Đình Hồ Khẩu – nơi thờ phụng Danh tướng Cống Lễ, Cả Lễ thời Hùng Vương thứ 18, chỉ huy thủy quân đánh đại bại quân Thục trên Bạch Đằng Giang
Đình làng Hồ Khẩu được dựng năm 1619. Thờ: hai anh em tướng
quân Cống Lễ, Dực Thánh Đại Vương và Cả Lễ, Vệ Quốc Đại Vương. Đình xếp hạng Di
tích thành phố năm 2006. Địa chỉ tại ngõ 378 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận
Tây Hồ, TP Hà Nội.
Địa lý
Làng Hồ Khẩu gồm cụm dân cư số 1 và số 2 phường Bưởi, quận
Tây Hồ, Tp. Hà Nội, nằm ở mạn bắc đường Hoàng Hoa Thám (vốn là bức tường đất
che chắn kinh thành Thăng Long), xưa thuộc phủ Phụng Thiên.
Theo truyền thuyết, ngay thời Hùng Vương đã có một số dân đến
đây lập ấp, đánh cá, trồng lúa. Hồ Khẩu là nơi sông Tô Lịch thông ra Hồ Tây.
Dân làng có nghề làm giấy dó; lúc đầu sản xuất giấy bản, giấy moi; đến đầu thế
kỷ 17 thì làm được cả giấy sắc để dùng vào việc viết sắc phong và chiếu, chỉ của
vua, chúa.
Trong làng có 5 dòng tộc đến nay vẫn giữ được từ đường. Nổi
danh là hai anh em Lý Văn Phức, Lý Văn Hảo cùng đỗ Hương cống khoa Kỷ Mão đời
Gia Long (1819) rồi em là Lý Văn Loát đỗ khoa Tân Tỵ đời Minh Mạng (1821). Lý
Văn Phức (1785-1849) nhiều phen chìm nổi quan lộ, từng làm đến chức Tả Tham tri
Bộ Hộ và được cử đi sứ sang Trung Quốc.
Ông mất khi tại chức, để lại nhiều ký sự và thơ văn Hán,
Nôm. Tên của ông được đặt cho một con phố cụt ở cạnh số nhà 161 đường Nguyễn
Thái Học.
Hồ Khẩu cũng là quê của nhà thơ Nguyễn Văn Giai, tác giả Hà
Thành chính khí ca được lưu truyền rộng rãi ngay sau khi thành Hà Nội bị quân
Pháp đánh chiếm lần thứ 2 (1882).
Bài vè này vừa ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn không đầu
hàng giặc, vừa chỉ trích những kẻ phản bội và chạy trốn hèn nhát. Ngoài đình, tại
làng còn có ba ngôi đền và hai cổ tự, trong đó chùa Sãi tức chùa Tĩnh Lâu rộng lớn
hơn và là một di tích nổi tiếng ở ven Hồ Tây.
Lược sử
Đình Hồ Khẩu được dựng năm Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định
(1619), thờ hai thành hoàng là anh em ngài Cống Lễ, Cá Lễ cùng sinh ngày 13
tháng Hai âm lịch. Tương truyền hai ngài là tướng của Hùng Vương, có công đánh
giặc giữ nước.
Lịch sử của làng Hồ Khẩu gắn liền với thời Hùng Vương dựng
nước. Đó là một ngôi đình cổ xưa kia nằm bên bờ Hồ Tây, đến thời Nguyễn thì di
dời vào làng, đặt ở vị trí trung tâm làng hiện nay. Đình làng có nhiều đồ thờ
và hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng.
Chuyện xưa kể rằng, sau khi hai đức Thánh của làng Hồ Khẩu
giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước thắng lợi, dân làng đã mở hội khải hoàn ở cổng
làng và ghi hai câu đối ở cổng giữa với nội dung đại ý rằng: Nơi đây cởi bỏ áo
giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí. Ðến nay
trẻ già còn truyền lại sự việc đó.
Cổng đình làng Hồ Khẩu hay còn gọi cổng chính từ thời xưa
không ai được đi qua, phải xuống ngựa và đi hai cổng phụ ở hai bên, còn cổng
chính thì bao giờ cũng đóng.
Ngoài cổng đình làng còn có cổng chùa làng, hai cổng trên và
cổng dưới. Một cổng gọi là cổng giáp Bắc, và một cổng giáp Đông. Ở giữa làng có
một cái cổng nữa, ai đi qua mệt thì ngồi nghỉ lại.
Cổng giữa làng thực chất là một cái cầu, có cây hương. Bốn cổng
còn lại ở mặt đường. Ngoài vẻ đẹp nguyên sơ có tự bao đời của cổng làng Hồ Khẩu,
làng có cụm di tích, gồm: đình làng, đền Dực Thánh (di tích lịch sử cấp thành
phố), đền Vệ Quốc (di tích lịch sử cấp quốc gia), đền mẫu Thăng Long,
chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, chùa
Chúc Thánh và 5 nhà thờ họ gồm họ Bùi, họ Đinh, họ Hồ, họ Nguyễn, họ Lý.
Bước qua cổng chính của làng Hồ Khẩu, đi thẳng độ hơn 20m là
đình làng. Đình làng đã được trùng tu tôn tạo lại khang trang và bề thế, tuy
nhiên trước cổng đình người dân giăng quán bán hàng ăn nên che khuất cả khoảng
sân phía trước ngôi đình.
Đình thờ Thành Hoàng
Nhị vị Đại vương. Huyền tích trong gia phả của làng kể lại rằng: Nhị vị Đại
vương sinh và mất cùng ngày.
Hai vị thánh là Long thần xuất thế, con vua Đông Hải thuỷ
cung. Hùng vương thứ 18 ở châu Bố Chính, động Dân Thanh có ông Lê Quốc
Công, huý là Tín mới nhậm chức quan triều phụng sắc Quảng Lĩnh lạc bộ tào hưu
được vua cho cháu gái là Cẩm Hoa Nương công chúa kết hôn.
Sau khi công chúa mất sớm, ông rất thương mới bỏ nhà đi du
ngoạn sơn thuỷ khắp nơi cho khuây khoả, đến ấp Hồ Khẩu thấy nơi đây là một thắng
cảnh nổi tiếng, ông đã dừng chân cho dựng nhà ở trên một ngọn đồi gọi là Long Tảng.
Ở đây ông lấy một người con gái họ Nguyễn, rồi hai người đi
cầu tự ở đền Đông Hải Vương. Một đêm phu nhân nằm mộng thấy một ông già râu tóc
bạc phơ báo rằng sẽ có một Long thần ứng mộng, người họ Lê sẽ sinh đôi hai quý
tử để giúp nước giúp đời. Lúc mang thai phu nhân thường ra Hồ Tây ngắm cảnh đẹp
hữu tình.
Lê Quốc Công một đêm nằm mộng thấy hai người mũ áo chỉnh tề
nói: “Tôi là Đằng Long Quân Lễ Bộ khâm phục sắc chỉ xuống để ứng mộng. Nghe
xong tỉnh dậy,
Lê Quốc Công thấy bên ngoài trời đất tối tăm mịt mù, gió thổi
dữ dội, trong phòng có mùi hương nhè nhẹ lan toả; phu nhân sinh hạ một bào thai
đúng như trong mộng. Người anh được đặt là Cống Lễ, người em là Cả Lễ. Hai người
lớn lên tài trí khác thường.
Khi ấy trong nước có quân Thục xâm lược, vua Hùng Duệ Vương
đi cầu hiền, cả hai ông đều tình nguyện đem tài trí ra giúp nước. Biết là Thuỷ
Thần xuất thế nên nhà vua đã trao cho hai ông đem đại binh đến Bạch Đằng Giang,
kết quả quân Thục đại bại.
Khi khải hoàn ca, quân ta về đến sông Tô Lịch thuộc địa phận
quê nhà thì đột nhiên trời đất nổi gió, sóng nước dâng cao, trăm nghìn loài thuỷ
tộc đều nổi lên đón mừng.
Hai ông sửa soạn mũ áo chỉnh tề trông về cửa Khuyết bái mệnh
rồi đằng vân giá vũ. Được tin, nhà vua thăng sắc cho hai ông là Thượng Đẳng
Phúc Thần, giao cho hai giáp thuộc phường Hồ Khẩu lập miếu thờ và hương khói.
Sang đến thời nhà Lý, hai vị thánh đã hiển linh giúp vua Lý
đánh Chiêm, đến thời nhà Lê giúp vua trị thuỷ. Trong đình đến ngày nay còn giữ
được sắc phục, sắc phong và nhiều câu đối về thơ ca ca ngợi tài đức của hai
thánh.
Đền Dực Thánh dân làng hay gọi là đền Giáp Bắc theo sách Tây
Hồ Chí, đền toạ lạc trên gò Quy Đôi, nơi vua Lý Thái Tổ ban đầu dựng đô đã đặt
điện Càn Nguyên ở đó.
Đến Triều Lý Thần Tông, nhà vua xuống chỉ giao cho Giáp Bắc ấp
Hồ tu bổ làm nơi thờ Đức Thánh Cả Dực Thánh Đại Vương Tôn Thần, huý là Cống Lễ.
Năm 2006, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Ngay trong ngôi làng còn có đền Vệ Quốc toạ lạc trên gò Long
Tăng nơi sinh của hai Thánh, được xây dựng từ thời Lý. Mặc dù đến nay đã có nhiều
lần tu bổ nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xưa. Đây là nơi thờ tự
Đức Thánh em song sinh Vệ Quốc Đại Vương tôn thần, huý là Cả Lễ. Đền được xếp hạng
Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia năm 1991.
Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Ðôi, Dựa vào
các câu chữ này, đã có những bàn luận đa chiều về lịch sử chiếc cổng làng Hồ Khẩu
và đây cũng là chứng tích của cổng đình làng. Điểm khác biệt của đình làng Hồ
Khẩu đó là từ đình làng được đặt xung quanh những chiếc cổng cổ kính có niên đại
vài trăm năm tuổi.
Một thuyết khác kể rằng họ sinh vào thời Lý, từng phá tan giặc
Chiêm Thành đến xâm lược nước ta, sau được vua phong tước Dực Thánh tướng quân
và Vệ Quốc tướng quân.
Hai vị cùng mất ngày mùng Hai tháng Bảy âm lịch, sau được thờ
chung tại đình Hồ Khẩu rồi còn được thờ riêng cũng ở trên đất làng tại đền Dực Thánh và đền Vệ Quốc, cách nhau chỉ
khoảng 300m.
"Hồ Khẩu là đình ra ngay ngõ, không có cổng, mà đi
chung từ cổng chung của làng Hồ Khẩu vào. Cổng này xây cũng đẹp. Đi vào cổng là
tới đình, không có cổng tam quan, đi vào ngõ để vào đình, ngõ chạy dài chạy
suốt cả làng. Rẽ vào đình ngay sát đường."
Đình làng Hồ Khẩu hồi chiến tranh 1946-1954 bị tàn phá, rồi
hợp tác xã giấy sử dụng làm hội trường, năm 1990 mới trả lại nhân dân để làm
nơi thờ cúng. Ngày nay, giấy đó không sản xuất nữa.
Những người làm nghề cũ “vang bóng một thời” nay dần đi vào
dĩ vãng..Đến nay, qua ba lần tu sửa, đình làng Hổ Khẩu đã có một hình ảnh khác
xưa. Tuy nhiên thực trạng những chợ cóc chợ tạm mọc lên xung quanh đình làng hiện
nay đã làm cho không gian tại đây bị thu hẹp khiến nhiều người dân không khỏi
tiếc nuối:
Trải qua 4 thế kỷ với bao mưa gió và chiến tranh, dáng vẻ
đình Hồ Khẩu chủ yếu định hình sau đợt xây lại ngôi đình bị phá hủy trong kháng
chiến chống Pháp (1947-1954). Cuối thập niên 1950 đình từng là hội trường của hợp
tác xã giấy, năm 1990 mới trở lại làm nơi thờ cúng nhưng hồi đó đã có sự lấn
chiếm đất xung quanh.
Cạnh đình không còn thấy dấu vết của Văn Chỉ thờ Khổng Tử và
những người làng đã đỗ đạt. Phía sau đình là chùa Chúc Thánh chật hẹp cũng vì mất
đất, nay xây lên tầng cao át cả di tích.
Kiến trúc
Đình Hồ Khẩu mới đại trùng tu năm 2014 nhưng không còn cả cổng
lẫn sân và bậc thềm tiền tế phải xây giáp ngay ngõ 378 Thuỵ Khuê, đối diện với
một chợ cóc. Tòa tiền tế rộng 3 gian 2 chái, mặt nhìn về hướng tây-bắc, xếp
hàng song song thành hình chữ Tam với trung cung cũng 3 gian 2 chái và hậu cung
3 gian. Trong hậu cung có đặt sắc phong, sắc phục, long ngai và bài vị của các
thành hoàng. Đáng tiếc hiện còn để ngoài trời tới 7 tấm bia đá, cái thì vỡ, cái
thì mòn vì phơi nắng phơi mưa.
Nơi thờ phụng trong Đình Hổ Khẩu
Lễ hội
Hàng năm dân làng Hồ Khẩu gồm 8 xóm vẫn cùng tổ chức lễ hội
chính vào dịp tháng Hai âm lịch và lễ hội cầu mát vào dịp tháng Tư âm lịch.
Làng chọn ra 32 trai tân, từ ngày mồng Một tháng Hai đã phải ăn chay để đến tối
ngày 13 chia làm 2 đội chèo đò tại sân đền Vệ Quốc. Dịp hội tháng Tư vào ngày Rằm
có lễ rước sư cầu an và rước nước ngoài hồ Tây, đi từ chùa Sải về đình làng.