Đình Giẽ Hạ - Giẽ Thượng thờ phụng thành hoàng Quảng Bác Uyên Dung đại vương, còn gọi là thánh Ba Sa, hay thủy thần Tam Giang.Ngài là con trai thứ 2 của Hùng Huy Vương.
Đình Giẽ Hạ
Đình Giẽ Hạ được xây dựng vào năm 1686. Thờ: thủy thần Quảng
Bác đại vương. Đình xếp hạng Di tích quốc gia năm 1996. Địa chỉ tại thôn Giẽ Hạ, xã Phú
Yên. Phú Xuyên,thành phố Hà Nội.
Lược sử
Đình Giẽ Hạ được xây vào năm Bính Dần 1686, bên trong thờ
thành hoàng Quảng Bác Uyên Dung đại vương, còn gọi là thánh Ba Sa, hay thủy thần
Tam Giang. Theo truyền thuyết, ngài là con trai thứ 2 trong số 5 người con của
Hùng Huy Vương (tức vua Hùng thứ 8), có công giúp vua đánh giặc Thục, bảo vệ
dân và giữ nước.
Bên hữu đình hiện nay có ngôi đền Thánh Mẫu, thờ bà mẹ là
Dung Châu công chúa. Bà còn được thờ tại Phúc Nhuệ Tự, tức chùa Rồi (hay
chùa Cả) của làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Theo thần phả Giẽ Hạ "Vào ngày rằm tháng Giêng năm Giáp
Thìn đệ nhị tiên cung tên là Tiên Dung Châu xuất thần giáng sinh. Nhân đó đặt
tên là Giáng Tiên. Khi nàng trưởng thành, sắc đẹp tuyệt trần…, những lúc nhàn rỗi
thường du ngoạn ở châu Phong, đất Giao Chỉ.
Tình cờ gặp vua Hùng Vương thứ 8 là Huy Vương. Vua rất ưng ý
liền phong làm cung phi chính thất. Hai năm sau nàng có thai tròn 12 tháng. Lúc
đó là ngày mồng 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ nàng đến ngã ba sông Sa tắm gội.
Đến ngày 12-6 sinh được một bọc, nở ra 5 người con trai. Người
xưa vẫn ca ngợi “nhất bào ngũ tử”… Khi trưởng thành 5 anh em này đều lần lượt
nhiều lần lập công lớn, dẹp giặc đem lại yên bình cho đất nước… Sau khi hóa vua
lại ban cho sắc chỉ phong vào hàng thượng đẳng thần. Cả năm anh em đều là quý tử…
Vua ban sắc phong cho là Thủy thần…"
Năm anh em được thờ tại các đình đền ven sông Đáy và
Châu Giang:
Quảng Xung Linh Tế đại vương: xã Hữu Vĩnh, huyện Ứng Hòa,
Quảng Bác Uyên Dung đại vương: xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên,
Quảng Xuyên Linh Quang đại vương: xã Trung Tú, huyện Ứng
Hóa,
Quảng Tế Linh Ứng đại vương: xã Bãi Nhiễm, huyện Duy Tiên,
Quảng Hóa Cư Sĩ đại vương: xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì.
Đình được gọi theo tên của làng Giẽ Hạ. Làng này cùng làng
Giẽ Thượng liền kề đều nổi tiếng về nghề làm giày da. Vào thời Lê cả hai
làng thuộc thôn Thịnh Phúc, thời Nguyễn mới tách ra, nay thuộc xã Phú Yên, huyện
Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Hội làng được tổ chức hàng năm vào đầu mùa hạ. Cứ 5 năm một
lần 6 thôn (Thượng, Hạ, Thần, Bùng, Cầu và Thủy Phú) của tổng Thịnh Đức cũ
cùng thờ ngài Quảng Bác đại vương lại chung nhau làm đại lễ.
Xưa kia Giẽ Hạ đã có truyền thống học hành thi cử, tiêu biểu
là tiến sỹ Đặng Huấn (1519–1590) vốn di cư từ làng Lương Xá đến đây. Năm
1511, cụ theo Lê Bá Ly vào Thanh Hoá tôn phò nhà Lê Trung Hưng và được phong Khổng
Lý Hầu, quản lãnh tinh binh.
Con gái Đặng Huấn lấy Trịnh Tùng và sinh ra Trịnh Tráng, sau
làm Chúa. Trong số hậu duệ của cụ Huấn còn có Đại đô đốc Đặng Tiến Đông
(1738–1801) từng lập nhiều chiến công cho chúa Trịnh Sâm và sau này cho vua
Quang Trung.
Đại đình Giẽ Hạ. Panorama NCCong ©2016
Kiến trúc
Đình Giẽ Hạ nằm trên một khu đất cao giữa làng, giáp một cái
ao to hình bán nguyệt, mặt đình quay về phía nam nhìn ra đường Hoàng Quốc Việt,
xa chút nữa là con sông Châu Giang, cách Cầu Giẽ trên quốc lộ QL1A hơn 1km.
Lối vào đình đi vòng bên phải ao, rẽ trái qua Nhà truyền thống
nghề giày da rồi đến cổng đình được xây theo kiểu nghi môn với các trụ biểu.
Bước qua cổng ta sẽ thấy 2 nhà bia ở hai bên, đi thẳng qua
giữa đôi tượng voi nhỏ thì tới cái sân đình khá rộng. Phía sân giáp ao có một
hòn non bộ và bức bình phong đắp cuốn thư với cặp tượng ngựa đứng chầu đối diện.
Tòa đại bái rộng 3 gian 2 chái, xây theo kiểu truyền thống,
mái lợp ngói ta. Hai bên bờ nóc có gắn tượng hai con nghê đang chầu vào nhau.
Giữa bờ nóc đắp hình “lưỡng long triều nhật”.
Ở hai đầu tường hồi có cặp tượng Hộ pháp đắp nổi đứng nhìn
nhau qua hàng hiên dài mà hẹp. Tại chính điện có bức trần thiết hình vuông, được
làm bằng gỗ quý và sơn son, thếp bạc, phủ hoàng kim, trang trí theo đề tài “lưỡng
long vờn nguyệt”.
Toà đại bái nằm song song với hậu cung thành hình chữ “Nhị”,
ở giữa có khoảng sân nhỏ. Hậu cung mới xây vào năm 2000, gồm 3 gian nhỏ, tường
hồi bít đốc, tại gian giữa có đặt long ngai và bài vị của Thành hoàng bên trong
khám thờ.
Bức trần trong chính điện
Chạm khắc trong đại đình.
Thánh thể di vật trong hậu cung.
Di sản
Đình làng Giẽ Hạ nổi tiếng bởi nghệ thuật trang trí kiến
trúc tập trung trên các cấu kiện gỗ, có niên đại từ thời Lê Trung Hưng và thời
Nguyễn. Tiêu biểu là những mảng chạm khắc trên hai bộ vì nách của chính điện và
2 gian bên, cũng như trên các mảng cốn, đầu dư, bẩy hiên.
Các nhân vật như tiên nữ cưỡi rồng, tiên nữ cưỡi phượng, mặc
dù bố cục khác nhau nhưng phần lớn giống nhau ở khuôn mặt bầu bĩnh, mũi dọc dừa,
đầu đội mũ hoặc búi tóc, mắt hướng sang một bên...
Di sản chữ Hán được lưu giữ chủ yếu ở các bức hoành phi, câu
đối, sắc phong và bi văn, phần lớn các chữ vẫn đọc được. Nhà bia bên trái ngay
sau cổng đình Giẽ Hạ là nơi đặt 3 tấm bia đá, tấm quay lưng ra hồ có ghi niên
hiệu Bảo Thái thứ 6 (1725) đời vua Lê Dụ Tông. Nhà bia bên phải chỉ có một tấm
bia rất lớn đứng trên lưng rùa và mang niên hiệu Phúc Thái thứ 5 (1647) đời vua
Lê Chân Tông.
Ngày 12 tháng 6 âm lịch, 6 thôn của tổng Thịnh Đức cũ lại
mở đám lớn lễ hội cầu phúc, xưa dài 10 ngày. Nay thì ngày 11 làm lễ Bao sái
mộc dục dâng cúng thanh bông hoa quả; ngày 12 làm lễ chính cầu phúc (có cờ quạt
rước Thủy thần về nhập tịch, tổ chức hát xướng, dâng cúng hoa quả, cỗ chay và
xôi, rượu, gà, lợn). 12 tháng 11 ÂL là ngày hóa của Thần thì làm lễ cầu phúc
dâng cúng thanh bông hoa quả, cỗ chay.
Rằm tháng Giêng kỷ niệm Tiên Mẫu giáng hạ: dâng lễ cỗ
chay, cắt giấy ngũ sắc, tổ chức ca hát. Ngày 10 tháng 2 ÂL: tế xuân (lễ vật tùy
nghi). Ngày 10 tháng 5 ÂL: lễ cơm mới (tùy nghi). Ngày 10 tháng 8 ÂL: tế thu
(tùy nghi). Cả 6 thôn đều có tục kiêng húy: “châu” gọi chệch là “nghé”, “Bác” gọi
chệch là “Bá”.
Trong lần đại trùng tu đình Giẽ Hạ vào năm 1843 dưới đời vua
Thiệu Trị, dân làng đã cho đào ao và trồng nhiều cây. Năm 1996, Bộ Văn hóa và
Thông tin ra quyết định xếp hạng ngôi đình là Di tích lịch sử – văn hóa -
nghệ thuật quốc gia.
Đình Giẽ Thượng
Đình Giẽ Thượng có từ cuối thế kỷ 17. Nơi thờ phụng thuỷ thần Quảng
Bác đại vương, Xếp hạng Di tích quốc gia năm 1996. Địa chỉ tại thôn Giẽ Thượng, xã
Phú Yên, Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Chính điện đình Giẽ Thượng. Panorama ©2016 NCCong
Lược sử
Đình Giẽ Thượng được xây vào cuối thế kỷ 17, bên trong cùng
thờ đức Quảng Bác Uyên Dung đại vương, còn gọi là thánh Ba Sa, hay thủy thần
Tam Giang, con trai thứ 2 của Hùng Huy Vương (tức vua Hùng thứ 8), có công
giúp vua đánh giặc Thục, bảo vệ dân và giữ nước. Các triều đại phong kiến đã
ban 241 mỹ tự và 19 đạo sắc phong ngài làm thành hoàng của Giẽ Thượng cùng 71
ngôi làng khác.
Đình được gọi theo tên làng Giẽ Thượng. Làng này cùng làng
Giẽ Hạ liền kề rất nổi tiếng về nghề làm giày da, thời Lê cả hai thuộc thôn Thịnh
Phúc, thời Nguyễn mới tách ra, nay thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố
Hà Nội. Hội làng được tổ chức hàng năm vào đầu mùa hạ. Cứ 5 năm một lần 6 thôn
(Thượng, Hạ, Thần, Bùng, Cầu và Thủy Phú) của tổng Thịnh Đức cũ cùng thờ ngài
Quảng Bác đại vương lại chung nhau làm đại lễ.
Trong đình có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ từ thời Lê Trung
Hưng, đặc trưng cho nghệ thuật tinh tế và độc đáo của các ngôi đình làng thuộc
vùng đất phía Nam kinh thành Thăng Long. Năm 1996 đình Giẽ Thượng được Bộ Văn
hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá - nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Giẽ Thượng nằm trên một khu đất cao ráo, tiền đường
nhìn về phía nam ra sông Châu Giang. Lưng đình hiện nay áp vào vệ đường Hoàng
Quốc Việt, cách Cầu Giẽ trên quốc lộ QL1A chừng 2km. Cổng đình mới xây lại theo
kiểu nghi môn, câu đối đắp trên trụ biểu được viết bằng chữ Quốc ngữ, hai bên cổng
có tượng voi quỳ. Sau cổng có một cây sữa cao to che mát sân ngoài ở bên cạnh đầu
hồi ngôi đình.
Theo lối đi từ sân ngoài sang tay phải vào sân trong ta sẽ
thấy trước tòa đại bái có hòn non bộ, tượng nghê và bình phong. Sau bình phong
có một ao to, bên trái là cổ thụ um tùm tỏa bóng xuống mặt nước. Tòa đại bái gồm
3 gian lớn, xây kiểu 2 tầng chồng diêm, mái lợp ngói ta, tường hồi bít đốc.
Ngoài hiên không thấy có cặp tượng Hộ pháp như thường lệ. Đại bái kết nối với
trung cung và hậu cung theo hình chữ “Công”.
Di vật
Trong đại bái và trung cung của đình Giẽ Thượng có một số
hoành phi và câu đối cổ. Gian giữa hậu cung là nơi đặt khám thờ chứa long ngai
và bài vị của Thành hoàng.
Tại chính điện và hai gian tả hữu vẫn giữ được những mảng chạm
khắc gỗ điêu luyện với những hoạt cảnh đời thường xen lẫn các đề tài tiên nữ,
voi, nghê, rồng, mây lửa v.v., trông cực kỳ sinh động.
Trên cao có treo bức trần gỗ trang trí rất đẹp, giống như ở
đình làng Giẽ Hạ. Ngoài ra còn có một lư hương cổ tạc bằng đá liền khối khá
tinh xảo đặt trên hương án.
Năm 1989, khi đào ao sau đình thôn Bùng, nhân dân phát hiện
được 7 ngôi mộ cổ nhưng chỉ 1 mộ nguyên vẹn. Thi hài còn lại cũng nhiều ít
khác nhau. Hiện vật tùy táng phong phú (rìu đồng, chậu đồng, giáo đồng, vại
sánh, đĩa gỗ, thước gỗ...) thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay trên 2500 năm.
Bên
kia sông Châu Giang, nằm trên thửa ruộng Ao Hồn trong lòng con mương chảy ra
phía quốc lộ QL1A là một di chỉ khảo cổ học (hiện thuộc xã Châu Can, huyện Phú
Xuyên) gồm 8 ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ 3 - đầu Thế kỷ thứ 2 trước CN, với
những chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng quen gọi là mộ thuyền.