Đình Hà Vĩ thuộc thôn Hà Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội thờ phụng 5 vị tướng có công phò vua giúp nước ở các giai đoạn lịch sử khác nhau là Thuỷ Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng ở đời Hai Bà Trưng; thánh Tam Giang dưới đời Triệu Việt Vương; Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng ở cuối đời Lý đầu đời Trần.
Làng Hà Vỹ , Xã Liên Hà, Huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội (
xưa là Hà Hào, tục gọi là Quậy) được hình thành cách ngày nay hơn 2 200 năm do
những người dân bản địa ở ngõ Nguyên Hương cùng với dân Cổ Loa xưa (sau có tên
nôm là Chạ Chủ) di chuyển về lập ra.. Việc lập làng có liên quan đến sự tích
xây đắp thành Cổ Loa, đến Vua Thục Phán dựng Kinh đô.
Khoảng năm 208 trước công nguyên (TCN), sau khi đánh thắng
50 vạn quân Tần xâm lược, Thục Phán lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương đã
chuyển Kinh đô Văn Lang từ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ) xuống Phong Khê rồi
chọn Cổ Loa (Đông Anh) làm Kinh đô mới.
Theo lệnh của Vua, dân Cổ Loa ngày ấy đã phải bỏ quê cha đất
tổ, xuống vùng đất trũng ở phía Đông - Bắc Cổ Loa (bên ngoài dưới chân vòng
thành thứ 3 ). Cùng với dân gốc ở ngõ Nguyên Hương lập trang trại Hà Hào – sau
gọi là Hà Vỹ. Đó là sự hy sinh cao cả của người dân Cổ Loa ngày ấy cũng là Tổ
tiên của làng Quậy ngày nay
Để có đất xây dựng Hoàng cung và đắp Loa thành, nhà Vua đã
ra lệnh cho dân sở tại phải dời đi nơi khác ở. Dân không muốn đi nhưng vẫn phải
tuân theo “phép nước” nên đã tâu với Vua: “Cứ cho dân chúng tôi xuống khu đất
trũng kia ở, dù khổ mấy cũng cam lòng".
Do thái độ “ấm ức” của dân khi tâu, Vua bảo “Đó là dân Cả Quẫy”
và chấp nhận cho họ đến nơi đất trũng ở phía Đông - Bắc Cổ Loa cùng với dân bản
địa ở ngõ Nguyên Hương lập trang trại Hà Hào. Từ lời nói của Vua nên dân quanh
vùng gọi trang Hà Hào là “Cả Quẫy”, dần lâu ngày gọi chệch ra là Quậy.
Vì dân Quậy là người gốc Cổ Loa xưa, nên hàng năm vào ngày mồng
Sáu tháng Giêng, ngày lễ đăng quang đức Vua An Dương Vương, nhân dân Cổ Loa mở
hội bao giờ cũng mời "Anh Cả Quậy" về để khấn Vua và được làm lễ ở
chiếu trên .
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, người dân Hà Hào - Hà Vỹ vẫn
cần cù chịu khó làm ăn, luôn luôn đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ,
đến nay vẫn tồn tại và ngày càng phát triển .
Đình Làng Hà Vỹ ở thôn Đại Vỹ Xã Liên Hà, Huyện Đông Anh, Hà
Nội hiện thờ năm vị Thánh có công giúp nước cứu dân ( Đó là : Ba vị Thánh thời
hai bà Trưng: Thuỷ Hải, Đăng Giang và Khổng Chúng. Vị Thánh thứ tư : Tam Giang
thời Lý Nam Đế - Triệu Quang Phục - thế kỷ thứ VI. Vị Thánh thứ 5: Đông Hải - đầu
thế kỷ thứ XIII - cuối Lý đầu Trần).
Trên thượng lương của đình còn ghi rõ:
Đình được xây dựng lần đầu vào năm Canh Thìn (1520), trên nền
miếu (hoặc đền) xưa (1), sửa chữa năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744), và làm lại to, rộng
hơn vào niên hiệu Thành Thái thứ 12 năm Canh Tý (1900) (2)
Kiến trúc ngôi đình Hà Vỹ theo bố cục chữ công (工) bề
thế to lớn uy nghi. Toà đại đình có bẩy gian hai dĩ (đình cũ có năm gian hai
dĩ) với chiều dài cả hiên là 29,7 m, rộng 14,5 m, cao hơn 6,5 m với tổng diện
tích là 432 m2..
Hậu cung có chiều dài 10,8 m, rộng 7,5 m, gồm ba gian. Diện
tích sử dụng là 81 m2. Các gian của đình bố trí không đều nhau: Gian giữa rộng
4 m, gian cạnh 3,4 m và 3 m, cân xứng sang hai bên, dĩ 1,85m và hiên 1,2 m. Vì
kèo của toà đại đình được thiết kế theo kiểu tứ trụ, kẻ chồng, cốn đội hoành, một
kiến trúc chắc khoẻ với kết cấu lục hàng châu.
Hệ thống các cột của đình khá lớn và bố trí không đều, cột
cái to nhất với đường kính 0,85m và các cột con đường kính từ 0,65 đến 0,75m.
Các chân cột đều có tảng đá kê khít với chân và làm chìm xuống nền đình.
Xung quanh làm hiên thoáng, trên làm đao cong, dưới thả kẻ tạo
sự cân bằng và vững chắc cho ngôi đình.
Mái đình do độ cong của bốn đao, bốn góc và trang trí nổi
"lưỡng Long quán Nhật" trên bờ nóc, cho ta cảm thấy như chiếc thuyền
rồng, phần mái của hậu cung trổ cao thoáng, cân xứng với toà đại đình phía trước.
Nghệ thuật điêu khắc trong đình được sử dụng trang trí chủ yếu
trên các bức cốn và đầu dư. Cốn mặt tiền gian giữa được chạm bằng “rồng phun nước”,
mặt bên chạm “phượng vờn mây”; Các cốn hậu gian giữa chạm trang trí với nhiều
hoa tiết đẹp mắt. Các đầu dư đều chạm lồng các hình đầu rồng với nhiều vẻ nhiều
kiểu dạng, thể hiện tài nghệ kiến trúc chạm khắc: Hoa, xoắn rau trơn... Hai đầu
kẻ gian giữa chạm lân hoá, các tầu được chạm nổi lên.
Trước giường hành trong cung được chạm nổi lên bức "Thiều
châu trương nhĩ", chạm nổi "lưỡng Long chầu Nguyệt" sơn son thiếp
vàng.
Hai diềm dọc theo cột hậu chạm "Rồng phun nước",
ngoài cửa vào cung cấm cũng là một bức "Thiều châu trương nhĩ". Chạm
"lưỡng Long chầu Nguyệt", diềm hai bên chạm "Rồng phun nước",
trên bức "thiều châu" là cốn chạm "Nạ đội nóc", hai bên cửa
cấm có cốn chạm "Rồng ngậm hoành", dưới cốn cửa cấm là bức gỗ chạm
"Lan đằng", chính giữa chạm nổi thiếp vàng ba chữ: " Tối linh từ
".
Hai bên cửa vào cung đều chạm rồng hoá, chân đạp long mã và
chạm "tứ quí" trên một khung gỗ. Gian chính giữa được bưng kín với
màn giếng sơn son. Các góc và cạnh đều trang trí các hình hoa, hài hoà và trang
nhã.
Đặc biệt cửa võng của đình Hà Vỹ làm rất kỳ công, được sơn
son thiếp vàng miêu tả "tứ linh, tứ quí", các hình khắc sống động
hiên chuyết lấy nhau. Ngoài hệ "tứ linh, tứ quí", cửa võng còn có chạm
"Lan đằng", hoa lá, long mã. Trên cửa võng chạm nổi bốn chữ “Thánh
cung vạn tuế”
Sân đình rất rộng (khoảng 450 m2) xây toàn bằng gạch vuông
to do làng Bát Tràng sản xuất, hai bên sân có trồng hai cây bàng (nay vẫn còn)
trước sân là ao đình có bờ xây gạch, sát bờ là bệ vàng dùng để đốt vàng mã hoá
chân hương, hai góc sân có bến rửa chân (ao đình đã lấp cùng với ao cổng Sứ để
làm chợ Quậy như ngày nay).
Cạnh đình trước đây còn có Văn Chỉ nơi thờ đức Khổng Tử do
các nho sĩ Hà Vỹ xây dựng.
Đình Hà Vỹ hiện nay còn lưu giữ được nhiều đồ thờ quí làm bằng
gỗ, sứ và đồng đặt ở các ban thờ trong đình
Trong cửa cấm (hậu cung) có :
- Trên ban thờ có 5 long ngai bằng gỗ, tay đầu rồng sơn son
thiếp vàng, biểu tượng cho chỗ ngồi của 5 vị thần, trước mỗi ngai là một hòm sắc
phong của các triều Vua trước đây.
Hiện nay ở đình còn lưu được 42 đạo sắc phong của 10 triều đại
Vua nước ta phong tặng 15 lần cho các Thánh ở đình. Đạo sớm nhất vào năm Cảnh
Hưng thứ 44 (1783), đạo gần đây nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924) (xem phụ lục
1- chỉ lấy 10/42 sắc phong, tác giả đã phiên âm và phỏng dịch)
- Thần tích: 2 quyển - làm năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), sao lại
năm Thành Thái thứ 19 (1907) và các tài liệu như hương ước, mục lục …
- Sập hội đồng hình chữ nhật kích thước: 2m x 1,8m x 0,55m,
chân quỳ, chiện, bốn mặt chạm dạ cá, mặt sập 4 góc bao lan hình chiện.
- Một số đồ thờ: Mâm bồng bằng đồng, mâm bồng bằng gỗ hình
vuông, hình tròn, sơn son thiếp vàng, chân quỳ dạ cá, choé sứ, lục bình, đài nến,
hạc đồng, nồi hương v.v..
- Bàn thờ bệ hạ có mâm bồng bằng gỗ hình bầu dục, mâm bồng bằng
đồng, nồi hương.
- Hoành phi trong hậu cung ghi bốn chữ: "Ngũ nhạc giáng
thần"
Ngoài cửa cấm có:
- Sập hội đồng chân quỳ bằng gỗ hình chữ nhật có cổ chạm lan
đằng dạ cá, chân quỳ;
- Giá gỗ sơn son thiếp vàng có 9 thanh kiếm gỗ liền bao cũng
sơn son thiếp vàng
- Hương án đặt chính giữa dưới cửa võng được sơn son thiếp
vàng có kích thước lớn: 2,3 m x 1,11m x 2m, chạm trổ bốn mặt công phu, trên mặt
bốn góc có 4 bao lan chạm lưỡng long, ô cổ chạm cúc, trúc, thông, mai tiếp đến
là rồng chầu nạ. Hai bên là nạ đội bệ, xà dưới bệ chạm chiện lá, ô giữa chạm rồng
chầu nguyệt, qui vờn mây, bộ tứ linh và chạm nạ, các ô bên chạm long mã, phượng
lân hý cầu, hai bên chạm thất sự, ô giữa chạm rồng quấn, hai bên chạm long, mã
rồi đến các ô cạnh phần dưới chạm trúc mai, nạ đội ô giữa và lèo chạm mây tan.
- Nồi hương sành da lươn lớn đặt trên hương án.
- Trước hương án có giá đèn bằng sắt như một cây hoa. Hai
bên là hai con hạc bằng gỗ cao to đứng trên lưng con rùa.
- Hương án có 6 bức hoành phi sơn then chữ vàng.
- Xưa có tới hơn 30 đôi câu đối treo ở các cột đình.
Ở đình làng Hà Vỹ hàng năm thường tổ chức Lễ Hội từ ngày 12
đến ngày 30 tháng Giêng. Theo lệ từ ngày 1 Tết Nguyên đán, cụ thủ Điện làm lễ động
thổ ở đình. Ngày 10 tháng Giêng, các ông chạ làm lễ mộc dục (rửa đồ thờ)
Ngày 12 bắt đầu Lễ Hội, cũng ngày 12 tháng Giêng làng làm lễ
lên lão cho những người đến tuổi 50 theo tuổi mụ.
Từ ngày 13 đến ngày 29, hàng ngày đều có tế lễ với lễ vật được
qui định và phân cho các Giáp phải làm. Trong những ngày đó đều có các chầu hát
(hát chầu văn, ca trù…) phục vụ các cụ bô lão, các vị chức sắc và quan viên của
làng ăn uống tại đình rất tốn kém.
Ngày 30 mãn tịch đóng cửa đình.
Ngoài kỳ hội chính còn có các ngày lễ (theo âm lịch) sau
đây:
- Giỗ các vị Thánh vào các ngày 10 tháng Tư (giỗ Thánh Tam
Giang), 10 tháng Bẩy (giỗ Thuỷ Hải và Đăng Giang), 12 tháng Chín (giỗ Khổng
Chúng) và 10 tháng Một - tháng 11 (giỗ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng)
- Xuân tế và Thu tế vào ngày 13 tháng Hai và tháng Tám tế tại
Văn Chỉ của làng để cầu mong cho làng có nhiều người đỗ đạt
- Thanh minh (mồng 3 tháng Ba) do các Giáp làm, cỗ có xôi và
bánh chay
- Trung thu (rằm tháng Tám) cũng do các Giáp biện lễ như lễ
Xuân tế
Ngày Lễ Hội ở đình Hà Vỹ thường rất vui, ngoài tế lễ hát chầu
văn, ca trù còn có hát tuồng (thường do đoàn tuồng cổ của Châu Phong diễn), chọi
gà, cướp chài, đấu vật… có năm còn đốt pháo bông. Trong những ngày hội hè người
dân thường nghỉ công việc đồng áng mà đi xem hội, nhiều người còn chơi cờ , tổ
tôm, chắn, thò lò, tam cúc… cả làng ăn uống vui chơi thỏa thuê.
Nguồn: Sân Đình