Đình làng Cót được xây lại năm 1832. Tên thường gọi là Hạ Yên Quyết. Đình là nơi thờ phụng Nhị vị thần núi Cao Sơn Đại vương, Quý Minh đại vương thời Hùng vương thứ 18 và vua Lý Phật Tử.
Lược sử
Đầu thế kỷ XIX, làng Yên Quyết thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ
Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; tới năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cắt về phủ
Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Tháng 12-1942 lại thuộc đại lý Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.
Thời kỳ Pháp tạm chiếm có tên gọi bí mật là xã Song Yên. Đầu năm 1956 thuộc xã
Yên Hoà, quận 6, ngoại thành Hà Nội. Đến năm 1961 nửa phố Cầu Giấy cắt về nội
thành, còn lại xã Yên Hoà thuộc huyện Từ Liêm. Cuối thế kỷ XX, xã Yên Hoà trở
thành một phường nội thành thuộc quận Cầu Giấy, rồi hoàn toàn đô thị hoá.
Làng Yên Quyết ở ven bờ tây sông Tô Lịch, gồm 2 thôn Thượng,
Hạ, được gọi chung bằng tên nôm “Kẻ Cót”. Đó là một vùng quê giàu truyền thống
hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót). Nơi đây
đã đóng góp hàng chục tiến sĩ nho học và nhiều hương cống thời Hậu Lê, rồi cử
nhân thời Nguyễn. Đầu cầu Cót hiện có ngôi miếu Chợ (Đông Miếu) cũng là một di
tích văn hóa đã xếp hạng.
Thôn Hạ Yên Quyết nổi tiếng từ xưa bởi nghề vàng mã, còn
thôn Thượng chuyên làm giấy. Đình Hạ Yên Quyết là nơi dân làng thờ làm thành
hoàng các vị thần Cao Sơn, Quý Minh thuộc nhóm “Tản Viên sơn thánh” và phối thờ
vua Lý Phật Tử (mất năm 602). Đình được xây trên một gò đất rộng rãi và cao
ráo, hợp thế phong thủy với 2 ao ở 2 bên. Có câu ca dao địa phương như sau:
Đình làm trên mắt hoàng xà
Có gò con nhái nhảy qua bên ngoài
Đình Hạ Yên Quyết tên nôm là đình Cót, ngoài các sơn thần
Cao Sơn và Quý Minh còn thờ Lý Phật Tử, hiện địa chỉ ở số 34, ngõ 251 phố Nguyễn
Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Năm 1994, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình làng Hạ
Yên Quyết là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia, cùng đợt với ngôi chùa Ngọc
Quán Tự gần đấy vốn có từ trước năm 1642.
Kiến trúc
Khuôn viên đình Hạ Yên Quyết um tùm cây xanh với tường gạch
bao quanh. Đình cũng quay hướng nam như cổng làng đồ sộ ở ngay bên cạnh. Phía
trước và bên hữu đình có ao nước hình chữ nhật cách ly với những nhà dân xây
san sát che hết tầm nhìn. Cổng ngách bên tả mới xây mở ra đường làng và ao nước
thứ ba. Bên hữu cũng có một cổng ngách trong ngõ nhỏ.
Từ đường làng, du khách rẽ trái vào cổng chính thấy ngay bên
phải là một tam quan gồm 2 trụ biểu to nối với 2 bức tường có đắp phù điêu; hai
bên có 2 cửa phụ xây kiểu chồng diêm, mái lợp giả ngói ống. Đi qua tam quan và
sân gạch thứ hai, khách sẽ đến một nghi môn với 5 bậc thềm rồng để bước lên sân
thứ ba cùng với tòa đại đình tọa lạc trên nền cao của đỉnh gò con nhái.
Tòa tiền tế gồm 5 gian cửa bức bàn, bên trong có các bức cốn
mê được trang trí bằng những đề tài quen thuộc như rồng ổ, rồng cuốn thủy, long
ly quy phượng và tùng cúc trúc mai. Bốn đầu dư gian giữa chạm lộng kết hợp chạm
nổi hình rồng, các bẩy hiên thì chạm nổi hình hoa lá.
Tòa tiền tế đình Cót. Ảnh ©2015 NCCong
Tòa trung đường nối liền với đại bái bởi một gian nhỏ đổ trần
bê tông, tiếp theo là 3 gian với hai hàng chân cột, được tập trung trang trí
hình rồng ổ ở trên hai bức cốn phía trong. Hậu cung gồm 3 gian 2 chái chạy
ngang theo kiểu “chữ Công”. Tất cả các mái đình đều lợp ngói ta với đầu đao và
bờ nóc được đắp bằng các đề tài truyền thống.
Di sản
Không ai biết đích xác đình Hạ Yên Quyết có từ khi nào; chỉ
biết đình được xây lại vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Dù ngôi đình gần đây đã
qua đại trùng tu song vẫn bảo lưu dáng dấp nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn.
Hội đình làng diễn ra hàng năm từ ngày 10 đến 15 tháng Hai âm lịch với lễ cúng
tế thần hoàng và các trò vui dân gian. Xưa kia còn có tục nuôi lợn thờ của các
giáp trưởng đăng cai lễ hội.
Theo Cổng thông tin điện tử Quận Cầu Giấy: Đình thờ phụng Đức thánh Cao Sơn Đại vương; Diêm
La Anh Đoán Đại vương; Hoàng Cung Chinh Thục phu nhân; Mộc Đức Tinh Quân
Đại vương và Tràng Hám Anh Linh Đại tướng quân.
Nguồn: Di tích Lịch sử Văn hóa Hà Nội