Đình Hoa Đường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, vốn là nơi vùng miền nhiều di tích. Theo cuốn Ngọc Phả do Đại Học Sĩ Nguyễn Bính biên soạn thì đình Hoa Đường thờ Thành hoàng là Hữu Thống Chế Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18.
Theo cuốn Ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn
Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), sau đó Quản giám bách thần tri
điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân y cựu chính bản năm Vĩnh Hựu thứ 3
(1737) thì đình thờ Thành hoàng là Hữu Thống Chế đại vương thời vua Hùng thứ
18.
Triều đại Hùng Vương thứ 18, có người con gái họ Lê, nhan sắc
ít ai sánh kịp, một lần ngoạn cảnh thì bỗng nhiên có một ánh sáng từ trên trời
chiếu thẳng xuống, từ đó bà mang thai. Đến ngày 12 tháng giêng, bà sinh ra được
một người con trai khôi ngô tuấn tú, thông minh khác thường và đặt tên con là
Linh Thông công.
Đến khi trưởng thành thì gặp lúc quân Thục đem quân xâm lược
nước ta. Vua phong ông chức Đại tướng quân và lệnh cho ngài cùng với Sơn Thánh
cầm quân đánh giặc. Sau khi thắng trận trở về, đến ngày 12 tháng 11 ông hóa.
Đình nằm trên địa phận làng Hoa Đường, trông về hướng tây, kết
cấu chữ “nhị”, gồm Đại bái và Hậu cung.
Đại bái 3 gian 2 chái, kiểu tường xây hồi bít đốc lợp ngói
ri cổ. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh đơn giản. Đầu bờ nóc là hai con kìm ngậm bờ
nan. Các bộ vì đỡ mái được làm theo hai kiểu thức khác nhau trên mặt bằng bốn
hàng chân cột gỗ tròn đặt trên chân tảng, với 3 lối đi chính thông thoáng.
Gian giữa đặt hương án và các đồ tế khí tạo không khí thiêng
liêng, ở các cột gỗ được treo đôi câu đối ca ngợi công đức Thành hoàng làng và
cảnh quan khu di tích. Điều đặc biệt là tại thượng lương toà đại bái còn ghi:
Triều vua Bảo Đại, giờ Thân, ngày Tân Hợi, tháng Mậu Tý, năm Canh Ngọ khởi dựng
toà Đại bái này.
Các bộ vì đỡ mái gian giữa được làm theo kiểu “giá chiêng chồng
rường hạ kẻ, bẩy hiên, bẩy hậu”. Nối từ hai gian hồi Đại bái vào là dãy Tả hữu
mạc, mỗi dãy một gian. Tại đây, có tấm bia có niên đại Nguyễn muộn cho biết những
người đã hưng công tu tạo ngôi đình.
Hậu cung 3 gian nhà ngang, phần trước làm hai tầng mái, bờ
nóc đắp bờ đỉnh, cuối bờ giải xây giật cấp. Phần chồng diêm, nối mái dưới với
mái trên chia làm 3 ô, hai ô bên được đắp 2 rồng thời Nguyễn, chính giữa đắp
các đồ thờ tự.
Hậu cung có kết cấu kiến trúc theo kiểu “Nội tự ngoại khách”
cho phép phần hiên rộng để bài đặt một hương án và một số đồ tế tự khác. Bộ vì
hiên được làm theo kiểu “chồng rường rỗng với cốn mê”. Các cốn mê được các nghệ
nhân dân gian chạm lộng các tích tứ linh, tứ quý như trúc hoá long, mai hoá
long, long cuốn thủy, vô cùng sinh động và mềm mại.
Đình Hoa Đường còn lưu giữ được 2 hương án gỗ, trong đó có một
hương án thời Nguyễn, 1 chuông đồng loại nhỏ có niên hiệu Thành Thái thứ 5
(1893), 1 bát hương gốm Thổ Hà, 2 cỗ long ngai thời Lê, 4 đạo sắc phong, 1 cuốn
Ngọc phả.
Từng có thơ rằng:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Hoa Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông, bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con rồng cháu tiên.
Rồng tiên ở chốn Vân Đình
Tiền Đường có khúc sông Vân, Ứng Hòa.
Đình Hoa Đường được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng là di
tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 01