Đình Giang Triều thuộc thôn Giang Triều, xã Đại Cường. Đình thờ hai vị nhân thần triều đại Hùng vương thứ 18 và Triều Lê là Hầu Công và Minh Thư, đã có công lao đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Vị thứ nhất, là Hầu Công ở thời đại Vua Hùng thứ 18, Thân phụ
của ngài là Nguyễn Tạo kết duyên với bà Trần Thị Phương và hạ sinh ra ngài vào
ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Khi cha mẹ ông tạ thế ông để tang cha mẹ ba
năm, Nguyễn Hầu đến động Lăng Sương gặp thánh Tản ở núi Ba Vì. Ở đây được Tam vị
Thánh Tản truyền cho nhiều phép lạ.
Sau một thời gian dài ở phía Bắc, Thục Vương Bộ Chúa Ai Lao
thấy Duệ Vương đã già bèn phát động tinh binh tiến đánh Văn Lang. Trước nguy cơ
ấy ông đã cử đánh mấy chục trận, giặc thua bỏ chạy về nước. Sau khi dẹp xong giặc,
Hùng Duệ Vương gia phong cho tướng sỹ, phong cho Nguyễn Hầu làm Cư sỹ đại
Vương.
Nguyễn Hầu được trở về Giang Triều ăn thực ấp. Ông mất tại
đây vào ngày 12 tháng 8 và được truy phong là Linh Ứng Cư sỹ Đại Vương thượng đẳng
phúc thần. Cho phép khu Giang Triểu, Tổng Đại Bối phụng thờ.
Vị thứ hai, tên húy là Minh Thự, thân phụ là Lê Mỹ, quê ở
trang Đan Nê, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu. Từ tổ tiên đến đời ông
đều giầu có, giỏi nho, y. Khi ông ngao du sơn thủy đi đến khu Giang Triều, tổng
Đại Bối, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam, thấy một thiếu nữ tuyệt trần
tên là Tạ Hoa, ông kết duyên với Bà và hạ sinh được một Nam hài nhi mặt mày
sáng sủa, vuông vức, tai to… đặt tên là Minh Thự. Khi cha mẹ Minh Thự tạ thế,
lúc đó Hồ Quý Ly tiếm quyền nhà Trần, ông phán đoán được thời thế, tụ tập quân
sỹ, lo binh lương.
Hay tin Lê Lợi dấy binh ở Lam Sơn nghĩa quân của Minh Thự
xin đến tham gia khởi nghĩa. Dưới lá cờ nghĩa quân Lam Sơn, trải qua 10 năm
binh hỏa, lập được nhiều chiến công huy hoàng. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt
niên hiệu là Thuận Thiên, phong thưởng tướng sỹ, Minh Thự được phong là “Hiển Đức
Bảo hiệu Đại Vương”.
Khi về thăm quê ngoại Giang Triều, sau khi mở tiệc khao dân
làng và cúng tiễn làng 5 hốt vàng, ông hóa tại xứ Mả Đế. Khi nhận được tin, nhà
vua bèn cho quan trong triều về làm lễ. Truy phong là: “Phù quốc linh ứng phổ
hóa hiển đức bảo hựu đại vương thượng đẳng phúc thần”. Sắc phong về cho thôn
Giang Triều lập đền, viết thần hiệu để phụng thờ lưu truyền mãi mãi, trường tồn
cùng trời đất.
Ngôi đình do nhân dân Giang Triều xây dựng vào thời Lê, niên
hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (năm 1751). Gắn liền với sự truyền lại về vị Thái Bảo
Đoàn Trọng Côn làm công đức với dân làng để làm nên ngôi đình này. Đây là công
trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hiện diện vật chất chứa ẩn nhiều giá trị lịch
sử, văn hóa và nghệ thuật.
Đình Giang Triều là công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, biểu
trưng của sức lao động cần cù, trí sáng tạo tài hoa của những người thợ thủ
công.
Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng
xã. Hội làng thường tổ chức ở đây để mọi người đến hưởng thụ văn hóa tinh thần,
vui chơi, giải trí, bình đẳng. Nơi thờ Nhị vị Đại Vương, là những người có công
chống giặc giữ nước, biểu tượng của vẻ đẹp, tấm gương sáng để giáo dục cho các
thế hệ con cháu trong làng.
Đình Giang Triều là một công trình kiến trúc đặc trưng của một
vùng, Đình Giang Triều đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay Bộ Văn hoá, Thể thao
và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc – Nghệ thuật theo quyết định số:
2890 – VH/QĐ ngày 27 - 9 - 1997.