Đinh Hạng Lang (chữ Hán: 丁項郎; 975 - 979), là Thái tử nhà Đinh, con trai út của Đinh Tiên Hoàng.
Tiểu sử
Đinh Tiên Hoàng có ba con trai: Đinh Khuông Liễn, Đinh Toàn
và Đinh Hạng Lang. Trong đó con cả Đinh Liễn là người cùng Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp
12 sứ quân, lập nên nhà Đinh. Năm Mậu Thìn (968), khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt
quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, Đinh Liễn được phong làm Nam Việt
Vương.
Tượng thờ phụng Thái tử Đinh Hạng Lang ở Đền vua Đinh Tiên Hoàng, cố đô Hoa Lư
Trong ba con trai của Đinh Bộ Lĩnh, chính sử chỉ ghi chép
hoàng tử Đinh Toàn sinh năm 974 mà không ghi năm sinh của Đinh Liễn và Hạng
Lang, rất có thể do 2 hoàng tử này sinh trước năm 968, tức khi Đinh Bộ Lĩnh
chưa lên ngôi Hoàng đế. Các ý kiến hiện nay cho rằng Hạng Lang là con của hoàng
hậu Hoàng Thị, vốn là phu nhân họ Ngô, mẹ của sứ quân Ngô Nhật Khánh.
Tuy nhiên, đây chỉ là suy đoán vì sử sách không ghi ai là mẹ
của Hạng Lang. Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cho rằng năm 974 là năm sinh của
"Hoàng thứ tử" Toàn, là tiếp nối việc một "Hoàng trưởng tử"
được sinh ra trước đó.
Năm 978, Toàn được phong cùng lúc với "Hạng Lang",
một người được chỉ định kế nghiệp, một người là chức vương phù trợ (Vệ Vương),
tình hình tiến triển như thế chứng tỏ thứ bậc liên tiếp của hai người trong
cùng một hệ phái, đồng thời cũng gián tiếp xác nhận "Hạng Lang" là em
của Vệ Vương Đinh Toàn.
Năm Mậu Dần (978), Đinh Bộ Lĩnh lập Hạng Lang làm Thái tử.
Theo chính sử, lúc ấy Hạng Lang mới lên 4 tuổi. Đinh Liễn quá tức giận vì đã từng
theo cha đánh dẹp 12 sứ quân, lập được nhiều công lớn mà lại không được chọn
nên giết chết Hạng Lang vào mùa xuân năm 979.
Sau đó Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn cùng bị một viên quan là Đỗ
Thích giết chết. Người con trai còn lại của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Toàn lên ngôi.
Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỉ quyển
1:
"Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời,
bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi
nhân thời loạn mà lập Thái Tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con
trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến
mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng,
từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con
trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con.
Còn như Đinh Liễn giết em, nhẫn tâm đến thế thì rõ là thiên đạo và nhân luân đều
mất hết, tức là tự chuốc họa thiệt thân, lại còn liên lụy đến cha nữa, há chẳng
rùng rợn lắm sao? Nếu không như vậy thì tội đại ác của Đỗ Thích vì đâu mà có,
đúng như lời sấm truyền ?"
Đinh Hạng Lang cùng Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn và Đinh Toàn được
thờ ở Đền vua Đinh, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.