Ngôi đình làng Hạ Bì, khu 4, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, được xây dựng năm 1827 thờ Đức Tản - Viên Sơn Thánh cùng hai bộ tướng của người là Hiển Công và Sùng Công được truyền lại gọi là Tam vị Đại vương Triều Hùng.
Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối ngạn là dãy Ba Vì quanh
năm mây trắng bao phủ mênh mang huyền thoại Tản Viên Sơn thánh, Thanh Thủy hiện
còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội dân gian độc đáo gắn với
truyền thuyết thời đại Hùng Vương dựng nước và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương -
di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cách Trung tâm huyện 7 km về hướng Tây - Nam là xã Xuân Lộc,
một vùng đất hẹp nằm tả ngạn bên con sông Đà. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước,
đây là xã giàu truyền thống văn hóa, dấu ấn lịch sử còn được lưu giữ ở các quần
thể di tích thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương dựng nước với: Đình
Võng La, đình Bì Châu, đình Xuân Dương, đình Hạ Bì Thượng, Hạ Bì Trung và Hạ Bì
Hạ...
Liền kề phía ngoài đê sông Đà là cụm di tích đình - đền Hạ
Bì Hạ, (khu 4, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy)
được xây dựng năm 1827, nơi hiện đang phụng thờ vua Hùng Nghị Vương thứ 17 cùng Đức Thánh Tản
Viên và 2 bộ tướng của đức ngài
là Hiển Công và Sùng Công được truyền lại gọi là Tam vị Đại vương Triều Hùng và Thành hoàng làng Lý Dực Công. Cụm di tích Đình Hạ Bì Hạ đã được UBND tỉnh
Phú Thọ công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2001.
Nhìn qua sông Đà về phía nam, là ngọn núi Ba Vì uy linh soi
bóng; thấp thoáng phía bắc theo đường chim bay chừng ngót hai chục cây số là
trung tâm Nghĩa Lĩnh - cố đô Văn Lang xưa, nơi Vua Hùng lập ra Nhà nước đầu
tiên của cư dân người Việt.
Các bậc cao niên của làng còn nhớ: Trước năm 1945, cụm di
tích đình - đền ở Hạ Bì Hạ rất bề thế, chiếm khoảng đất rộng do vua ban, lễ hội
hàng năm tổ chức cực kỳ hoành tráng, có tiếng khắp vùng. Do Pháp đốt phá, lũ lụt
và thời gian hủy hoại, cụm di tích nơi đây bị san phẳng, lễ hội gần như không tồn
tại, chỉ còn đôi ba bát nhang do dân chúng tập trung hương khói tưởng nhớ đức
vua Hùng và tiền nhân.
Đình làng Hạ Bì Hạ được khôi phục lại năm 2001 trên nền móng
cũ của ngôi đền thờ Lý Dực Công nằm ngay sát đê sông Đà (tỉnh lộ 316). Ngôi
đình được làm quay hướng Tây - Bắc, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm đại bái 3
gian 2 dĩ và một hậu cung. Kiến trúc đình Hạ Bì hiện nay tuy không đồ sộ, bề thế
như ngôi đình cổ trước kia, nhưng vẫn mang kiểu dáng kiến trúc thuở xưa, nhà 4
mái lợp ngói âm có 4 đầu đao cong lên làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm cho ngôi
đình.
Cùng với kiến trúc là nghệ thuật trang trí làm đẹp cho ngôi
đình đã được người thợ ngày nay quan tâm chú ý từ những đầu bẩy, bức cốn nách đến
các con chồng, đầu dư, cốn mê đều được đục chạm những hình rồng, vân mây hoa lá
cách điệu và được sơn ta đánh bóng khiến cho ngôi đình đẹp lộng lẫy. Với các
giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, đình - đền Hạ Bì Hạ đã được xếp hạng di tích
cấp tỉnh, là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20 ngôi đình đã được phong 5 sắc
thần của triều đại các vua nhà Nguyễn, đình làng xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ
đại thời hậu Lê, có các miếu thờ chung quanh, bên tả có đền thờ nữ đế Tiên
Dung, bên hữu có đền thờ bản thổ, trước cửa có đền thờ vị tổ học Sĩ - nhiếp phương
đông.
Hàng năm cứ vào ngày rằm tháng chín âm lịch dân làng lại mở
hội tế lễ cúng thần, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng
tươi tốt, đời sống ấm no.
Bởi vậy ngôi đình gắn với đời sống tinh thần của nhân dân địa
phương “Dù ai đi đâu ở đâu, nhớ rằm tháng chín rủ nhau cùng về” đó là tấm lòng
hướng về quê cha đất Tổ của những người con xa quê xa xứ. 3 năm một lần mở hội
vào các năm (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) tính theo con chi để tổ chức các trò vui chơi
như: Bơi chải, kéo co, đánh đu, nấu cơm thi, cờ tướng...
Ngày 21-7-1945 nhân dân rước sắc vua phong (sắc được phong từ
năm 1944) dân làng mở hội hát chèo làm vui, buổi tối tụ hội đông người, xuất hiện
đoàn cán bộ Việt Minh do ông Lê Quang Ấn dẫn đầu, thay mặt xứ ủy Bắc Kỳ đến
tuyên truyền đường lối cách mạng của mặt trận Việt Minh.
Ngày 20-8-1945 cũng nơi đây mặt trận Việt Minh đã tổ chức một
cuộc mít tinh lớn công bố cách mạng đã thành công, mặt trận Việt Minh ra đời,
thành lập chính quyền mới lâm thời của địa phương và cũng nơi đây hương lý kỳ
hào của chính quyền cũ lần lượt mang giao nộp ấn tín cho cách mạng.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hạ Bì là nơi thuộc vùng giáp
ranh với địch (khu vực trắng) lực lượng du kích địa phương đã lấy đình làng làm
một địa điểm tập kết bàn định kế hoạch đánh địch chống càn.
Năm 1962 cũng đình
làng nơi đây diễn ra một hội nghị văn hóa toàn miền Bắc, hội tụ các đoàn văn
công, văn nghệ, các đoàn đại biểu các tỉnh về dự do Thứ trưởng Cù Huy Cận và
nhà thơ Xuân Diệu chủ trì, nơi đây cũng là trụ sở của cơ quan HTX nông nghiệp làm
việc, nơi HTX nông nghiệp Hạ Bì tiếp nhận máy cày của Hồ Chủ tịch trao tặng HTX
nông nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất nông nghiệp toàn
miền Bắc (do Bộ nông nghiệp chuyển giao). Năm 2003, đình làng Hạ Bì đã được xếp
hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Những dấu ấn kỷ niệm xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi
người dân Hạ Bì (khu 4). Gần hai trăm năm qua cùng với thời gian, môi trường
thiên nhiên mưa nắng, cùng với 30 năm chiến tranh tàn phá của địch, mặc dù có
các ngôi đình khác chung quanh bị tàn phá, ngôi đình Hạ Bỳ (khu 4) vẫn cứ hiên
ngang đứng giữa lòng dân khu 4, Xuân Lộc.
Đến nay các công trình phụ cận không còn, ngôi thiên trụ đã
xuống cấp, với tâm nguyện của lòng dân, những người con xa quê làm ăn sinh sống
ở mọi miền đất nước, mỗi khi về thăm quê đều bày tỏ nguyện vọng được tôn tạo tu
sửa nâng cấp đình làng và phục hồi các công trình phụ cận trong khu di tích.
Để bảo tồn di tích đình làng Hạ Bỳ, cán bộ và nhân dân trong
khu dân cư đã đồng tâm nhất trí đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép trùng tu sửa
chữa theo phương án: Nâng nền lên 1m, tu bổ dãng, gỗ, cột, hoành, dui, mè, thay
những phần đã hư hỏng, lập ngói mũi, xây tường, lát nền gạch, phục chế miếu thờ,
sân bãi, tường rào, trồng cây xanh, chỉnh trang nội thất, giữ được tính nguyên
trang, bền đẹp, đúng nghĩa là một nơi thờ tự, hội tụ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng
dân cư.
Nhân dân, con em quê hương làm ăn sinh sống các nơi tự nguyện
đóng góp, người có công góp công, người có của góp của, những nhà doanh nghiệp,
các gia đình hảo tâm, các nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh có 432 gia đình, cá nhân
đóng góp được trên 400 triệu đồng và 1.400 ngày công lao động phổ thông, công
trình đã được hoàn thành và được tổ chức lễ khánh thành vào ngày 12-10-2008
(vào đúng ngày 15-9 Mậu Tý).
Ngày lễ hội truyền thống đình làng, bà con nhân dân trong
khu 4, Hạ Bì hân hoan, phấn khởi, hứa hẹn cùng nhau đoàn kết nhất trí xây dựng
đời sống văn hóa của khu dân cư và hy vọng ngôi đình làng sẽ sớm được công nhận
di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Độc đáo lễ hội làng Hạ Bì Hạ - Tri ân công đức Vua Hùng
Lễ hội đình Hạ Bì Hạ được tổ chức hoành tráng thu hút đông đảo
nhân dân tham gia.
Đình Hạ Bì Hạ trong ngày hội mở.
Từ giữa tháng giêng đến cuối tháng 2 âm lịch, Ban quản lý di
tích cùng ban khánh tiết và đại diện các khu dân cư đã họp để bàn công việc chuẩn
bị lễ hội, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ban ngành trong thôn. Việc
hệ trọng có tính quyết định cho toàn bộ diễn trình lễ hội là cắt cử, chọn người
tham gia các vai như ông chủ tế, ban thờ tự, lực lượng tham gia đội tế và đội
quân rước kiệu… Song hành với việc phân bổ, lựa chọn các vai chính trên đây,
ban khánh tiết đề xuất các yêu cầu chuẩn bị trang phục cho buổi lễ, kiểm tra
các loại dụng cụ và các loại đồ thờ cúng phục vụ các công đoạn của lễ hội.
Lễ hội được tổ chức bắt đầu bằng lễ giao thư, sớm ngày mùng
5.3 âm lịch. Buổi chiều ông Từ thắp hương kính cáo vua Hùng và các Thánh. Sáng
ngày mùng 7.3, dân làng tổ chức rước nước. Người lấy nước bao gồm ông Chủ tế,
ông đọc chúc, ông hành văn, ra ngồi thuyền lấy nước đổ vào bình. Nước được lấy ở
giữa dòng Đà Giang, rước về cung dâng lên ban thờ đức vua Hùng và các Thánh
cùng Thành hoàng làng; và một phần để bao sái đồ thờ. Chiều ngày mùng 7.3 tổ chức
cáo tế. Lúc này các cụ làm lễ, đọc hai bản văn cáo tế gồm có văn tế các vua
Hùng và đức Thánh Tản Viên, kế tiếp là Văn tế Đức Bản Thổ Thành hoàng làng.
Ngày mùng 8 được coi là chính hội. Ngay từ sáng sớm, dân
làng đã tập trung tổ chức rước đoàn kiệu từ đình ra đền Bà Chúa, từ đó, đón rước
lô nhang từ đền Bà ven sông Đà về ban đồng tế ở đình làng. Mặc dù quãng đường
rước kiệu không dài, nhưng đội rước với các lớp lang hùng hậu đã tạo ra không
gian lễ hội hoành tráng và náo nhiệt.
Khi rước xong, đoàn rước kiệu được nghỉ giải lao, đại diện
các dòng họ và các gia đình trong làng bắt đầu lần lượt mang lễ ra để dâng tế
Vua Hùng, Thánh Tản Viên và Thành hoàng họ Lý, tỏ lòng biết ơn và cầu mong
trong năm mưa thuận gió hòa, gia đình bình yên vô sự. Lễ vật gồm có bánh giầy,
chè kho, đó là hai lễ vật được coi là đặc sản hạ Bì, không thể thiếu trong mọi
ngày lễ.
Lễ tế được nhân dân tổ chức trang nghiêm, trọng thể.
Vào đúng giờ hoàng đạo, đội nghi lễ khởi sự. Trong giây phút
thiêng giữa không gian thiêng, ông Chủ tế đọc chiếu sắc và chúc văn tế Đức Vua
Hùng thứ 17 cùng Thánh Tản Viên và văn tế đức Bản Thổ Thành hoàng làng. Đây là
những giây phút linh thiêng nhất, và cũng phải vào thời điểm này, chiếu sắc mới
được mở ra, còn bình thường luôn được giữ kín suốt năm.
Buổi tế lễ bắt đầu bằng 3 hồi chiêng và 3 hồi trống liên tục,
rồi tiếp sau đó mỗi người lại đánh thêm 3 tiếng nữa, ban nhạc lễ hội nổi nhạc,
không khí lúc này thật thành kính và trang nghiêm. Kết thúc buổi lễ, Ban quản
lý di tích cùng dân chúng trong thôn và khách mời tổ chức liên hoan thụ lộc
ngay tại sân đình. Chiều ngày mùng 8, ông chủ từ thay mặt mọi người làm lễ tế
thánh, báo công đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp kết thúc 1 mùa lễ hội
vui tươi náo nhiệt để bước vào một năm mới đầy ước vọng.
Song hành với diễn trình 2 ngày dâng lễ và tế Thánh trong
khuôn viên của đình, Ban quản lý di tích triển khai tổ chức các trò chơi dân
gian và giao lưu văn nghệ, được sắp xếp một cách hợp lý, tăng thêm phần vui nhộn
của lễ hội. Ngay từ ngày mùng 6 cho đến hết ngày mùng 7, nhiều hoạt động sôi nổi,
phong phú, đã diễn ra, thu hút đông đảo dân chúng trong thôn tham gia. Tối mùng
6, Ban tổ chức lễ hội tổ chức giao lưu văn nghệ như hát ca trù, chầu văn, quan
họ, đặc biệt là chương trình văn nghệ của Câu lạc bộ hát Xoan làng Hạ Bì Hạ,
thu hút đông đảo người dân quanh vùng đến thưởng thức.
Dọc theo triền đê sông Đà và quanh không gian văn hóa cờ hội
rợp trời của làng, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đã diễn ra, như: Nấu cơm
thi, tổ tôm điếm, cờ tướng, cờ người, bịt mắt bắt vịt… để tăng thêm phần sôi động
của lễ hội.
Trò nấu cơm thi tái hiện lại hình thức vừa đi vừa nấu cơm
cho binh sĩ kịp ăn trước giờ ra trận thời các vua Hùng
Đến với lễ hội đình làng Hạ Bì Hạ, trò nấu cơm thi không chỉ
là một hình thức vui chơi giải trí trong dịp lễ hội mà nó còn lưu giữ những nét
đẹp của truyền thống cha ông xưa, đó là sự nhanh nhẹn khéo léo, mang biểu tượng
của hình thức vừa đi vừa nấu cơm nhanh cho binh sĩ kịp ăn trước giờ ra trận thời
các vua Hùng.
Đồng thời, nấu cơm thi còn là một trò diễn nhằm thể hiện
lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp
quan trọng bậc nhất do chính tay người nông dân làm ra. Bên cạnh trò nấu cơm
thi, người Hạ Bì còn tổ chức trò chơi bịt mắt bắt vịt, tạo nên không khí hội
náo nhiệt, giúp người dân quên đi những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật.
Trò chơi bịt mắt bắt vịt tạo nên không khí náo nhiệt của lễ
hội
Hòa với không khí sôi động của ngày hội, các bậc cao niên Hạ
Bì Hạ còn phục dựng truyền thống đánh cờ người và tổ tôm điếm, những hình thức
vui chơi vừa trí tuệ, vừa tao nhã vốn đã có từ nhiều năm qua trên mảnh đất này.
Trong nhiều năm qua, bằng những hình thức xã hội hóa, tổ chức
phục dựng, tôn tạo hàng loạt đình, đền, miếu, tạo nên một không gian văn hóa lễ
hội đặc sắc, gắn với việc thờ phụng Hùng Vương đời thứ 17 cùng các tướng lĩnh
và con gái của vua, người dân làng Hạ Bì Hạ đã chung sức chung lòng gìn giữ một
lễ hội hoành tráng và náo nhiệt cho vùng hạ lưu sông Đà, góp phần bồi đắp thêm
cho hệ thống Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đặc sắc và độc đáo, thể
hiện đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây".
Cũng nhờ đó, người dân làng Hạ Bì Hạ nói riêng, cộng đồng
các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói chung đã có công sáng tạo, gìn giữ và bảo vệ được
nguồn di sản văn hóa quý báu của quê hương đất Tổ, làm đa dạng và phong phú
thêm truyền thống văn hóa mang cốt cách và bản sắc văn hóa Việt trong tiến
trình lịch sử. Điều đó càng đặc biệt giá trị khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại./.
Quách Thị Sinh (Sở VHTTDL Phú Thọ)
Nguồn: Cồng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ