Thời Tự Đức (1851) giáng sắc chỉ cho 17 làng xã và 5 tổng huyện An Dương, phủ Kinh Môn, Hải Dương (trong đó có làng Hàng Kênh), xây dựng các công trình thờ cúng Ngô Quyền. Đình được xây dựng lại, thờ vua Ngô Quyền đến ngày nay.
Đình Hàng Kênh là ngôi đình thuộc xã Hàng Kênh, huyện An
Dương, nay thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Đình Hàng Kênh khởi đầu thờ thành hoàng làng là danh tướng
Vũ Chí Thắng (1253-1325). Ông là tướng dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương (Trần
Quốc Tuấn, 1228- 1300) đánh quân Nguyên Mông xâm lược.Đất nước thanh bình, ông
trở lại quê hương giúp dân an cư lạc nghiệp. Dân làng tôn ông là “ Phúc Thần”
và lập miếu thờ phụng.
Đến thời Tự Đức (1851) có sắc phong cho 17 làng xã và 5
tổng của huyện An Dương, phủ Kinh Môn, Hải Dương (trong đó có làng Hàng Kênh),
xây dựng các công trình thờ cúng Ngô Quyền (vị vua đầu tiên của nhà Ngô, trị vì
từ năm 939- 944, là vị Tổ Trưng hưng của Việt Nam).
Dân làng Hàng Kênh trùng tu ngôi đền thành nơi thờ cúng Ngô
Quyền. Thành hoàng làng Vũ Chí Thắng được rước về đền Từ Vũ (đền thờ Thánh họ
Vũ), cách đình Hàng Kênh hơn 200m.
Đình Hàng Kênh có tên chữ là “Ðình Nhân Thọ”, được xây dựng
vào năm1719, trên nền của ngôi đền thờ danh tướng Vũ Chí Thắng. Năm 1841, đình
được di dời ra vị trí hiện nay. Năm 1856, đình được xây dựng lại, thờ Ngô Quyền
và có quy mô như ngày nay. Năm 1905, đình được trùng tu. Lần tu bổ gần đây nhất
vào năm 2005.
Tổng mặt bằng đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng 2km về phía Đông,
đình Hàng Kênh được coi là công trình kiến trúc mang đầy đủ dáng dấp và phong
cách nghệ thuật của một ngôi đình cổ Việt Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ
XVII - XVIII, đến năm 1905 được mở rộng như ngày nay. Trong đình còn lưu giữ
nhiều hiện vật quý: văn bia ghi tên tuổi những người của làng đỗ đạt từ 1460 đến
1693.
Đình Hàng Kênh tọa lạc trên một khuôn viện rộng khoảng 6000m2,
có bố cục hướng Tây. Kiến trúc và nghệthuật trang trí của đình mang phong cách
thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Đình gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Sân đình, Đại
đình và các công trình phụ trợ khác như Tả vu, Hữu vu, Văn Từ.
Nghi môn
Phía trước Nghi môn đình Hàng Kênh là ao đình hình bán nguyệt.
Nghi mộn đình Hàng Kênh gồm 3 cổng. Cổng chính được giới hạn bởi 2 trụ biểu. Đỉnh
trụ trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô
trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng.
Hai cổng phụ có mái phía trên với 2 tầng mái, 8 mái. Nghi
môn đình gắn liền với tường bao quanh đình.
Nghi môn đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Sân đình
Sân đình Hàng Kênh rộng, được lát bằng gạch Bát Tràng. Sân không bố trí một trục
đường (thường cao hơn mặt sân) nối từ Nghi môn tới Tiền đường). Xung quanh sân
có hệ thống tường xây thấp, dạng tường hoa.
Hai bên sân là hai tòa Tả vu, Hữu vu, đặt trên bệ nền cao 3
bậc so với mặt sân. Hai tòa có hình dáng giống nhau, gồm 3 gian, 2 chái, đầu hồi
bít đốc, 2 mái; đầu hồi nhô ra hai trụ biểu (tại hàng hiên); 3 gian giữa là cửa
bức bàn, 2 gian phía hồi xây tường có trổ lỗ thoáng hình tròn.
Tả vu và Hữu vu là nơi tiếp khách, chuẩn bị đồ tế lễ, lưu giữ
các hiện vật, hình ảnh truyền thống của đình. Công trình được xây dựng vào cuối
thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Tòa Tả vu tại sân đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Tòa Hữu vu tại sân đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Đại đình
Đại đình có mặt bằng hình chữ “công” hay chữ H, gồm Tiền đường,
Bái đường và Hậu đường.
Tiền đường đặt trên bệ nền cao 3 bậc so với mặt sân, dài
28,99m, rộng 10,25m, cao 8,25m (tính từ chân cột đến thượng lương/dưới xà gồ đỉnh
mái) gồm 7 gian, 2 dĩ, 4 mái; mái lợp ngói mũi hài với đầu đao cong.
Khung chịu lực bằng gỗ lim gồm 42 cột. Cột cái có đường kính
0,6m, cao 5,56m, cột quân có đường kính 0,5m, cao 3,79m, kê trên những chân tảng
đá xanh chạm nổi một bông sen.
Các phía của Tiền đường là hệ thống cửa gỗ lim, chỉ có bốn
góc đình là tường gạch.Bên trong Tiền đường vẫn còn lưu giữ được cấu trúc sàn
kiểu lòng thuyền với sàn hai bên lát ván gỗ lim, cách mặt đất khoảng gần 1m.
Gian giữa lòng thuyền rộng 4,25m, lớn hơn các gian hai
bên.Tiền đường là nơi hội họp của người dân trong làng. Hai bên đầu hồi Tiền đường
là ban thờ “Tam tòa Thánh mẫu” và “Nam Tào, Bắc Đẩu”.
Bái đường (hay Ống muống) là không gian đặt dọc, 3 gian, nối
liền Tiền đường và Hậu đường. Đầu của tòa Bái đường nối với Tiền đường là một bức
cửa võng lớn, được chạm khắc tinh xảo vào thế kỷ 19. Bên trong Bái đường đặt
ban thờ bái vọng vào Hậu đường.
Hậu đường dài 10,25m, rộng 7,6m, cao 8,25m; gồm 3 gian (gian
giữa rộng 4,25m như Tiền đường, hai bên rộng 3m), 4 mái. Bên trong đặt ban thờ
đặt tượng Đức Ngô vương Quyền ngồi trên ngai rồng trong tư thế thiết triều;
phía trước có một chiếc thuyền nhỏ, một khúc gỗ tượng trưng cho hàng cọc cắm
trên sông Bạch Đằng.
Tòa Tiền đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Đầu hồi tòa Tiền đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Kết cấu sàn gỗ tại đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Bên trong tòa Tiền đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Tượng voi và ngựa gỗ tại tòa Tiền đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Không gian tòa Tiền đường phía trước Bái đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Ban thờ vọng Đức Ngô Vương Quyền tại Bái đường, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Ban thờ Đức Ngô Vương Quyền tại Hậu đường, đình Hàng Kênh,
Lê Chân, Hải Phòng
Kiệu rồng của vua Ngô Quyền
Đình Hàng Kênh, Hải Phòng vượt khởi quy mô tính chất của
ngôi đình của làng, mà mang phong cách ngôi đình hàng huyện, hàng tỉnh (phù hợp
với việc thờ thành hoàng làng làNgô Quyền). Vai trò hay tiếng nói của người dân
trong làng thông qua các bức chạm khắc vì thế cũng khác so với các ngôi đình
làng khác.
Đặc biệt tại đây có công trình Văn Từ hay Văn Miếu nằm bên phải
của đình, gồm tòa Tiền tế và Hậu cung.
Hậu cung là nơi thờ Khổng Tử và ban thờ của một số vị Nho học
nổi tiếng như Chu Văn An (1292- 1370, Văn Trinh Công, được đánh giá là ông tổ của
các nhà nho nước Việt); Nguyễn Bỉnh Khiêm (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, 1491- 1585,
trạng nguyên, Trình Quốc Công, nhà tiên tri); Trần Tất Văn (quê Kiến An, Hải
Phòng, 1428 – 1527, Trạng nguyện, Thượng thư); Lê Ích Mộc (quê Thủy Nguyên, Hải
Phòng, 1458- 1583, Trạng nguyên, Tả thị lang).
Trong sân Văn Từ có hai nhà bia ghi tên tuổi của những người
trong huyện An Dương đỗ đạt từ năm 1460- 1693.
Mặt trước tòa Tiền tế của Văn Từ (Văn Miếu) đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Hai nhà bia và Hậu cung tại Văn Từ, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Ban thờ Khổng Tử và các bậc Nho học tại Văn Từ, đình Hàng
Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Nghệ thuật chạm khắc
Đình Hàng Kênh có tới 368 bức chạm khắc(chạm lộng) lớn nhỏ
được ghép thành các mảng lớn trong đình (bên trong 252 bức, bên ngoài 116 bức).
Tương tự như trong các ngôi đình nổi tiếng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, các bức chạm
tại đây được thể hiện trên các thành phần kiến trúc gỗ như đầu dư, xà, bẩy, rường
và trên hệ thống cửa võng.
Các bức chạm có thể phân thành từng lớp với nội dung khác
nhau, hoặc đan xen nhau, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo…Nội dung của các bức
chạm miêu tả chủ yếu về cảnh tự nhiên. Những cảnh sinh hoạt đời thường hạn chế.
Tại đây có vô số các chạm khắc từ các loài Tứ Linh như:
Long, ly, quy, phụng, đến các loài vật gần gũi với người như chim, ngựa…,
Tứ quý, hoa lá hình đao mác dạng lượn sóng hoặc vân xoắn cuộn.
Rồng là linh vật được chạm khắc nhiều với gần 400 con trong
156 bức chạm khắc. Hình tượng chủ yếu: “Đầu rồng”, “Ổ rồng”, “Lưỡng long chầu
nguyệt”…theo phong cách thời Hậu Lê.
Chạm khắc rồng tại đầu bẩy, đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Chạm khắc rồng tại đầu dư, kết cấu mái đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Hai trong số nhiều bức chạm"Ổ rồng"tại đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Hai trong số nhiều bức chạm"Nghê chầu"tại đình
Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng
Ngoài ra, đình Hàng Kênh còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có
giá trị như: tượng thờ Ngô Vương Quyền, tượng phỗng (niên đại cuối thế kỷ 17 đầu
thế kỷ 18, đặt trong Hậu cung), tượng voi và ngựa (niên đại khoảng thế kỷ 19, đặt
tại Tiền đường); sắc phong (từ thời Hậu Lê đến cuối thời Nguyễn), đại tự, án
thư, lư hương, hoành phi, sắc phong, kiệu thờ, cửa võng, chuông đồng, khánh đồng,
voi và ngựa gỗ…
Hàng năm, làng Hàng Kênh có ba lễ hội lớn: lễ rước sắc (23
tháng 12 âm lịch), lễ kỵ (giỗ Ngô Quyền – 16 tháng 2 âm lịch) và lễ kì phước
(chọn 1 trong 5 ngày từ 10 đến 15 tháng 2 âm lịch).
Đình Hàng Kênh, An Dương, Hải Phòng là công trình tiêu biểu
cho kiếntrúc, nghệ thuật đình thế kỷ 18- 19, tại thành phố Hải Phòng, Việt
Nam
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD