Đình Giáp Tứ là ngôi đình cổ được khởi dựng từ rất sớm trên mảnh đất có bề dày lịch sử ở phía nam kinh thành Thăng Long xưa, trước thuộc làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Tương truyền đây là nơi chiêu mộ, tập luyện quân sĩ của Bố
Cái đại vương Phùng Hưng ở thế kỷ thứ VIII để chống ách đô hộ nhà Đường.
Khi còn hợp nhất, Thịnh Liệt có một ngôi chùa chung là chùa
Sét (ở địa phận Giáp Lục) và một ngôi đình chung (ở địa phận thôn Giáp Bát) thờ
Thành hoàng làng là Tam Lang Thông Đạt đại vương, (tức Thành hoàng làng
của cả xã Thịnh Liệt xưa). Ngài vốn là con của Lạc Long Quân giáng xuống Thịnh
Liệt, dân chúng cầu đảo nhiều lần thấy linh thiêng nên bản xã lập miếu thờ phụng
ngài. Sau khi tách ra thành 8 làng
Giáp thì mỗi thôn xây dựng một ngôi đình vẫn thờ chung thần Tam Lang và thờ
thêm những vị thần của thôn mình.
Lý Thái Tổ thuở còn hàn vi, từ thành Hoa Lư đi lánh nạn, đến
miếu này vào lúc chiều muộn thì nghỉ lại. Đêm mộng thấy thần hiện đến trước mặt
nói: “Xin hết lòng phù trì cho đại vương, ngày sau tất sẽ được thiên hạ”. Đến
khi Lý Thái Tổ lên ngôi bèn hạ lệnh cho tu sửa, mở mang đền miếu để thờ cúng.
Trải qua các triều đại, thần đều được gia tặng sắc phong.
Đình còn thờ Ngũ vị đại vương, đó là: Phúc Tế đại vương, Hiển
Liệt đại vương, Uy Linh đại vương, Thiện Khánh đại vương, Bảo Tín đại vương là
những vị thần có nhiều công lao ân đức đối với đời sống tinh thần của nhân dân
địa phương. Ngũ vị đại vương là những vị thần có công trợ giúp Lý Nam Đế đánh
lui quân Lương sang xâm lược bờ cõi nước ta.
Ngũ vị Thành Hoàng trong đình tương ứng như Ngũ Vị Tôn Ông thời Lý Nam Đế có hiệu như sau:
Phúc Tế Đại Vương
Uy Linh Đại Vương
Hiển Liệt Đại Vương
Thiện Khánh Đại Vương
Bảo Tín Đại Vương.
Các Vị đều là tướng quân dưới thời Vua Lý Nam Đế. Điều đáng nói là các vị đều quê ở Thanh Hóa, trận đánh chủ chốt thời Lý Nam Đế lại là trận tại cửa sông Tô Lịch. Đây là 5 vị tướng đã hy sinh quyết chiến để giúp Vua Lý Nam Đế trấn giữ thành Long Biên tại cửa sông Tô Lịch.
Thông Đạt Đại Vương giáng sinh thời Lý Nam Đế được Vua Tự Đức gia tăng hiệu Tuấn Lương chi thần cho các làng quanh vùng sông Tô Lịch phụng thờ.
Xưa kia mảnh đất Thịnh Liệt luôn xảy ra chiến tranh, nhờ có
uy linh của các thần mà dân chúng được bình yên, vì thế dân xã Thịnh Liệt xưa lập
miếu thờ phụng để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Hàng năm cứ đến ngày
16 tháng 2 âm lịch, hội đình làng Giáp Tứ lại được tổ chức để tưởng nhớ đến những
người có công lao ăn đức với nhân dân địa phương.
Đình Giáp Tứ đã qua tu sửa nhiều lần. Trong đình còn lưu giữ
vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật.
Hiện nay trong di tích còn nhiều câu đối ca ngợi công đức của
các vị thành hoàng làng:
Thánh thượng anh minh, trí dũng có thừa phù dân nước
Thần uy quảng đại, đức tài mưu lược giữ non sông.
Ngoài chức năng là một di tích tín ngưỡng thờ Thành hoàng
làng theo truyền thống làng Việt cổ, đình Giáp Tứ còn là địa điểm ghi dấu những
sự kiện cách mạng của địa phương, là nơi ẩn náu của cán bộ hoạt động cách mạng,
nơi tập trung ban chỉ huy của thôn Giáp Tứ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
(1948 - 1949).
Đình Giáp Tứ (mới) nhìn qua cổng ra hồ Yên Sở ở phía
đông nam. Sân trước có hai cây đa toả bóng, hơi chếch sang trái là một
giếng tròn khá to nằm ven con đường làng. Tam quan xây kiểu nghi môn
với bốn trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán, hai bên cổng giữa là hai
cổng phụ xây kiểu hai tầng tám mái giả, phía trên có đề chữ Hán.
Đình làng Giáp Tứ năm 1991
Sân trong nhỏ hơn, hai bên là dãy tả, hữu vu 3 gian
nhà cấp 4. Du khách bước lên thềm cao ba bậc, hàng hiên đỡ bằng 4 cột
vuông đơn giản, hai đầu đắp tượng Hộ pháp. Đại đình rộng 3 gian 2 dĩ,
trên bờ nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hậu cung kết nối với đại
đình theo hình chữ "Nhị". Sân sau và vườn khá nhỏ, ít cây
cối.
Di sản văn hóa
Sông Sét thời xưa thông với sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu
ra sông Hồng. Thuyền của vua Lê, chúa Trịnh vẫn thường du ngoạn từ Hồ Tây về đầm
Sét ở Thịnh Liệt. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục còn
gọi đầm Sét là đầm Đại, coi đó là một vùng kinh tế quan trọng và có ảnh hưởng
về tâm linh.
Cổng đình Giáp Tứ. Photo NCCong ©2019
Lễ hội đình làng Giáp Tứ - Thịnh Liệt ngày 15/16 tháng 2 âm lịch
Làng Giáp Tứ có một ngôi nghè cổ, là nơi làm đám “chạ”
và rước thần Tam Lang đến từ ngôi đình chung của 9 làng Sét. Khi ngôi đình
chung không còn thì nơi đây vẫn thờ thần Tam Lang; về sau đổi sang thờ thần Bạch
Xà. Lại có ngôi đền thờ một hoàng tử chết bệnh từ nhỏ. Bà nhũ mẫu là người
làng đã mang hoàng tử về nuôi.
Từ 1990 Giáp Tứ trở lại tổ chức lễ hội hàng năm như trước
1945. Theo truyền thống, hội làng Giáp Tứ mở cùng ngày với các làng Sét
khác từ 13 đến 16 tháng Hai âm lịch nhưng chỉ rước sắc đi quanh làng, tế lễ một
ngày, nhân dân vui chơi các trò chèo hát, đánh vật v.v., sau 3 ngày thì rã
đám.
Đình Giáp Tứ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng
di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2005.
Theo
Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01