Đình Gia Áo thuộc làng Gia Áo xưa nay và khu 1 và khu 8, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông - thờ Xuân Nương công chúa, nữ tướng thời Nhị vua Hai Bà Trưng có công đánh giặc Đông Hán đầu công nguyên.
Đình Gia Áo
Theo truyền thuyết và ngọc phả đình Gia Áo, Xuân Nương có sắc
đẹp tuyệt vời, có võ nghệ hơn người, am hiểu văn chương, hát hay khiến mọi người
trong châu đều tôn phục, các quan, tù trưởng ở các châu, động đều mến phục tài
hoa của nàng.
Khi đất nước bị xâm lược, nghe tin về Xuân Nương là nữ trang
hào kiệt, Chúa Bà Trưng Trắc đã cho em là Chúa bà Trưng Nhị đón Xuân Nương về bản
doanh, phong là Tả thị nội tướng quân và giao trấn ải vùng Tam Thanh.
Đánh đuổi quân Tô Định, Xuân Nương lập nên chiến công oanh
liệt và trấn thủ một vùng, được vua Trưng Trắc ban cho thực ấp 5 làng Hương Nộn, Hương Nha, Triền Áo, Nam Cường, Tự
Cường. Mấy năm sau, Đông Hán lại đem quân sang đánh nước ta, Xuân Nương cùng chồng
là Thi Bằng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Vua Trưng Trắc thấy
hai vợ chồng Xuân Nương hy sinh vì nước đã phong cho Xuân Nương: “Đông cung đệ
bát vị ả Xuân Nương công chúa. Thinh tỉnh thiên quan đại vương đẳng phúc thần”.
Phong cho Thi Bằng: “Chấn lang quân đại vương” và truy phong cho thập bộ thần đại
vương (10 vị) cùng chiếu chỉ cho các làng Hương Nộn, Hương Nha,Triền Áo, Nam Cường,
Tự cường đều được phụng thờ.
Đình có kiến trúc chữ nhị, trước tòa tiền tế là sân rộng,
hai bên là hai cột trụ vuông có hình 4 đuôi phượng chụm lại, quay đầu về 4 hướng
tạo vẻ thâm nghiêm vững chãi của kiến trúc đình, tiếp đến là cánh phong chạy
dài 2m tới hiên của tiền tế, phù điêu nổi trên cánh phong hình rồng uốn lượn mềm
mại.
Nối tiếp cột trụ cánh phong là tòa tiền tế gồm 3 gian, hai
chái. Phía sau là tòa hậu cung có kích thước, kiến trúc, kết cấu vì kèo giống
tòa tiền tế. Phía giữa cách sàn 1m10 là thượng cung được lát sàn và bưng hai mặt
bằng gỗ được trang trí bằng hình rồng, phượng và mây bay.
Hai gian phía trong
xây ban thờ thập bộ thần quan đại vương. Trong đình còn lưu giữ được đạo
sắc phong qua các triều, cuốn thần phả sao bằng chữ Hán từ cuốn ngọc phả niên
hiệu Hồng Phúc nguyên niên, đại tự, câu đối, bộ chấp kích, long ngai bài vị,
đài rượu, nước…
Hằng năm, tại đình Gia Áo tổ chức 3 kỳ lễ hội vào ngày 7
tháng Giêng, ngày 16 tháng Giêng và 5-10 âm lịch. Mở đầu là lễ hội thả thuyền rồng
được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội tái hiện lại việc
chuẩn bị lương thực cho quân của bà Xuân Nương đi đánh giặc.
Ngày nay, lễ hội này vẫn được tổ chức, trong đó có hội thi
bơi chải ngày xuân được tổ chức tại đầm Lải - Nam Cường với 2 lượt bơi nam và nữ
thi riêng. Vào ngày 16 tháng Giêng, dân làng tổ chức hội mừng chiến thắng trở về
của nữ tướng Xuân Nương với các trò chơi dân gian: Bơi, chọi gà, vật dân tộc,
đánh cờ…
Một trong những nét đặc sắc trong Lễ hội đình Gia Áo là Lễ cầu
ông gà được tổ chức hằng năm vào tối 5 - 10 âm lịch.
Lễ rước ông gà được tổ chức vào mùng 5 tháng 10 âm lịch.
Để chuẩn bị cho lễ cầu ông gà thì ngay từ đầu tháng 8 âm lịch,
trong làng được chia làm 5 giáp chuẩn bị nuôi gà. Mỗi giáp chọn nuôi 1 con gà,
đến ngày 6-8 bắt đầu đưa lên chuồng nuôi với sự giám sát của Ban quản lý đình
và cụ Từ. Chuồng nuôi phải sạch sẽ, khô ráo, có chậu nước sạch, khăn sạch để
lau mặt cho ông gà.
Đến ngày lễ, chọn 2 ông gà có hình thức, trọng lượng tốt nhất
để rước vào ngày hôm trước và trong ngày lễ. Tối 5-10, sau khi rước ông gà về
đình là làm lễ tế tại sân đình và tổ chức ca hát để tưởng nhớ công ơn của Xuân
Nương công chúa và các binh sĩ. Vào dịp này, dân làng Gia Áo tổ chức ăn tết vui
vẻ, đầm ấm.
Sau khi rước ông gà về đình là làm lễ tế tại sân đình và tổ
chức ca hát để tưởng nhớ công ơn của Xuân Nương công chúa và các binh sĩ. Vào dịp
này, dân làng Gia Áo tổ chức ăn tết vui vẻ, đầm ấm.