Đình Hoãn, nằm tại trung tâm thôn Trong Giữa, tọa lạc theo hướng tây nam, nơi thờ phụng ngàn năm nhị thánh Cao Sơn – Quí Minh và thánh Tam Giang thời Hùng Duệ Vương.
Trong quần thể di tích đình chùa đậm đặc ở xã Việt Lập, huyện
Tân Yên, tuy không nổi trội như đình Nội, đình chùa Kim Tràng, lăng Phục Chân
đường, Chùa Phán Thú, nhưng đình Hoãn hàm chứa nhiều nét riêng có và nổi lên
trên vùng đất Việt Lập như một nét duyên quê.
Nằm về phía bắc của xã Việt Lập, đình Hoãn nay thuộc về thôn
Trong Giữa, còn khi xưa là giáp Mỹ, và giáp Trong gồm 3 xóm Hạc, Trong, Giữa
liên quan đến 3 điếm là: Điếm Hạc, điếm Giữa và điếm Trong.
Ngoài đình Hoãn, nơi đây còn có Đình Nội, chùa Hai Giáp,
nghè Mẩy cùng hệ thống điếm làng, giếng cổ vài trăm năm tuổi. Dấu ấn thời gian
đã phủ lên miền quê nay qua rêu phong trên mái đình chùa, qua những giai thoại
câu chuyện dân gian.
Đình Hoãn, nằm tại trung tâm thôn Trong Giữa, tọa lạc theo
hướng tây nam. Trước cửa đình là khoảng sân rộng – nơi dân làng mở hội 15 tháng
giêng. Ngôi đình bố cục theo lối chuôi vồ, toàn đại đình gồm 1 gian, 2 dĩ, 2
chái.
Kết cấu vì chính theo kiểu thượng con chồng đấu kê, hạ kẻ
chàng. Vì hồi đình có kết cấu theo kiểu vì kèo, trốn cột. Trên các kẻ có chạm nổi
đề tài lá lật, rồng mang phong cách thời Nguyễn. Nối với tòa đại đình là hậu
cung 1 gian thờ Cao Sơn – Quí Minh và thánh Tam Giang.
Điều đặc biệt tại đình Hoãn là tại đây còn bảo lưu được sắc
phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) và trên các đầu cột, xà khắc chữ Nho ghi
người cung tiến – giống với đình Nội gần kề ngay đó. Thông thường, khi xưa khi
xây dựng xong đình, chùa, hoặc khi trung tu tôn tạo thì dân làng cho người khắc
bia, hoặc cây hương chép lại việc hưng công xây dựng.
Thế nhưng ở xã Việt Lập lại có cách làm khác, đó là ai, gia
đình nào đóng góp gỗ để làm đình thì sai người khắc tên lên ngay cây gỗ đó.
Cũng như tại đình Nội, tại đình Hoãn có “hồ sơ” khá chi tiết về việc công đức của
người xưa.
Ví như tại 1 trụ gỗ trên đình có khắc: Bản giáp thôn trưởng
Nguyễn Văn Điểu, Nguyễn Văn Thang, Nguyễn Văn Liệu, Tổng trưởng Nguyễn Văn Thủy,
giáp Nam Nguyễn Văn Lâm, Trần Văn Cốc đồng công đức nhất trụ. Hoặc trên 1 cây cốt
chính của đình khắc: Người của bản giáp tên hiệu Diệu Uy, con trai làm quan
Chánh tổng tên Nguyễn Duy Thị cùng Ngô Thị Điển cung tiến 1 cột gỗ, hoặc Người
giáp Trong của bản xã là Lê Văn Thuận, người của bản giáp Trần thị hiệu Diệu
Huy cùng công đức …
Từ những thông tin tại đình làng, tra lại phả của những dòng
họ tại đây cho ta biết ngôi đình làng hiện nay vốn được xây dựng vào năm 1912,
trước đó là đình được làm bằng tranh tre. Cũng qua những thông tin trên các cột
tại đây cho biết, đình Hoãn vốn do người dân của giáp Trong và Giáp Mỹ cung tiến.
Trong câu chuyện về đình làng của mình, các cụ bản tự cho biết:
Nơi này nơi khác nhiều khi cứ vẽ vời khi kể chuyện về di tích, ở chúng tôi thì
rất đơn giản, cứ như cái tên của ngôi đình này, xưa kia vị trí đó ở đầu xóm, ở
đó có cây cầu và quán hàng nước của một bà cụ tên Hoãn. Khi làm đình vị trí
đúng vào chỗ gian quán nên đình có tên là đình Hoãn.
Cạnh đó là cái ao có tên ao Cầu, do dân làng đào lấy đất đắp
nền đình mà thành, ao Cầu giờ vẫn còn. Lại nữa, hội lệ của đình Hoãn hàng năm
diễn ra vào ngày 8, 9 tháng giêng thường rất đông vui với nhiều trò chơi dân
gian, như đấu vật, kéo co…nhưng đông vui và thu hút được sự quan tâm của “bàn
dân thiên hạ” hơn cả đó là Tục thi cơm trắng.
Vào ngày hội lệ, người phụ nữ ở nhà nấu cơm trắng, nắm thành
cơm nắm cho chồng đem ra đình để dự thi. Cũng chỉ là để cho người phụ nữ thể hiện
cái sự tài khéo đảm đang, bởi ngày đó đâu có máy say máy sát như bây giờ, muốn
có cơm trắng thì phải giã thóc, rồi sàng sẩy thật kỹ, thật nhanh sau đó thổi
cơm, nắm lại thành nắm.
Nó tương tự tục thổi cơm thi. Ngoài đình, mọi người thử,
bình xét, cơm nắm của gia đình nào chín dẻo, thơm, ngon không có sạn thì để lại
cho làng thụ lộc, vinh dự và may mắn lắm.
Thời gian trôi qua, xóm Trong, Giữa, Nội Hạc phát triển. Năm
1980 xóm Hạc tách ra, nhập với xóm Nội thành thôn Nội Hạc ở đó có đình Nội – Di
tích Quốc gia đặc biệt, nhưng vào ngày hội lệ, người xóm Hạc vẫn đổ về đình
Hoãn chung vui. Nếp xưa nay vẫn vậy.
Những năm gần đây, người dân 3 xóm đầu tư nâng cấp lại toàn
bộ hệ thống điếm làng, giếng nước và chăm lo tu sửa đình làng, khiến diện thôn
làng thêm đẹp. Hội lệ năm nay, người dân 3 xóm vui hơn vì đình Hoãn được công
dân Di tích LSVH cấp tỉnh. Hội làng cũng là ngày đón Bằng công nhận di tích, với
dân làng niềm vui nhân đôi, năm mới tràn đầy hy vọng may mắn.
Châu Giang. Tân Yên