có trò chơi đánh Phết, nhân dân quen gọi là
đánh Lốc. Trò chơi đánh lốc phải có 6 người chơi, trong đó một người giữ lỗ cái
ở giữa, 4 người giữ các lỗ con xung quanh. Mỗi người cầm một gậy tre dài có
hình khoăm ở đầu chọc vào giữ lỗ của mình, còn lại một người có nhiệm vụ cầm gậy
lùa lốc về lỗ cái. Khi trọng tài tung quả lốc ra người lùa lốc ra sức đánh quả
lốc về hố cái.
Những người giữ lỗ con xung quanh có nhiệm vụ hất quả lốc ra
không cho lốc rơi vào lỗ cái và cũng không được để cho người lùa lốc thọc được
gậy vào lỗ của mình. Nếu ai bị chọc gậy vào lỗ sẽ phải thay thế người đi lùa lốc.
Cuộc chơi chỉ kết thúc khi quả lốc lọt được vào lỗ cái, một bàn lốc mới lại bắt
đầu.
Đường đi đến di tích gồm có: Đường bộ, đường thủy và đường sắt:
Đường bộ: Khách đi theo quốc lộ 2, đại lộ Hùng Vương đến ngã
tư Gia Cẩm rẽ vào đường Trần Phú, qua phường Tân Dân khoảng 2km là tới di tích.
Đường sắt: Khách đi đến ga Việt Trì, đi ngược theo đại lộ
Hùng Vương và đi theo chỉ dẫn đường bộ sẽ tới di tích.
Đường thủy: Khách có thể đi bằng các phương tiện trên sông
Lô từ Hà Nội ngược lên hay từ Tuyên Quang xuôi đến bến phà Đức Bác dừng lại lên
bờ rẽ trái đi bộ theo đường Âu Cơ 1 km thì tới di tích.
Đình làng Dữu lâu có một giá trị nghệ thuật vô cùng to lớn về
di sản văn hóa phi vật thể. Đình là nơi thờ Lang Liêu và các bội tướng đã có
công xây dựng non sông và đất nước trong những buổi bình minh của lịch sử. Mặt
khác Đình còn là nơi trực tiếp tham gia vào công cuộc giữ nước với những sự kiện
tiêu biểu, điển hình trong cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược. Vì thế
Đình Dữu Lâu có một giá trị ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn để cho thế hệ mai
sau học tập và noi theo, là minh chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục trong lịch
sử dựng nước và giữ nước của dân tộc./.