Phần 1: Tên gọi của di tích và lịch sử địa phương
Đình Hào Khê nằm ở khu dân cư Hào Khê, phường Kênh Dương, quận
Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đình Hào Khê gắn với tên Làng Hào Khê. Hào Khê
trước kia là một xã thuộc tổng Trực Cát. Tổng Trực Cát gồm các xã: Trực Cát,
Cát Khê, Cát Bi, Đồng Xá, Hào Khê, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương. Vị trí của
xã Hào Khê trước đây nằm ở khu vực gần sông Lạch Tray và là một phần thuộc sân
bay Cát Bi ngày nay. Cuối năm 1950, đầu năm 1951, thực dân Pháp xây dựng sân
bay Cát Bi nhằm phục vụ cho mục đích chiến tranh xâm lược của chúng trên toàn
cõi Đông Dương. Chúng đã ép buộc và bắt nhân dân một số địa phương phải di rời
đi nơi khác. Nhân dân xã Hào Khê nằm trong diện phải ly hương trên. Theo một số
các cụ cao niên của làng Hào Khê kể lại, đầu năm 1951 có khoảng 30 hộ gia đình
của làng Hào Khê di chuyển lên xã Hàng Kênh cùng thuộc huyện Hải An. Họ đã cùng
nhau mua đất tại nơi đây khoảng 24 mẫu để dựng thành một làng mới mang tên cũ của
làng là Hào Khê. Tại làng Hào Khê mới, nhân dân cũng tạo dựng đủ những công
trình văn hoá tín ngưỡng cộng đồng như đình, chùa, từ đường dòng họ và cả khu vực
nghĩa địa để mai táng người đã khuất. Đình Hào Khê được dựng lại ở làng mới vào
năm 1952.
Sau thời kỳ hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, làng Hào
Khê trở thành một thôn mới của xã Dư Hàng Kênh, huyện Hải An Tháng 5 năm 2003
thành một khu dân cư của phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, và đến tháng 4 năm
2007 theo quyết định 54/CP của Thủ tướng chính phủ thì Hào Khê là một khu dân
cư của phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.
Khu dân cư Hào Khê đã phát triển thành khu dân cư lớn nhất của
phường Kênh Dương, hộ khẩu có tới 5000 khẩu, trong khi đó cả phường Kênh Dương
mới có 8000 khẩu. Mặc dù do quá trình đô thị diễn ra mạnh mẽ, song hiện nay đại
bộ phận người trong khu dân cư Hào Khê vẫn là người gốc của xã Hào Khê xưa.
Phần 2: Vị trí địa lý di tích lịch sử
Từ trung tâm thành phố bằng nhiều phương tiện cơ giới hoặc
thô sơ, chúng ta đi về đường bao của thành phố, đi đến khu vực Trường Đại học
Dân lập Hải Phòng, đi vào đường Quán Nam, đến cuối đường Quán Nam rẽ bên phải
vào đường phố Hào Khê đi khoảng 150m chúng ta sẽ thấy ngay ngôi đình Hào Khê. Cổng
đình Hào Khê quay về phía đông nam nằm ngay mặt đường phố Hào Khê.
Phần 3: Nhân vật lịch sử được thờ phụng tại đình Hạo Khê
Theo tài liệu văn bản kê khai của hương hội, lý dịch làng
Hào Khê Tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh Kiến An, trả lời theo tờ sức số 578
ngày 28/4/1938. Văn bản có chữ ký con dấu của lý trưởng, chánh hội, thư ký
làng. Văn bản được lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam, dân
làng Hào Khê sao lại. Theo tài liệu trên và sắc phong của một số triều vua nhà
Nguyễn còn được lưu trữ tại đình Hào Khê, cho ta biết, đình Hào Khê thờ hai vị
Thành Hoàng làng là ngài Ngô Vương Quyền và ngài Phạm Tử Nghi.
1. Ngô Vương Quyền là người anh hùng dân tộc, ông sinh ngày
12/03 năm 897, mất ngày 18/1/944. Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, tỉnh Sơn
Tây xưa. Ngô Vương Quyền là ông tổ trung hưng của nền độc lập dân tộc Việt Nam ở
thế kỷ 10. Với chiến thắng năm 938 trên dòng sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cùng dân
tộc ta đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt hàng ngàn năm đất nước ta bị
lệ thuộc phong kiến Phương Bắc. Tham gia vào chiến thắng vĩ đại của Ngô Vương
Quyền có rất nhiều người dân của huyện An Dương thuộc tỉnh Đông xưa, đặc biệt
là những người dân ở gần hữu ngạn Bạch Đằng Giang.
Trong số đó có dân làng Hào Khê. Với vai trò của Ngô Quyền
và vị thế của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mà sau này những làng xã gần hữu ngạn
Bạch Đằng đều thờ Ngô Quyền và tôn vinh ngài là Thành Hoàng làng. Vua Tự Đức
triều Nguyễn năm thứ 6 tức là năm 1853 đã sắc phong cho 17 xã và 6 tổng thuộc
huyện An Dương tỉnh Hải Dương thờ đức Ngô Vương Quyền là Thành Hoàng làng.
17 xã đó là: xã Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng .,
An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá, Gia Viên, Lạc Viên, floạn
xá Thượng lý, Hạ Lý, An Chân,Cát Bi và 6 tổng là: Đông Khê, Hạ Đoạn, Trung
Hành, Trực Cát, - Gia Viên và . . . Lương Sâm.
Năm vua Tự Đức thứ 33 (1880) có sắc phong tương tự như sắc
phong năm 1853 quy định cho 6 tổng 17 xã phụng thờ Ngô Vương Thiên Tử.
(Hiện nay các sắc phong trên đang được lưu trữ tại đình Đông
Khê, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền và đình Dư Hàng thuộc phường Dư Hàng Kênh
quận Lê Chân).
Hiện đình Hào Khê còn lưu trữ được 3 sắc phong của 3 vua triều
Nguyễn sắc cho xã Hào Khê phụng thờ Ngô Vương Quyền.
Sắc 1: Vua Thành Thái năm thứ 1(1889) sắc cho xã Hào Khê,
huyện An Dương, tỉnh Hải Dương phụng thờ Tiền Ngô Vương.
Sắc 2: Vua Duy Tân năm thứ 3(1909) sắc cho xã Hào Khê huyện
Hải An, tỉnh Hải Phòng phụng thờ Ngô
Vương Thiên Tử.
Sắc 3: Vua Khải Định năm thứ 9(1924) sắc cho xã Hào Khê huyện
Hải An, tỉnh Hải Phòng phụng thờ liền
Ngô Vương.
2. Ngài Phạm Tử Nghi
Phạm Tử Nghi người làng Vĩnh Niệm, ông sinh ngày 2 tháng 2
năm Hồng Thuận (1519), mất ngày 14/9 năm Lê Quang Hưng (1578), ông tên huý là
Thành, tên chữ là Tử Nghi. Tử Nghi là con người có lễ nghĩa. Từ nhỏ đã ham đọc
sách, nghe một biết mười, lớn lên tập rèn nghề võ, khoẻ mạnh và to lớn hơn người.
Ông được vua giao cho nhiệm vụ đi diệt ác thú là 3 con voi dữ ở cánh đồng Nhân.
Từ lâu nay vua và triều đình chưa có cách nào hạ được voi dữ
để bảo vệ dân lành. Sau một thời gian luyện rèn chuẩn bị Phạm Tử Nghi đã giao
chiến và diệt được 3 con mãnh thú.
Vua Mạc đã thưởng công ban cho ông là Đại tướng quân và gả
công chúa cho ông. Trong cuốn thần tích “Nam Hải Đại Vương” còn lưu lại tại
lăng miếu Đôn Nghĩa, Vĩnh Niệm (nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) có chép
Phạm Tử Nghi xin nhà vua được mang quân sang đất nhà Minh để đòi lại vùng đất
Lưỡng Quảng. Quân lính nhà Minh thua to. Triều Minh không sao chế ngự được.
Vua Mạc biết tin thắng lợi phong cho Phạm Tử Nghi tước Tứ
Dương Hầu, tiết chế thuỷ bộ chư dinh, phò mã Đô Uý, Thái Uý Thành quốc công. Bọn
giặc nham hiểm cho người bắt mẹ của ông sang đất Bắc, giao ước với ông cầu hoà
và chúng mời ông sang đưa mẹ về. Không biết được âm mưu của kẻ thù, ngài đã bị
giặc mai phục và hạ sát. Chúng chém đầu ông và bêu ở chợ.
Ngay sau đó địa phương nơi ông bị giết, dịch bệnh hành
hoành, người vật chết vô số, Dân gian thấy ngài hiển thánh về đòi lại đầu và đã
giáng hoạ xuống đất nhà Minh. Vua nhà Minh phải làm hòm đá, trong quan ngoài
quách đặt thủ cấp của ngài vào trong, rồi lấy lễ công hầu tế đưa, phong cho
ngài là thượng đẳng thần của 2 nước. Cho đặt hòm đá trên bè, cắm lọng, tàn xanh
thả trôi về nước Nam.
Cuối cùng bè về đến bến sông Niệm và dừng hẳn lại. Được thần
báo mộng dân làng tề chỉnh ra đón rước hòm đá về đến lăng miếu hiện nay (thuộc
nghĩa làng Đôn) thì hạ xuống làm lễ an táng. Tại đây dân làng làm một ngôi miếu
bên cạnh để thờ ngài.
Theo tương truyền những
bến sông nơi thủ cấp ngài đi qua dân địa phương đều dựng đền hoặc miếu thờ
ngài. Các đền, miếu, lăng thờ ngài rất linh thiêng. “Phạm Tử Nghi tuy sống làm
quan to của thời Mạc mà thác được sắc phong của triều Lê, thế mới đủ biết công
cứu nước của ngài. Khi sống làm tướng đã to, mà ơn giúp dân của ngài khi thác
cũng lớn vậy” (Lê Quý Đôn). Từ đó các triều vua đều sắc phong.
Hào Khê là xã nằm ven sông Lạch Tray cách quê hương của ngài
Phạm Tử Nghi rất gần. Danh tiếng về sự linh ứng của ngài Phạm Tử Nghi rất sâu sắc
và rộng rãi. Có lẽ do vậy đó cũng là lý do chính cho chúng ta hiểu tại sao làng
Hào Khê đã tôn vinh và thờ Phạm Tử Nghi là thành hoàng của địa phương mình.
Phần 4: Khảo tả di tích lịch sử
Đình Hào Khê toạ lạc trên một khuôn viên đất tương đối vuông
vắn gần như hình chữ nhật, gọn gẽ, có mặt tiền tiếp giáp với đường phố Hào Khê
và nằm cạnh đất của chùa Hào Khê (Hào Quang Tự). Ngôi đình quay theo hướng chiều
dài của khuôn đất nhìn về hướng Đông Nam và ra đường Hào Khê. Theo các cụ cao
niên làng Hào Khê cho biết ngôi đình Hào Khê hiện nay vẫn theo hướng ngôi đình
của cố hương tức là hướng Đông Nam.
Đình Hào Khê được làm cao ráo so với mặt sân tới 90cm các bậc
cấp bước lên thềm có tới 7 bậc, bậc cấp được làm bằng đá, hai đầu phía ngoài
cùng bậc cấp người ta tạc hai hình long chầu.
Long được chạm cách điệu bằng những áng vân cụm.Toà bái đường
tạo dựng theo thức chéo đao tầu góc, bộ khung gồm 4 bộ vì, hai đầu hồi không có
vì. Các bộ vì kiểu bốn hàng chân cột, kết cấu vì kiểu chồng rường giá chiêng. Mỗi
bộ vì, vì nách 3 rường, vì nóc 2 rương. Kiểu thức này dân gian gọi là thuận chồng
5 con.
Các con rương được kê trên nhau bằng các đấu vuông thót đáy.
Thân đấu được tạo nổi hình cánh sen cách điệu. Trên thân rường được tạo nổi lá
lật. Đầu dư đắp nổi tạo hình đầu rồng ngậm ngọc. Hai bộ vì của hậu cung cấu tạo
tương tự như bộ vì của nhà bái đường. Các chân cột được đặt trên hệ thống chân
tảng làm giả đá tam cấp, cấp dưới hình vuông, cấp giữa bát giác và cấp trên
hình tròn. Cấu tạo chân tảng theo quan niệm triết học cổ phương đông, 3 cấp thể
hiện tam tài thiên, địa, nhân cấp vuông tượng trưng cho trời, cấp tròn tượng
trưng cho đất, cấp bát giác tượng trưng cho bát quái.
Hệ thống khung của toà bái đường và hậu cung được liên kết
chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà đại nối liền từ cột cái nọ sang cột cái kia.
Phần hoành mái của đình Hào Khê làm bằng gỗ được bào nhẵn, hoành soi chỉ cạnh
kiểu soi sen nên trông lên mái rất bằng phẳng, ngói lợp ngói mũi, thẳng tắp, đều
đặn.
Đình Hào Khê có 3 gian cửa chính đóng theo thức truyền thống
cửa thùng khung khách, thượng song hạ bản. Phần chắn phong được làm bằng hệ thống
song con tiện dựng theo chiều đứng, kiểu cách này tạo thêm phần ánh sáng chiếu
vào đình. Hai bức tường trước gian hồi toà bái đường người ta để cửa sổ, cửa sổ
làm bằng tấm bê tông nhưng được tạo trổ thủng theo hình chữ thọ cách điệu.
Trên bảy hiên được tạo tác nổi hình lá lật. Trên trán bảy chạm
nổi chữ thọ cách điệu. Dưới đuôi bảy giáp cột quân người ta làm thêm hệ thống
kiểu con sơn để đỡ bẩy. Song con sơn được trang trí hoa lá, do vậy góc tiếp
giáp giữa đuôi bảy và cột quân trông mềm mại hơn.
Trên mái đình giữa bờ nóc được trang trí đắp kiểu tượng tròn
đề tài Lưỡng Long triều Nguyệt, đầu bờ nóc là kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm uốn
thành vòng tròn xoắn đặt trên mặt đấu đầu nóc, vòng tròn xoắn tượng trưng cho
mây mưa. Ước vọng của cư dân trồng lúa nước. Trên khúc nguỷnh của mái nơi tiếp
giáp giữa bờ giải và bờ guột mái đình, đắp tượng tròn hình con số trông như con
nghề đứng chầu vào trong mái đình. Các đầu đao đắp tổ hợp rồng chầu phượng mua
và lân chầu.
Đình Hào Khê tuy mới được phục dựng, chất liệu truyền thống
và hiện đại cùng có mặt trong công trình. Nhìn chung do được thi công cẩn thận
chu đáo, kỹ càng, người thiết kế hiểu biết được kiểu cách kích thước trang trí
của công trình kiến trúc cổ truyền, nên đình Hào Khê có thể nói là công trình
có giá trị về kỹ thuật và mỹ thuật cao. Rất xứng đáng là công trình để con người
ngày nay hồi hướng tìm về những giá trị văn hoá của làng xã cổ xưa.
Ngoài công trình đình Hào Khê, công trình chính mang tính
trung tâm. Trong khuôn viên di tích đình Hào Khê còn có công trình nhà bia. Nhà
bia được làm gần với cổng đình, có cấu trúc kiểu như phương đình, hoặc như nhà
thiêu hương, chồng diêm 2 tầng 8 mái. Mái được làm đao cong. Đi lên nhà bia bằng
hệ thống bậc ngũ cấp chạy xung quanh 4 mặt. Xung quanh nhà bia không xây tường
để tạo ra sự thông thoáng. Phần trang trí trên các cấu kiện kiến trúc nhà bia
khá mềm mại và đẹp mắt theo các đề tài truyền thống như lá lật, vân cụm, hoa lá
thiêng. Các kích thước dài, rộng, cao, phần đua của tầng mái cân đối hài hoà
nên trông nhà bia khá đẹp. Chính vì vậy nhà bia cũng là công trình phụ trợ tôn
thêm vẻ đẹp cho đình Hào Khê.
Phần 5: Những di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật
Đình Hào Khê tuy phải di chuyển từ cố hương về nơi mới là vị
trí ngày nay. Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng dân làng đã có ý thức giữ lại
các cổ vật, di vật có giá trị mà tiền nhân để lại. Thần tượng Ngô Quyền, khám
cung khuyết, tượng quan hầu, bia đá... Sau đây chúng ta cùng khảo cứu một số di
vật, cổ vật có giá trị như đã nêu ở trên.
1. Thần tượng Ngô Vương Quyền.
Thần tượng Ngô Vương Quyền được tạo bằng gỗ, ngồi trong long
ngai đặt trong khám đại, để trong cung cấm nơi linh thiêng, thâm nghiêm nhất của
ngôi đình. Tượng đức Ngô Vương được tạc lớn hơn người thường, mặc long cổn có
cân đai, trên gối bờ vai chạm nổi long vân, vạt dưới long cổn chạm hình sóng nước.
Thần tượng có khuôn mặt vuông chữ điền, râu đen được cắm từ
ngoài vào, mắt sáng tai dài, tay trái bàn tay úp đặt trên gối trái. Tay phải đặt
trên gối phải, lòng bàn tay ngửa ngón tay giữa uốn cong chạm vào đầu ngón tay
cái tạo thành một vòng tròn, tay như ở thế bấm độn.
Có lẽ người nghệ sĩ điệu khắc muốn miêu tả Đức Ngô Vương ngồi
tư thế thiết triều, đang suy tính mưu sự việc quân. Thần tượng được tạc đội mũ
cánh chuồn, trán mũ có vành kiên trên vành kiện chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt,
cánh mũ điểm các bông cúc mãn khai. Chân đi hia cao cổ, đầu hia chạm nổi cúc
mãn khai. Qua cách tạo tác và nét hoa văn thể hiện trên trang phục thần tượng,
ta có thể xác định thần tượng có niên đại thế kỷ 19.
2. Khám thờ.
Khám thờ loại lớn nên trong khám đặt được cả long ngai và thần
tượng. Kiểu cách tạo tác khám thờ giống như khám thờ của một số di tích thờ Ngô
Quyền như đình Kênh, phường Hàng Kênh, đình Dư Hàng phường Dư Hàng Kênh... Có
thể người ta đã lấy mẫu của nhau vì cùng là long khám - thần tượng Đức Ngô
Vương ngư
Long khám được tạo tác có kiểu dáng khác với các loại khám
thờ khác là có thêm phần khung vòm có chắn trương hình cánh cung kiểu cung khuyết
(vì khám đặt tượng vua bên trong). Phần đế khám tạo dáng tập thờ chân qùy dạ
cá, dạ cá chạm nổi hổ phù hàm thọ, đầu chân chạm thao thiết phun diệp, gót chân
tạo dáng vân cụm.
Khám tạo ba lớp cửa. Lớp ngoài cùng tạo dáng khung trụ biểu
hai bên, trụ kiểu dáng giống trúc. Trên trụ chạm nổi hoa lá, trên đầu trụ chạm
thủng hình phượng, vẫn.
Lớp thứ hai cấu tạo kiểu cổng vòm, có bản trụ hai bên, trụ
là bản gỗ rộng khoảng 25cm có khung diềm. Trên bản trụ chạm nổi các điểu, trên
khung chạm hoa lá, vận tản. Vòm cổng hình cánh cung, bản rộng chạm nhiều tầng.
Tầng trên cùng chạm nổi, bong kênh lưỡng long châu nguyệt, tầng giữa chạm nổi
long lân chầu, tầng dưới cùng chạm cuốn thư hoa lá thiêng.
Lớp cửa thứ 3, tạo kiểu dáng khung bản hai bên và trên tạo
dáng cửa võng. Trên khung chạm nổi lão trúc hoá long, tứ quý (tùng, cúc, trúc,
mai), cửa võng chạm thủng lưỡng long chầu nguyệt, lẵng hoa. Phần vòm cửa hình bản
cánh cung trên chạm phượng múa hoa lá. Khám thờ trừ phía trước còn lại 3 mặt
bưng gỗ, một mái xuôi về phía sau.
Đây là một long Khám đẹp chạm khắc tinh xảo rất ít di tích
có được. Qua nét tạo tác sơ bộ đánh giá long khám được làm đầu thế kỷ XX.
3- Tượng Quan Hầu.
Cũng như một số nơi thờ Ngô Vương Quyền khác như từ Lương
Xâm, miếu Xâm Bồ,.. đứng hầu trước long khám Ngô Vương có hai pho tượng quan hầu.
Hai vị quan có y, mão và cầm binh khí kiểu dáng quan võ.
Theo dân gian người ta nói rằng đó là tượng của hai vị quan nha tướng tâm phúc
của Ngô Quyền đã có nhiều công trong chiến trận Bạch Đằng 938. Đó là ngài Nguyễn
Tất Tố và ngài Đào Nhuận (hai ông cùng là người làng Gia Viên, huyện An
Dương tỉnh Hải Dương xưa, nay là phường Gia Viên quận Ngô Quyền - Hải
Phòng).
Tượng Quan hầu được tạo nhỏ hơn người thường một ít, mặc
xiêm y nhiều lớp, lớp ngoài là áo giáp, có cân đai, đầu đội mũ trụ. Tóc búi cao
trên đỉnh đầu, vành mũ lớn ôm khít đầu, phía sau mũ có hai lớp che gáy, một lớp
ốp che sát gáy lớp ngoài vành xoè rộng như hình lá đề, phía trên mặt lớp che
gáy chạm nổi hình vân tản, đồng tiền.
Vành mũ trước trán chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt. Trên
giáp trụ sau lưng chạm nổi long mã, sóng nước, vẫn tản, vai chạm hoa cúc, lá đề
cách điệu. Phía trước trên ngực chạm hoa cúc, bụng và hai bên có đường diềm đao
lửa chạm long cuốn thuỷ, trước bụng chạm hình dải vải hình đuôi nheo, đuôi nheo
nhỏ dài về phía dưới.
Trên dải vải hình đuôi nheo chạm nổi nền vảy cá, hai bên
đuôi nheo có hai dải lụa bay mềm mại. Tượng quan hầu tay trái chống nạnh, tay
phải cầm đao, lưỡi đao hình mác, đao được cầm tư thế giơ lên. Tượng đi giày ủng
cao cổ, đầu ủng chạm nổi cúc mãn khai.
Tượng quan hầu mặt vuông chữ điền, râu dài thần thái trông
uy nghi, cương nghị,trong tư thế chờ lệnh xuất trận. Qua nét tạo tác và hoa văn
trang trí trên y phục chúng ta xác định tượng quan hầu được làm vào thế kỷ 19.
4. Bia đá.
Bia được đặt trong nhà bia trông bề thế. Bia đá xanh kiểu loại
bia dẹt cao 1,1m rộng 0,60 dày 0,10m. Diềm bia dật 2 cấp, không trang trí,trán
bia hình bán nguyệt, bia khắc chữ Hán nôm hai mặt, phần hoa văn trang trí trên
trán bia đã bị mờ.
Mặt trước tiêu đề : Thạch kiều bi ký.
Mặt sau tiêu đề: Tu tạo đình vũ bị.
Tại mặt sau của bia còn đọc được dòng lạc khoản đề năm dựng
bia vào năm Thành khái thập ngũ niên, tức là năm 1903.
Tại mặt bia trước có ghi lại sự việc và những người hưng
công của xã Hào Khê, Tổng Trực Cát, huyện An Dương, Phủ Kiến Thụy trong việc
xây dựng cây cầu đá trong xã.
Mặt phía sau ghi quê quán, chức sắc, tính danh những người
hưng công trùng tu ngôi đình Hào Khê. Tuy phần ghi lạc khoản không tìm thấy,
nhưng qua khảo cứu chúng tôi cho rằng việc trùng tu ngôi đình Hào Khê cũng vào
thời điểm khoảng thời gian dựng cầu đá của xã mà thôi, tức là khoảng năm 1903.
Phần 6: Những hoạt động văn hóa, lễ hội tại di tích lịch sử
Tại di tích đình Hào Khê, mặc dù hiện nay là khu dân cư sinh
hoạt theo tính chất phố phường, nhưng dân Hào Khê vào những ngày sóc, vọng (tuần,
rằm) vẫn đến dâng hương, lễ bái tại đình. Đặc biệt là các ngày sự lệ trong năm
như các ngày 15-16/1; 13/9; là những ngày Thánh hoá, ngày 15/8 ngày khánh hạ
Theo lệ cũ người ta tổ chức lễ hội rất linh đình đông vui, người trong và ngoài
địa phường đến dự rất đông. Trong lễ hội có tế lễ, văn nghệ biểu diễn giao lưu
và có những trò chơi dân gian. Ngoài ra người dân Hào Khê còn tổ chức, theo cổ
truyền để lại, ngày lễ kỳ an 15/4 và ngày lễ chạp tất niên 23/12. Lễ hội và
sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đình Hào Khê góp phần quan trọng trong việc giữ
gìn và phát huy những di sản văn hoá hiện còn tồn tại ở ngôi đình. Tạo sự đoàn
kết trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa đẩy lùi những tiêu cực trong đời sống xã
hội, những mặt trái của cơ chế thị trường. Từ đó cùng nhau chung sức xây dựng một
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng