Đình Hạ thôn, thờ phụng thành hoàng làng, thừa tướng Lữ Gia thời Triệu có công phù tá nhà Triệu chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc, thờ hậu thành hoàng là Nguyễn tướng công Duệ Hậu và phu nhân Đào Thị Quý là hậu phật.
Nhắc tới Ninh Hiệp, người dân cả nước đều ngưỡng vọng, ngợi
ca bởi Ninh Hiệp là một vùng quê nổi danh trong lịch sử.
Làng có tên nôm là làng Nành – một làng giàu truyền thống của
vùng Kinh Bắc xưa. Từ một cộng đồng dân cư gốc, theo thời gian, làng Nành ngày
càng được mở rộng và phát triển thành ba thôn: Thượng, Trung, Hạ. Lịch sử vùng
quê Ninh Hiệp và những người con ưu tú của làng được in đậm trong các di tích lịch
sử văn hóa hiện còn.
Đình làng, ngoài chức năng là trung tâm thực thi các hoạt động
chung còn là nơi tập hợp tinh thần của cộng đồng dân cư thông qua việc tôn thờ
thần hoàng làng. Đình Hạ Thôn là một di tích cộng đồng ra đời sau khi làng gốc
phát triển thành những thôn độc lập.
Hiện nay đình thuộc xóm 6, xã Ninh Hiệp. Đình Hạ Thôn là tên
gọi theo địa danh cũ của làng. Ngoài ra đình còn được gọi là đình xóm 6 để phân
biệt với đình Ninh Giang ở xóm 8.
Trước đây, 3 thôn Thượng, Trung, Hạ có một ngôi đình chung.
Đình Hạ thôn được xây dựng vào năm 1685 trên cơ sở nhường lại quyền sử dụng
ngôi đình chung cho 2 thôn khác.
Thời điểm tách đình được ghi lại trên tấm bia “ Hậu thần bia
ký” niên hiệu Chính Hoà lục niên (1685). Thời gian này Hạ Thôn có nhân vật Nguyễn
tướng công Duệ Hậu, thuỵ là Lương Giản làm quan tới chức Đặc tiến phụ quốc thượng
tướng quân đề đốc thần vũ Tứ vệ quân sự vụ, gia tặng hữu Đô đốc, tước vịnh công
quốc đã có nhiều công đức với dân làng trong việc dựng đình. Bia ghi rõ “ ông để
lại công lao với nước, ân đức với dân, bỏ nhiều tiền của dựng hoa đình, kiến
dân lành ơn nhờ phúc lớn.
Dân đã tôn ngài làm thám đốc và hậu thành hoàng, đồng thời
còn lập chính phu nhân Đào Thị Quý là hậu phật để cúng oản quả. ông bà cũng
thêm 200 quan tiền cổ, 7 mẫu ruộng lại có công đánh giặc nơi xã, quét sạch sào
huyệt giặc, lại tha cho binh lính ở lại làm ăn, đời đời đội ơn, chốn chốn nương
nhờ, nay thôn ta nhường đình cho 2 thôn Thượng và Trung, bản tộc lại bàn để xây
ngôi đình miếu hoàn hảo”.
Về sau đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Điều đó lý giải
sự tồn lại của hai phong cách kiến trúc nghệ thuật Lê và Nguyễn trên ngôi đình
hiện nay.
Đình Hạ thôn thờ thần Lữ Gia – một nhân vật lịch sử thời Triệu.
Công tích và sự nghiệp của thần Lữ Gia được ghi lại trong cuốn Ngọc phả còn lưu
giữ tại đình do Hàn Lâm viện – đông các Đại học sỹ Lê Tung phụng soạn từ bản
chính vào niên hiệu Hồng Đức nguyên niên(1470) và do Bộ Lại chép lại theo bản
cũ từ niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740), và cuối cùng do bản thôn chép lại
theo bản cũ vào triều Khải Định năm thứ 4 (1919).
Tương truyền rằng: Lữ
Gia là thừa tướng thiên tư cao lớn, học lực tinh thông, có tài võ nghệ, thường
cầm một thanh sào dài, có sức mạnh muôn người không địch nổi.
Một hôm, người cắt quân đi qua đất khu Hạ, trang Phù Ninh,
huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn nay là Ninh Hiệp, thấy nơi đây có thế đất đẹp, sông
núi bao quanh, rồng hổ chầu về, núi không cao nhưng cát quyện, sông không sâu
mà hữu tình, địa thế thoáng đạt.
Ngài liền cùng quân sĩ dựng một ngôi nhà để làm chỗ dạy dân
theo lễ nghĩa. Được một năm dân chúng đều kính ngài, trở thành dân có lễ nghĩa,
văn võ cũng thông. Rồi cố lãi gia thần tâu rằng: Lấy uy đức mà thu phục dân thì
an cư lạc nghiệp, xin giành ngôi nhà này làm nhà học, sau này làm nơi thờ cúng
kính thỉnh hiệu duệ của ngài. Ngài đáp rằng: “Trang các ngươi có hậu với ta,
thì coi trọng di mệnh của ta, muôn vàn năm sau, phụng thờ nhất vị húy hiệu Lữ
Gia”.
Rồi ngài ban cho cỗ lãi gia thần 10 hốt bạc để ngày sau mua
ruộng ao dùng vào việc thờ cúng. Sau khi ông hóa nhân dân nhiều nơi lập miếu phụng
thờ. Lại nói từ đó về sau đều tỏ rõ linh ứng nên được nhiều bậc đế vương phong
mỹ tự, cho phép khu Hạ trang, Phù Ninh phụng thờ.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB KHXH 1972- T1) ở “ Kỷ nhà
Triệu” cũng ghi chép về công tích của thần Lữ Gia. Thần phả và ghi chép trong
chính sử đều trùng khớp nhau ở tinh thần yêu nước, không khuất phục ngoại bang
phương Bắc.
Chính tinh thần này đã tôn vinh nhân vật Lữ Gia trong quan
niệm của nhân dân. Lữ Gia được làm thành hoàng làng ở nhiều làng, các vương triều
quân chủ luôn ban tặng sắc phong.
Ngoài thần hoàng Lữ
Gia, đình Hạ Thôn còn phụng thờ một nhân vật lịch sử của thời Lê Trung Hưng làm
hậu thần. Sự hiện diện của á Thánh họ Nguyễn được bắt đầu từ năm Chính Hoà thứ
6 khi ông đóng góp vào việc xây dựng ngôi đình riêng của thôn. Việc thờ thần được
biểu hiện qua việc kiêng tên húy của thần trong ngôn ngữ hàng ngày của làng, kỷ
niệm ngày sinh, ngày hóa và các dịp lễ tết thường niên.
Đình Hạ Thôn toạ lạc trên một khu đất rộng ở trung tâm khu vực
cư trú của dân làng. Trước mặt là một sân rộng, bên phải là nhà hữu mạc, bên
trái giáp đường làng. Khu đình chính chiếm vị trí trung tâm. Đình chính có quy
mô kiến trúc vừa phải, hình chữ đinh, bao gồm đại đình và hậu cung.
Đại đình làm theo kiểu nhà cổ. Hai bên mái đình được làm
thành hai lớp mái nhỏ Hai bờ nóc thể hiện hai con kìm hướng mặt vào nhau, miệng
ngậm bờ nóc. Phần giáp mái hiên đắp hai con phượng, thân được gắn với những mảnh
sứ lam. Vượt khỏi tường hồi phía trước khoảng 70 cm là hai cột trụ biểu, có mặt
cắt ngang hình vuông, bốn ô lồng trang trí tứ linh, tứ quý, thân đắp câu đối, đỉnh
gắn hoa sen. Dưới mái đình phía trước chính gian giữa là bộ bức bàn bằng gỗ.
Qua cửa bức bàn là tới không gian bên trong với nội thất được
chia làm năm gian, hai chái. Mái của kiến trúc bố trí theo mặt bằng thượng tứ –
hạ ngũ. Sáu bộ vì tạo thành bộ khung nhà được kết cấu thành ba dạng khác nhau.
Các cột đình có cấu trúc vừa phải, được tạo tác theo kiểu hình đòng đòng, đặt
bên trên những tảng đá kê chân cột hình vuông.
Hậu cung nối liền với nhà đại đình, kéo ra theo hình chuôi vồ,
gốm bốn bộ vì với bốn hàng chân khoảng cách không đều nhau tạo cho phía trước
khoảng không gian rộng trước khi đi vào cung cấm. Ngăn cách giữa khoảng hiên rộng
phía ngoài là hệ thống cửa gỗ. Bên trong xây bệ gạch cao đặt long ngai, bài vị
thờ thành hoàng làng ở gian giữa, hai gian bên thờ hậu thần. Mái chuôi vồ làm
theo kiểu tường hồi bít đốc
Kiến trúc khởi dựng cách ngày nay đã được ba thế kỷ, trải
qua năm tháng đình đã được tu sửa ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn giữ được diện mạo
kiến trúc xưa. Nếu nhìn ở ngoại diện – trước mặt của di tích ta nhận thấy nếp
nhà này mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX.
Tiếp cận phía hai hồi nhà thì hai lớp mái nhỏ là đặc trưng
kiến trúc của thời Lê Trung Hưng. Đặc biệt nội thất của đình con giữ lại được
khá nhiều tác phẩm điêu khắc, trang trí mang phong cách của ngày khởi dựng năm
Chính Hoà thứ 6(1685) dưới triều Lê.
Riêng ở toà đại đình có hai bức cốn với bốn mặt trang trí,
hai bộ vì có kết cấu đậm đặc các hoạ tiết trang trí, bốn đầu dư chạm hình đầu rồng
và một số bẩy hiên, cốn hiên. Đặc biệt là các bức chạm khắc trong di tích có
giá trị điêu khắc nghệ thuật kiến trúc cao bao gồm các bức cốn nách, các bộ vì
hồi được trang trí rất công phu tỉ mỉ, đạt tới độ tinh xảo.
Đề tài được thể hiện trong các mảng trang trí của đình rất
phong phú với tứ linh, tứ quý, văn thực vật, nghê, thú, đao mác. Các họa tiết
được trang trí vừa uyển chuyển, tinh tế vừa rắn rỏi với những đường chạm lúc
nông, lúc sâu bố cục luôn thay đổi khiến cho mảng trang trí nào cũng trở nên mới
lạ, hấp dẫn.
Mặc dù quy mô kiến trúc của đình Hạ Thôn không bề thế như
nhiều ngôi đình cùng thời khác, song di tích vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng
trong kiến trúc đình làng Việt Nam.
Ngôi đình vẫn bảo lưu nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính của kiến
trúc ban đầu. Hai tầng mái hồi của đình Hạ Thôn ít ngôi đình thời Lê ngày còn
giữ được. Trên hai bộ vì hồi của thời Lê, kết cấu chồng giường và các mảng chạm
rồng, mây, thú mang đậm chất dân gian cho thấy lối kiến trúc cuối thế kỷ XVII.
Các vì gian giữa mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn
vẫn hoà nhập với kiến trúc chung của đình. Các mảng chạm được bố cục dàn trải
và được thể hiện bằng những nét mạch lạc, tinh tế tạo thành những bức tranh
sinh động. Sự phong phú về đề tài trên mảng trang trí Lê và Nguyễn của đình
cũng phần nào cho thấy thế giới quan, ước vọng của người nông dân trong xã hội
đương thời.
Bộ di vật văn hoá lịch sử đình Hạ Thôn rất phong phú, đa dạng
và mang giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật cao có niên đại trải dài từ thời Lê
đến thời Nguyễn. Các hiện vật như ba tấm bia đá, bẩy đạo sắc phong, hương án,
long đình, ngai thờ… là những cổ vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hoá Việt
Nam.
Đình Hạ Thôn cũng như bao ngôi đình khác ở đồng bằng Bắc Bộ
là hình ảnh quen thuộc của “làng quê xóm cũ”, là điểm tập kết của tinh thần
làng mạc muôn thuở, là biểu tượng về mọi mặt của cuộc sống làng xã. Hàng năm
nhân dân Hạ Thôn vẫn thường tổ chức lễ hội vào ngày sinh, ngày hoá của thánh là
ngày 10/2 và ngày 11/2 âm lịch.
Lệ chính dân làng bày lễ gồm cỗ chung, tế tam sinh, bánh
trưng, bành dày, ca xướng và các trò chơi thượng võ. Ngoài lễ hội riêng của làng
còn có hội chung của đình trong xã gọi là Hội Tổng. Trong ngày hội những nghi
thức thường thấy còn có trò chơi truyền thống “nâng cây phan”. Tất cả những
chàng trai khoẻ mạnh trong làng cùng nâng 1 phiến đá trơn trên có 100 cây tre.
Nếu trong ngày hội cây phan được nâng cao, cờ lệnh bay đẹp thì năm ấy làng gặp
nhiều điều lành.
Đình Hạ Thôn đã được
Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 27/
9/1997. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hoá của địa phương, đình Hạ Thôn
là một trong những di tích tiêu biểu cần được bảo tồn cùng với làng cổ Ninh Hiệp.