Đình Hoa Xá tức đình làng Tó, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Miếu Minh Ngự Lâu cách đình khoảng 200m. Cả hai đều thờ vua Lê Hoàn và Bà Chúa Hến.
Nghi môn đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Đình làng Hoa Xá và Minh Ngự Lâu là hai di tích gần kề nhau
bên tả ngạn sông Nhuệ, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Minh Ngự
Lâu theo truyền thuyết là nơi ở cũ của bà Chúa Hến (Đô Hồ phu nhân), nằm cách
đình Hoa Xá khoảng 200m. Mảnh đất này tục gọi là làng Tó, có mô tả trong sách
“Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và được coi “là một trong bốn kinh trấn phên dậu
phía nam của nước ta”.
Cầu đá đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Dòng sông Nhuệ chảy qua nơi đây góp phần làm nên một tụ điểm
cư dân đông đúc và mang truyền thống văn hoá lâu đời, quê hương của “Ngô gia
văn phái” và nhiều nhà trí thức khác. Gần đình Hoa Xá là chùa Phe, chùa Thắm và
đình, chùa làng Hữu Thanh Oai. Nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết... vẫn đọng
mãi trong ký ức dân gian cho đến nay, đặc biệt có câu chuyện về một cô gái làng
Tó.
Sân trước đình Hoa Xá. Panorama ©2015 NCCong
Lúc nhỏ nhà nghèo, từ sáng tinh mơ cô gái đã phải mò hến bắt
cua, sau này vì thế có tên bà Chúa Hến. Một hôm vua Lê Hoàn dẫn quân đi dọc
sông Nhuệ, tình cờ dừng lại lấy lương thảo ở làng Tó. Tuy còn rất trẻ nhưng cô
gái dám đứng ra vận động nhân dân vùng Hữu Thanh Oai đóng thuyền và vùng Tả
Thanh Oai góp gạo cho đoàn quân đi đánh giặc Tống.
Riêng cô gái lại nghĩ ra một loại bánh dùng để làm lương khô
cho quân lính, đó chính là món chè lam đặc sản trong các ngày hội làng... Vua
thắng trận trở về, cô được phong làm thứ phi và sau trở thành một trong năm
hoàng hậu.
Theo cuốn phả “Hoa Xá Lê đế phi miếu phả lục” bằng chữ Hán
do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên
(1572) và được Quản giám bách thần chi điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền
sao lại vào năm Vĩnh Hựu (1740) thì sự tích như sau:
Tam quan đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
“Một hôm, qua ấp Hoa Xá ở Tả Thanh Oai, tạm dừng quân để lấy
binh lương, giờ Ngọ, nhà vua trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong
đám dân công. Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như
ngọc, miệng cười tươi như hoa. Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa
tay.
Trên trời có đám mây năm sắc che thân. Nhà vua cho rằng người
con gái đó không phải bình thường. Rồi đem lòng thầm ước nhưng mặt ngoài còn e.
Ít lâu sau, thiên hạ thái bình. Quân sĩ reo ca khải hoàn rước
vua về kinh đô Hoa Lư. Nhà vua mở tiệc thưởng người có công. Các đình thần tôn
tặng vua Lê mỹ hiệu “Minh càn ứng vận thần vũ thăng binh, trí nhân, quảng hiếu
Đại Hành hoàng đế.
Lê Hoàn chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày
về tại ấp Hoa Xá: bên tả giang, mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Rồi cho vời
nàng Đô Hồ, ban quần gấm áo ngự, phong làm quý phi. Sai bà tắm gội, thay áo mũ,
cùng sánh xa giá về kinh.
Đôi ngựa đá đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Lúc đó bà con, họ hàng và dân ấp đều vui mừng lấy làm vinh
hiển. Vua Lê lại cấp ruộng đất, tiền của để bà đóng thuyền thả sông và lập cung
điện ở vườn cũ, gọi là “Đô Hồ phi cung”. Khi vua băng hà, “dân ấp Hoa Xá có lập
đền thờ để tưởng nhớ ơn đức giúp dân, ghi tạc công lao phá Tống của ngài”.
Từ lúc Thánh phi mất, dân làng hàng năm cúng giỗ. Nơi ở cũ của
Bà dựng thành “Minh Ngự Lâu”, nhà cung phi sửa làm miếu điện. Từ đó, miếu và
đình Hoa Xá là nơi phối thờ hai vợ chồng.
Minh Ngự Lâu được gọi là miếu bà Chúa Hến. Di tích này nhỏ
nhưng liên quan chặt chẽ đến đình Hoa Xá. Tương truyền rằng xưa kia đến rằm
tháng Giêng thì làm lễ hội làng. Từ tối ngày 14, hai pho tượng được rước cùng
ngai thờ về Minh Ngự Lâu. Sau khi tắm rửa, ở lại một đêm đến sáng hôm rằm thì
rước trở về đình....
Tiền đường đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Kiến trúc
Đình Hoa Xá có vị trí đẹp ở bên dòng sông Nhuệ và mặt quay về
hướng nam, tất cả nằm trong một khuôn viên với nhiều cổ thụ. Từ con đường dọc
theo sông Nhuệ, du khách xuống ba bậc tam cấp đến sân trước cổng đình làm theo
kiểu nghi môn với bốn trụ biểu. Trên đỉnh hai trụ chính có đắp nổi hai con nghê
quay vào nhau.
Sau cổng là lối đi thẳng qua cầu đá mới xây đi vào sân giữa,
dẫn tới một tam quan nhỏ, hai trụ chính xây vuông, đỉnh trụ cũng đắp hình nghê,
dưới trang trí hình tứ linh. Phía sau tam quan có đôi ngựa đá do Ngô Thì Nhậm
cung tiến đứng chầu sân sau, hai bên là tả hữu mạc. Đại đình gồm tiền đường 5
gian nối liền với hậu cung thành hình “chữ Công”, hai bên là khu vườn, phía sau
có một giếng tròn khá to.
Hậu cung đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Minh Ngự Lâu nhỏ hơn nhiều so với đình Hoa Xá và được làm
theo một kiểu kiến trúc truyền thống với hai nếp nhà ba gian xếp thành hình “chữ
Nhị”.
Di vật
Hiện nay bên trong hai di tích đình Hoa Xá và Minh Ngự Lâu
còn lưu giữ một số mảng chạm khắc tinh vi mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ
18 và nhiều hiện vật quý hiếm có giá trị lịch sử.
Trong số 16 đạo sắc phong thần của các triều đại từ nhà Lê
qua Tây Sơn đến Nguyễn có các sắc phong Đô Hồ phu nhân là “Nhàn uyển chi thần”
và Lê Đại Hành là “Hoàng đế thượng đẳng thần”. Lại có một cuốn thần phả ghi sự
tích của hai vị thành hoàng...
Giếng sau đình Hoa Xá. Ảnh ©2015 NCCong
Ngoài 8 câu đối và cuốn thư, hoành phi, cửa võng, vẫn còn
lưu bút tích của Ngô Thì Nhậm trong bài minh văn “cung tiến đôi ngựa đá” vào
đình từ năm 1798 và một pho tượng Đô Hồ phu nhân, các tấm bia đá, đôi vẹt,
hương án, khám thờ, hai bộ long ngai, kiệu bát cống, bát bửu, áo mũ và đồ tế
khí làm từ thời Lê Trung hưng, v.v..
Năm 1994 đình Hoa Xá và Minh Ngự Lâu đã được Bộ Văn hoá -
Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Bà Đô Hồ được thờ ở đình Hoa Xá thuộc xã Tả Thanh Oai. Bản
Ngọc phả cũng được cất giữ ở đó. Đình Hoa Xá còn gọi là miếu Bà Chúa Hến (婆主)
hoặc có người gọi là đình Thành Hoàng làng Tó. Sự thực thì miếu có từ xưa, sau
mới có đình.
Bản ngọc phả kể việc vua Lê Đại Hành phong quý phi làng Tó
Địa danh Hoa Xá ra đời do nguyên ủy sự tích gì, nay ít người
biết. Cũng có người đoán, “đặt ra tên Hoa Xá để sánh với tên Hoa Lư, nơi cung cấm
của các Hoàng hậu vua Lê tại tỉnh Ninh Bình”. Nhưng có người ngờ từ Hoa Xá đã
có trước thế kỷ X.
Đình Hoa Xá đứng chênh vênh bên bờ sông Nhuệ, kiến trúc
không nguy nga, đồ sộ bằng đền thờ vua Đinh, vua Lê ở Hoa Lư, Ninh Bình. Nó nhỏ
gọn, nhưng xinh xắn, trang nhã.
Trong đình Hoa Xá có nhiều hoành phi, câu đối của nhiều văn
sĩ thuộc nhiều đời, câu nào văn cũng hay, nội dung biểu dương tinh thần yêu nước,
khí thế quyết đánh giặc Tống xâm lược, nên đã được nhiều nhà nghiên cứu đến
tham quan ghi chép về làm tư liệu.
Từ ngoài đi vào đình Hoa Xá, ngay ở cửa Tam quan đã có nhiều
phù điêu, bích họa tuyệt đẹp và nhiều câu đối có giá trị.
Một cặp câu đối ở mặt ngoài hai cột trụ biểu:
Tiền Lý hậu Đinh lưu thánh tích:
Khâm Tô đới Nhuệ tráng thần cư.
Tạm dịch:
Trước Lý sau Đinh truyền dấu thánh;
Vành Tô giải Nhuệ đẹp đền thần.
Phía trong cửa “Tam quan” lại có cặp câu đối ngoảnh vào sân
đình:
Chính thống kế Đinh triều, cố quốc sơn hà vĩnh điện;
Miếu đình lâm Nhuệ tả, thiên nhan chỉ xích bất vi.
Tạm dịch:
Ngôi chính thống nối triều Đinh, giữ nước vững bền sông núi:
Dựng miếu đình bên sông Nhuệ, thờ vua chẳng cách tấc gang.
Từ cửa chính Tam quan, muốn vào đình ta phải bước qua sân
đình và leo lên một tam cấp ghép bằng đá. Hai bên tam cấp có hai con sấu đá hiền
lành, ngẩng mặt nhìn vào khách như hoan hỉ chào đón.
Giữa sân có hai con ngựa đá, lộ nét khắc chạm rất thần tình.
Đây là đôi ngựa của văn thần Ngô Thì Nhậm, mưu sĩ của vua Quang Trung, thuê thợ
khắc, dâng đặt thờ bà Đô Hồ và vua Lê Đại Hành vào năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798)
để tưởng niệm công tích của hai vị thành hoàng làng mình.
Ngựa đá cao 1,25m tính từ đầu gối chân trước đến mút đuôi ngựa
đá. Yên ngựa cân đối, hai tà áo yên phủ hai bên hông ngựa có khắc thân rồng ẩn
hiện trong mây. Cổ ngựa đeo vòng chuông nhạc, mỗi vòng 5 quả chuông tròn, riêng
quả chuông giữa thì to dài và đã khắc tên hiệu ngựa vào đó. Tên con ngựa bên
tay phải (bên hữu) gọi là “Bổng thần” (俸宸) tên con ngựa bên trái (bên tả)
gọi là “Ngự nhật” (馭日). Dáng dấp ngựa thon, ngắn, thanh thoát.
Bước lên đình, tức Lễ đường có 5 gian rộng rãi, kiến trúc vững
chắc: có biển đề thơ và nhiều hoành phi, câu đối. Qua lễ đường, hay đại bái, lại
qua một ngôi nhà dọc, tục gọi chuôi vồ, thì đến miếu điện thờ bà Đô Hồ.
Giữa điện đặt long ngai ghi bài vị bà Đô Hồ và vua Lê Đại
Hành. Hai vị thành hoàng này được phản ánh qua nội dung đôi câu đối treo ở
đình, tạm dịch:
Xưng đế cõi thiên nam, phá Tống bình Chiêm, ngựa sắt mấy
phen lừng lẫy.
Làm thần bên giang tả, dòng Tô mạch Nhuệ, sóng vàng một giải
long lanh.
Cách đền một quãng đến Minh ngự lâu: Theo Lư sử thì Minh ngự
lâu là vườn cũ của bà Đô Hồ, về sau xây thành cung phủ để bà ở. Từ đó theo dòng
Cừ Hoàng đi tới cánh đồng Triều. Đồng Triều gồm có ruộng đất do vua Lê Đại Hành
và dân làng Tó chia cho bà Đô Hồ để cày cấy sinh sống. Khi Bà Đô Hồ hóa, thì
Minh ngự lâu thành nơi thờ Bà và một số ruộng đất trở thành ruộng tế (ruộng lấy
hoa lợi chi phí vào việc thờ Bà).
Kiến trúc tòa Minh ngự lâu rất đẹp, văn, thơ, câu đối ở đây
vừa phản ánh công tích vừa ca ngợi mối tình của bà. Xin dẫn một câu:
Thiên phúc tuần du, nguyên phi như Cổ Công xuất Thủy Hử;
Nhuệ giang cảnh trí, kim khước ức Chu Nam vịnh Hà Châu.
Tạm dịch:
Cuộc tuần du thời Thiên phúc thắm tình, tựa Đản Phụ(1) bên bờ
Thủy Hử
Ngắm cảnh trí sông Nhuệ giang gợi nhớ, thơ Chu Nam vịnh bãi
Hà Châu.
Câu “Ức Chu Nam vịnh Hà Châu” gợi lên hình tượng một thôn nữ
có tài sắc, đức hạnh trở thành vương phi, đã được phản ánh trong Kinh Thi. Mở đầu
Kinh Thi có bài Thư cưu thuộc phần Chu Nam phong có câu:
Quan quan thư cưu,
tại Hà chi châu…
Ở đây cuộc tình duyên giữa bà Đô Hồ và vua Lê Đại Hành lại
có ý nghĩa hơn cả tình yêu trong Kinh Thi. Vì tình yêu ở đây bắt nguồn từ sự cảm
phục nhau trước hành động tham gia cuộc chống Tống bảo vệ độc lập dân tộc.
Ở phần nghi lễ thờ Bà cũng liên quan nhiều sử liệu đặc sắc.
Lễ tế chính bà Đô Hồ vào ngày rằm tháng giêng.
Dù ai đi Bắc đi Nam
Nhớ về hội Tó ngày rằm tháng giêng
Kế hoạch vào đám, thường được triển khai từ hôm mồng 4 tháng
giêng âm lịch, qua mấy khâu: tập phu rước kiệu, dọn cỏ dọc đường, dựng 3 gian rạp
hát, may sắm áo ngự v.v…
Vào lễ chính phải rước kiệu đưa bài vị từ đình Hoa Xá đến
Minh ngự lâu để tắm cho thần, gọi là lễ “Mộc dục”. Nội dung lễ phản ánh sự tích
vua Lê ban áo gấm xiêm ngự, bảo Bà tắm gội thay y phục để cùng về Kinh đô Hoa
Lư.
Đáng chú ý phần lễ chính ở tục “Soạn cỗ giỗ” thờ bà Đô Hồ. Lễ
rằm tháng giêng soạn mâm đặt trước bài vị vua Lê Đại Hành gồm 3 thứ: bánh
chưng, bánh dày, chè lam. Nhưng mâm soạn đặt thờ trước bài vị bà Đô Hồ tức bà
chúa Hến thì rất đặc biệt.
Nội dung các món ăn đã phản ảnh trung thực cuộc sống giản dị
ở thời thơ ấu của Bà. Mâm cơm giỗ có 5 món: 1 liễn cơm tẻ, 1 bát canh hến, 1
bát canh đậu, 1 đĩa rau lang luộc, 1 đĩa muối vừng.
Các phần lược thuật trên đây hỗ trợ cùng bản ngọc phả tôi giới
thiệu, chắc chắn sẽ giúp ích cho một số bạn đọc quan tâm đến sử học, văn học
nghệ thuật và lễ hội. Đặc biệt về việc nghiên cứu Thăng Long và thời Tiền Thăng
Long.
Bản ngọc phả
Bản ngọc phả viết bằng chữ Hán, ghi tên ngoài bìa là Hoa Xá
thành hoàng miếu phả lục. Khác với tên bài tựa ghi là đình. Chữ viết hàng dọc từ
phải sang trái.
[…]
Dịch nghĩa:
a. Lời tựa bản ngọc phả đình Hoa Xá
Xét dấu vết linh thiêng của các bậc thánh đế thời xưa, thường
thấy hiển hiện ở những nơi động thiên phúc địa, nên những việc trên dưới nghìn
năm còn có thể bàn đến cội nguồn của nó được. Ôi, người mà giáo hóa được mọi
người thì gọi là bậc thánh, sự hóa của thánh mà (người đời) không thể hiểu nổi
thì đó là thần.
Xét linh tích đình Hoa Xá thuộc ấp bên tả sông Nhuệ, đất do
sông Tô Lịch dẫn mạch, miếu do sông Nhuệ đắp nền. Sách xưa gọi là: “Đất mạch rồng
dóng thước ngọc, sông nước vạch dây đo, bên tả bên hữu đối xứng nhau(2) ngôi chủ
ngôi khách cùng tiến(3) khiến cho dòng trâm anh xuất sắc, đường khoa mục nối tiếp
nhau”. Nên ấp ta từ xưa đã sinh ra nhiều người tài giỏi.
Xét theo ngọc phả đình Hoa Xá, thì ấp ta từ triều Đinh, triều
Lê đã được thánh qua thần giáng, linh tích đến nay vẫn còn, dân ấp hàng năm tế
tự hai vị thành hoàng. ấy là vị thánh quân và vị thánh phi của ta. Đế quân từng
có vũ công đánh đông dẹp bắc, Thánh phi có đức nhân từ, xứng là quốc mẫu.
Ban đầu đức Thánh phi phát tích ở Hoa Xá, về sau duyên trời
đưa đẩy đến ven sông Nhuệ. Nơi sắc đẹp của Bà làm cá chìm đáy nước nay còn dấu
cũ, làm nhạn sa lưng trời(4) như vén mây cho thấy thiên nhan(5). Bà thuộc hàng
quốc sắc, tính rất hiếu thuần, nhân cách hợp ý trời; đạo xây thể cốt, tiên đúc
phong tư, cho nên lấy chữ Đô Hồ và chữ Uyển Nhàn(6) làm mĩ hiệu của Bà.
Bà lúc nhỏ nhà nghèo, sớm lo mò hến dưới sông, tối phải đội
củi dọc đường. Lúc lớn lên lấy chồng, việc nhà ra tay mẫn cán, việc nước như một
hiền thần; cùng Lê đế lo bình Chiêm phá Tống, mẫu mực đoan trang cả trong sáu
cung; từng nổi tiếng thơm trên đất Việt, còn lưu chiến tích khắp non sông.
Tài cán ấy do biển núi đúc nên, đức hạnh ấy do suối sông tạo
dựng. Bà khi mất rất anh linh, như khi sống thường ngay thẳng, cho nên hương lửa
muôn muôn năm vẫn còn, sự tích muôn muôn năm ghi trong phả lục. Nay tựa!
Ông người họ Lê, Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, chức Lễ bộ Tả thị
lang, tước Thanh Xuyên bá, kính cẩn đề tựa.
b. Phả lục miếu thờ thánh phi của hoàng đế họ Lê tại Hoa Xá
(Sắc phong Thượng đẳng thần, ghi sổ ở bộ Cấn chi Khảm)
Nước Việt ta xưa đời Hùng Lạc gây móng dựng nền, lấy sao Đẩu
sao Ngựu chia cõi. Đất Phong Châu thắng địa dựng Kinh đô; núi Nghĩa Lĩnh hình
thế kiên cường, tu sửa miếu điện. Cha truyền con nối, hơn hai ngàn năm, văn hiến
rõ rệt, các anh hùng nối tiếp xuất hiện.
Đến cuối đời Đinh, vào niên hiệu Thiên Phúc triều vua Lê Đại
Hành, có tên Tri châu Châu Ung nước Tống là viên Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo
dâng sách lược xâm chiếm phương Nam, vua Tống nghe lời, muốn thôn tính nước ta,
liền sai các tướng mang hơn ba vạn quân Kinh, Hồ sang thình lình tập kích. Lúc
bấy giờ, người Lạng Châu thấy quân nhà Tống sắp sang, dâng trạng tâu về triều.
Bà Đinh Thái hậu sai ông Lê Hoàn chọn quân dũng sĩ đi đánh;
lại cử một người ở Nam Sách là ông Phạm Cự Lượng làm Bình Tống đại tướng quân.
Ông Cự Lượng cùng các tướng sĩ đều nghĩ rằng: “Muốn lập một chút công, ắt trước
phải chọn người chủ sự”, bèn suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi thiên
tử. Hoàng đế Lê Đại Hành lên ngôi, kinh đô vẫn đóng ở Hoa Lư, lập kỷ nguyên
Thiên Phúc, rồi sai quân lính, dân chúng đẵn cọc gỗ cắm ngăn sông.
Vua tự làm tướng chỉ huy đánh giặc Tống. Tháng mười năm ấy
vua ra quân, có sai người đi sứ sang nước Tống để làm kế hoãn binh. Đến tháng
ba mùa xuân (năm sau), Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn(7) Trần Khâm Tộ
đến Tây kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, các cánh quân thủy bộ đều xâm nhập
vào bờ cõi nước ta, vua đốc suất các tướng ra đánh, quân Tống bị thua.
Lại nói: lúc bấy giờ vua Lê Đại Hành thường đốc thúc quân
lính theo dòng sông Nhuệ tiến lên phía bắc(8). Nhân dân ở nhiều ấp dọc hai bờ
sông đã theo vua đánh giặc Tống. Một hôm vua Lê dừng quân ở ấp Hoa Xá phía tả
ngạn thuộc xã Thanh Oai để thu thập binh lương.
Đến trưa, vua trông thấy một thôn nữ trong số người chuyển
lương, đội nón lá, mặc áo thô, mắt sáng mày đẹp, vẻ mặt như ngọc, miệng cười
tươi như hoa, đang cúi vốc nước sông rửa chân tay, dường như có đám mây năm sắc
che chở trên đầu. Vua cho rằng đó là một cô gái khác thường, trong lòng xúc động
nhưng bên ngoài không dám thổ lộ.
Ít lâu sau, vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống ở sông Đổ Lỗ(9),
thiên hạ thái bình, khải hoàn về kinh đô Hoa Lư. Vua mở tiệc lớn, bình công,
thưởng những người vất vả góp sức. Các đình thần dâng tặng tôn hiệu cho vua là:
“Minh càn ứng vận Thần vũ Thăng bình Chí nhân Quảng hiếu Đại Hành Hoàng đế”(10).
Vua bèn chọn ngày ngự giá bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Vua về đến ấp Hoa Xá bên
giang tả, triệu tập già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Vua cho mời nàng Đô Hồ tới,
ban cho quần gấm áo ngự, phong làm quí phi. Sai Bà tắm gội(11) thay quần áo
theo xa giá cùng vua về Kinh. Lúc đó, cha mẹ tộc thuộc và dân ấp đều vui mừng lấy
làm vẻ vang.
Vua lại cấp cho ruộng đất, tiền vàng để Bà đóng thuyền rồng
bơi sông và lập cung điện tại nhà ở cũ, gọi là “Đô Hồ phi cung”. Tương truyền từ
đó, Thánh đế và Thánh phi ngày thêm yêu nhau như đàn cầm đàn sắt, như chim phượng
chim loan, rồi sinh được một nàng công chúa, yểu điệu, đoan trang, nhưng vì sao
thiên đế giáng sinh, nên đến mười hai tuổi đã bị bệnh mà chết.
Lúc mới sinh công chúa, bà Thánh phi nhờ bà họ Ngô là phu
nhân của ông Trần Phổ Hóa nuôi dưỡng bú mớm. Suốt mười hai năm liền, bà này có
nhiều công khó nhọc, nên được phong là “Thượng ban nhũ mẫu”.
Đến năm Ất Tỵ niên hiệu ứng Thiên(12) thứ mười hai (tức năm
thứ hai niên hiệu Cảnh Đức nhà Tống) mùa xuân, tháng ba, ngày mồng tám, vua Đại
Hành mất ở điện Trường Xuân, chôn ở lăng châu Trường Yên, nhiều nơi đã lập đền
thờ.
Thời ấy ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, dân ấp Hoa Xá
bên tả sông Nhuệ cũng lập đền thờ vua để nhớ ơn đức giúp dân, ghi công đánh tan
giặc Tống. Đất ấy, sông ấy mãi mãi còn truyền chiến tích, ngày sinh ngày mất của
vua được đời đời hương lửa. Vậy dân ấp cung kính phụng thờ vua, làm Đệ nhất bản
cảnh thành hoàng để được ngài phù hộ.
Đến khi bà Thánh phi mất, dân ấp cũng quanh năm phụng thờ. Tại
nơi ngôi nhà cũ dựng ngự lâu, sửa phi cung làm thành miếu điện gọi là miếu điện
thờ Thánh đế, Thánh phi. Phía trước miếu có sông Nhuệ làm án, phía sau tựa núi
Tam Thai làm gối, hàng năm dân ấp tế lễ, đời đời được sắc phong. Dân ấp phụng
kì đảo hai vị thành hoàng ở miếu hiệu là:
– Minh càn ứng vận Thần vũ Thăng bình Chí nhân Quảng
hiếu Đại Hành Hoàng đế – Ngọc bệ hạ!
Và:
– Nhuận trạch Hoằng phu Bác lợi Nhàn Uyển Đô Hồ phi
nhân – Kim điện hạ!
Mời phối hưởng có vị “Lê triều phò thánh giá, phạt Tống hữu
đại công, Dũng Mãnh tướng quân linh thần – vị tiền”.
Dũng Mãnh tướng quân có đền thờ chính ở giáp Phúc Lâm, do
dân giáp thờ phụng. Nay còn một vùng cây cối rậm, tương truyền là nơi ngày xưa
tướng quân đóng quân tại đó.
Sau khi đức Thánh phi mất, có nhiều linh nghiệm hiển ứng,
nên trải các triều đại đều có sắc phong. Tục truyền đời nhà Trần có giặc Nguyên
sang xâm lược, thành Thăng Long bị vây, vua Trần sai quan về cầu đảo tại miếu,
Thần đã hiển linh ngầm giúp, nên đánh lui được giặc Nguyên. Đến thời vua Lê
Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh, thần đã ngầm giúp các tướng đại phá được giặc
Minh ở Đông Đô, ở Ninh Kiều, Chúc Động, máu chảy đầy sông. Sau ngày kháng chiến,
vua Lê gia phong mỹ tự, sắc chỉ sai dân ấp sửa sang miếu điện để thờ phụng.
Hồng Phúc năm đầu, tháng trọng xuân(13) ngày tốt. Hàn lâm Lễ
bộ, Đông các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn.
Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ sáu, tháng trọng thu, ngày tốt(14).
Quản giám bách thần tri điện, Hùng Lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền tuân sao
theo bản cũ.
Trần Bá Chí
Đăng lại từ bài “Bản ngọc phả về bà vợ Lê Đại Hành đánh giặc
Tống”
Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 2002
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)
Chú thích:
(1) Cổ Công Đản Phụ: tên vị thủ lĩnh họ Chu, ông của Chu Văn
Vương, dời tới đất Kỳ Sơn khai khẩn mở mang đất đai, xây thành quách, đặt quan
lại, gây dựng cơ sở cho nhà Chu, được truy phong là Thái Vương. Kinh Thi – Đại
nhã có câu: “Cổ Công Đản Phụ, Lai triều tẩu mã. Suất tây Thủy Hử, chí ư kỳ hạ”.
(2) Tả, hữu: đây chỉ thế đất phát đạt về văn, về võ.
(3) Chủ, khách: ở đây nói về mặt nội trị, ngoại giao.
(4) Xưa có cô gái đẹp một lần ngửa mặt lên trời, đàn chim nhạn
trông thấy mặt mà phải sà xuống; Cô dạo quanh hồ, cá mặt hồ ngơ ngẩn trước sắc
đẹp mà phải chìm: “sắc đẹp nhạn sa cá chìm”.
(5) Thiên nhan: sắc mặt nhà vua.
(6) Đô Hồ, Uyển Nhàn: những “mỹ từ” thường dùng tả về tiên.
(7) Đoạn này Nguyễn Bính soạn theo sử của Ngô Sĩ Liên.
(8) Sông Nhuệ thời cổ sâu rộng: Quân Bà Trưng, Bà Tía, Mai Hắc
Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đều
có lần tiến quân theo sông ấy.
(9) Sông Đổ Lỗ: Xem Trận Đổ Lỗ của Trần Bá Chí trong sách Cuộc
kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, Nxb. Quân đội Hà Nội 1992.
(10) Thực ra khi vua mất mới tôn hiệu là Đại Hành. Đây do
chép theo sử.
(11) Rằm tháng giêng tế bà Đồ Hồ có lễ “mộc dục”, tức lễ “tắm
thánh” phản ánh việc Lê Hoàn sai bà tắm gội, mặc áo gấm về Kinh đô Hoa Lư.
(12) Năm Ất Tỵ niên hiệu ứng Thiên thứ 12 tức năm 1005 dương
lịch.
(13) Tức tháng hai năm Nhâm Thân (1572) đời Lê Anh Tông.
(14) Tức tháng 8 năm 1740 dương lịch.