Đình Hả, thôn Đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương triều đại Hùng vương. Đình là di tích lịch sử quan trọng, dấu ấn hào hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Theo truyền thuyết thì đình, chùa Hả được xây dựng vào thời
Lê - Nguyễn thế kỷ XVII. Kiến trúc của đình xưa gồm một toà tiền đình 3 gian 2
trái, nằm sát đường lớn, tiếp đến sân đình rộng, có tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5
gian đối diện với nhau, tiếp đến toà đại đình 5 gian 2 dĩ và một hậu cung 3
gian. Đặt bài vị và ngai thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh.
Phần kiến trúc các vì kèo theo lối cốn, kẻ, bẩy, con chồng.
Phần trang trí chạm khắc tinh tế, theo các đề tài hoa lá, tiên múa. Tuy nhiên,
ngôi cũ đã bị tổn hại vào tháng 10 năm 1885 khi Pháp đánh lên Yên Thế.
Để trả thù nhân dân làng Hả và nghĩa quân Yên Thế anh hùng,
giặc Pháp đã xua quân tàn phá xóm làng trong đó có đình, chùa Hả đem về xây dựng
đồn bốt. Ngôi đình hiện hữu được chính Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân khởi dựng lại
vào dịp tạm hòa hoãn với giặc Pháp...
Ngược dòng lịch sử....Trước sự bạc nhược của triều đình nhà
Nguyễn, ngày 12/3/1884, thực dân Pháp chiếm thành Bắc Ninh. Ngày 15.3 chúng đánh chiếm
Phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang ngày nay), sau đó tiến đánh thành Tỉnh Đạo
nay thuộc xã Quang Tiến, huyện Tân Yên. Thành Tỉnh Đạo thất thủ, ngày 16/3/1884
quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Briedelinde tiến đánh Thái Nguyên.
Khi quân giặc đến Đức Lân, xã Tân Đức, Phú Bình, Thái Nguyên,
Lương Văn Nắm và các nghĩa binh của ông chặn đánh quyết liệt khiến giặc phải bỏ
chạy. Sau trận đánh này, Lương Văn Nắm và các nghĩa binh cũng lui về Đình Hả,
xã Tân Trung ăn mừng chiến thắng và chính thức làm lễ tế cờ phát động phong
trào khởi nghĩa Yên Thế.
Từ đây, ngày 16/3 được lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận là
ngày khởi đầu phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Lương Văn Nắm, vị thủ
lĩnh suất sắc và cũng là vị thủ lĩnh đầu tiên của Khởi nghĩa Yên Thế, quê hương
ở làng Gia, xã Tân Trung. Tại đình làng Hả, dư âm của Lễ Tế cờ âm hưởng dường
như vẫn còn đây đó.
Trong không khí linh thiêng, rợp trời cờ nghĩa, trong hương
lửa ngạt ngào, giữa tiếng súng thần công ầm vang rừng núi, Đề Nắm, Thống Luận,
Đề Truật, Cai Ba Biều và toàn thể các tướng lĩnh nghĩa quân đã tuốt kiếm, thề
nêu cao chí khí tổ tiên, quyết hy sinh chiến đấu chống giặc giữ quê hương.
Lời thề thiêng liêng đó được hàng ngàn nghĩa binh và nhân
dân dự lễ hưởng ứng nhiệt thành. Sự kiện này làm cho đình, chùa Hả trở thành một
di tích lịch sử mở đầu cho phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế, đóng một dấu
son đỏ thắm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIX - XX.
Dưới ngọn cờ nghĩa của Đề Nắm, nông dân Yên Thế đã sát cánh
kề vai, chính thức bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh gian khổ
nhưng vô cùng oanh liệt. Với Đề Nắm, kể từ khi tế cờ khởi nghĩa cho đến lúc hy
sinh, ông đã chỉ huy quân dân Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp do các tướng
GoĐanh, VoaRong, Priedelinle chỉ huy khiến chúng phải khiếp vía kinh hồn, phải
cúi đầu thừa nhận rằng: “Đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện
quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông".
Trước những tổn thất to lớn của mình, thực dân Pháp cũng phải
công nhận rằng "Quân của Đề Nắm không mạnh như những toán quân của Lưu Kỳ,
nhưng lại là những người An Nam gan góc chống cự quân Pháp rất ngoan cường”.
Gần 10 năm kể từ trận Đức Lân thắng lợi, Đề Nắm bị sát hại.
Đề Thám lên thay, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc Pháp. Đình Hả vẫn là
nơi Đề Thám và nghĩa quân đi về. Tranh thủ thời gian tạm hòa hoãn lần thứ 2 với
thực dân Pháp (1897-1909) Hoàng Hoa Thám đã cho xây dựng lại ngôi đình.
Đình được xây dựng trên nền cũ, nhìn hướng tây nam. Bố cục
theo lối kiến trúc hình chữ đinh, gồm toà tiền tế 3 gian 2 chái, với 4 mái đao
cong và 2 cửa ngoã bên nách có cột đồng trụ. Bờ nóc đình được đắp thẳng ở giữa
có đắp hình chữ nhật trong đề 3 chữ Hán cho biết tên chữ của đình là "Thọ
linh đình".
Xung quanh di tích đình chùa Hả có nhiều cây cổ thụ khiến
khung cảnh ngôi Đình vừa trang nghiêm vừa trầm lắng, khiến du khách cảm nhận được
tiếng vọng hào hùng của lịch sử dân tộc.
Qua sân đình là Đại đình, hai bên là hai tòa nhà Tả hữu vu 5
gian phục vụ cho ngày lễ, ngày đám.
Bộ khung đình bao gồm có 4 vì, mỗi vì 4 cột gỗ lim chắc chắn.
Kết cấu vì kèo thượng chồng giường giá chiêng, hạ cốn, kẻ, bẩy, con chồng. Tất
cả đều được chạm khắc trang trí tinh tế với các đề tài long, ly, quy, phượng và
tùng, cúc, trúc, mai.
Qua ống muống, cửa võng là toà hậu cung 3 gian và dãy nhà tả
vu 5 gian.Trong toà hậu cung có đặt bài vị thờ Thánh Cao Sơn-Quý Minh. Cảm phục
trước khí phách người anh hùng Đề Nắm, ngày khánh thành đình, Đề Thám, cùng dân
làng đã rước bài vị Đề Nắm vào trong khám thờ trong đình và tôn ông là thành hoàng
làng. Sau này người dân địa phương tạc tượng Đề Nắm đặt thờ tại vị trí trang trọng
trong đình theo truyền thống “sinh vi tướng – tử vi thần”. Đình còn lưu đôi câu
đối cổ ca tụng Đề Nắm:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Nghĩa là:
Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh
Tấm lòng trung của người anh hùng Lương Văn Nắm (Đề Nắm) được
muôn đời sau ghi nhận.
Hàng năm,vào ngày 15, 16 tháng Giêng, tại đình Hả, dân làng
tổ chức lễ hội thật trang nghiêm, long trọng để tưởng nhớ công lao to lớn của vị
tướng tài áo vải Lương Văn Nắm.
Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước sách cùng các trò chơi
dân gian độc đáo và những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian phong phú, thu
hút dân ở khắp các vùng nô nức kéo đến dự hội đông vui chật cả khu đình chùa và
rừng cây xung quanh.
Hội làng Hả là một trong 4 lễ hội lớn nổi tiếng của huyện
Tân Yên. Không chỉ có vậy, Lễ hội 16/3 hàng năm tại Phồn Xương, Yên Thế vẫn
luôn dành cho Di tích đình Hả một vị trí trang trọng. Có năm, ở khu vực đình Hả,
huyện Tân Yên cho mời đội kỳ lân sư tử của xã Phúc Hoà trống dong cờ mở tới múa
thờ ở đình. Lại cho tập trung cả trăm con ngựa với các trai trẻ Tân Yên đóng
làm nghĩa binh cụ Đề đến đình từ sớm 16/3 dự lễ khai mạc.
Trong lễ khai mạc này, không khí thật hào hùng, hoành tráng,
bài diễn văn ngắn gọn mà thôi thúc lòng người như tinh thần khởi nghĩa Yên Thế
bất diệt. Tế xong, xe ngựa sẵn sàng chở đội kỳ lân tung cờ, đánh trống vừa ngồi
trên xe ngựa vừa chạy, vừa múa. Cả trăm con ngựa được lệnh nối nhau tiến vào
trung tâm lễ hội Phồn Xương.
Từ đình Hả đến Phồn Xương, đường làng ven đồi, ven những luỹ
tre. Các trai Cầu Vồng mặc quần áo nâu, đầu và bụng chít khăn đỏ, người cầm
cung, cầm giáo, cầm kiếm, người cầm súng, cầm cờ thúc ngựa tiến bước. Vó câu nhịp
nhàng, trống giục thùm thùm, bụi hồng mờ mịt. Khí thế ngày hội tưng bừng. Dân
háo hức, rầm rập chạy theo, kẻ trước người sau, không khí tưng bừng náo nhiệt.
Ngày 10/3/1994 di tích đình chùa Hả được Bộ Văn hóa – Thông tin
công nhận di tích Lịch sử Văn hóa. Ngày 10/5/2012 Di tích đình chùa Hả là một
trong 23 điểm nằm trong hệ thống: Những điểm di tích Khởi nghĩa Yên Thế của tỉnh
Bắc Giang vinh dự được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Mới đây huyện Tân Yên đã xây dựng Đền thờ Lương văn Nắm và nghĩa quân Yên Thế
ngay cạnh đình chùa Hả.
Trên 100 năm trước, người dân làng Hả luôn nhắc lại câu thơ
của tiền nhân để ghi nhận công đức và lòng dũng cảm của anh hùng dân tộc Lương
Văn Nắm:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh