Đình Hoàng Cầu là nơi thờ phụng Bố Cái Đại Vương - vua Phùng Hưng và các vị thần có công với dân tộc (Cao Sơn Đại vương, thần Bạch Mã, Phùng An, Bảo Hoa công chúa), đồng thời, có ý nghĩa trong việc nghiên cứu đàn Xã Tắc thời Lý - Trần - Lê
Di tích lịch sử đình Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống
Đa, thành phố Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số
2895/QĐ-BVHTTDL ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo hồ sơ khoa học di tích, đình Hoàng Cầu có giá trị
lịch sử, là nơi thờ nhân vật lịch sử Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và các vị thần
có công với dân tộc (Cao Sơn Đại vương, thần Bạch Mã, Phùng An, Bảo Hoa công
chúa), đồng thời, có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu vị trí, ý nghĩa của
đàn Xã Tắc thời Lý - Trần - Lê ở khu vực này (Công văn số 250/KCH ngày
25/7/2016 của Viện Khảo cổ học và Công văn số 107/VSH ngày 20/7/2016 của Viện Sử
học).
Đình Hoàng Cầu có từ cuối thời Hậu Lê và đến nay
đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần, đáng kể là đợt đại trùng tu
năm 1953. Bài vị và các sắc phong còn lưu trong hậu cung cho biết đình
thờ Vua Phùng Hưng, anh hùng dân tộc ở thế kỷ VIII. Hàng năm dân làng
tổ chức tại đây hai kỳ lễ lớn vào ngày khởi nghĩa (11-12 tháng Hai
ÂL) và ngày hoá (11-12 tháng Tám ÂL) của Ngài.
Trong sách 粵 甸 幽 靈 集 Việt điện u linh tập in năm Khai Hựu nguyên
niên (1329) Lý Tế Xuyên đã dựa vào ghi chép của người xưa để viết chuyện
về Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Trong đình còn thờ Phùng An và Bảo
Hoa công chúa, ngoài ra lại phối thờ hai vị thần Cao Sơn và Bạch Mã.
Phía ngoài ngôi đình Hoàng Cầu trong quá trình tôn tạo
Đình Hoàng Cầu. NCCong ©2019
Đình Hoàng Cầu. Panorama NCCong ©2019
Hồ đình Hoàng Cầu. Photo NCCong ©2019
Ngoài giá trị là địa điểm lịch sử, giá trị cốt lõi của ngôi
đình là hệ thống hiện vật rất đa dạng về chủng loại và chất liệu. Ngôi đình sở
hữu 22 đạo sắc phong trải dài từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn: ba sắc thời
Hậu Lê, năm sắc thời Tây Sơn, 14 sắc thời Nguyễn, 3 tấm bia đá trong đó có tấm
bia dựng năm Chính Hòa (1680), một bia niên hiệu Tự Đức 31 (1880) và một bia
niên hiệu Thành Thái 5 (1889), một chuông đồng niên hiệu Tự Đức. Long ngai, kiệu
rước, hương án, chấp kích, sập thờ và các đồ tự khí được tạo tác thế kỷ 19-20.
Di tích còn lưu giữ hai pho tượng Phỗng cổ khá đẹp, có hình
thức gần giống với đôi phỗng ở đền Bạch Mã (Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Giới
nguyên cứu mỹ thuật cổ đánh giá khá cao yếu tố thẩm mỹ, kỹ thuật tạo tác pho tượng,
các hiện vật của di tích đang được lưu giữ, bảo quản tốt tại các địa điểm. Hơn
60 hiện vật giá trị đã được kiểm kê, đánh số cẩn thận. Đây là những yếu tố gốc
cần bảo vệ và gìn giữ.
Tại thời điểm xếp hạng di tích quốc gia, các hạng mục
chính của đình Hoàng Cầu (Phương đình, Đại bái/Tiền tế, Hậu cung) đều được xây
dựng bằng gạch mới, khung cột bê tông cốt thép giả gỗ, chỉ có hạng mục cổng
(Nghi môn) được tô trát các chi tiết nghệ thuật bằng vữa truyền thống.
Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội (Tờ trình số
29/TTr-UBND ngày 29/3/2019), từ thực trạng những năm gần đây, di tích đã
xuống cấp, thấm dột nghiêm trọng, căn cứ Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng
dẫn liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1467/BVHTTDL-DSVH
ngày 18/4/2019 thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu (nội
dung: thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu, bao gồm các hạng
mục: tu bổ cổng đình; tôn tạo Đại đình (Tiền tế, Hậu cung), Phương đình, nhà Mẫu,
miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ (thủ từ - kho
- bếp - tiếp khách - ban quản lý), nhà vệ sinh, cổng phụ, tường rào và hạ tầng
kỹ thuật); Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 34/DSVH-DT ngày
22/01/2020 thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công của Dự án.
Ngôi đình Hoàng Cầu là một trong số không ít di tích lịch sử
đang xuống cấp, cần phải tu bổ, tuy nhiên mỗi lần tu bổ lại sinh lo ngại. Trường
hợp đình Hoàng Cầu là di tích mang giá trị lịch sử về địa điểm và hiện vật,
không có các công trình kiến trúc gốc.
Nhiều hạng mục công trình chắp vá trong quá trình tu sửa suốt
mấy chục năm qua, vì thế Bộ VHTTDL lưu ý để đơn vị thi công thực hiện phương án
tổng thể của một công trình tín ngưỡng truyền thống.
Quá trình tu bổ và tôn tạo đình Hoàng Cầu vừa phải đảm bảo địa
điểm sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng, vừa đưa công trình về quy chuẩn truyền
thống thay vì hiện trạng chắp vá trước đó.
Những hạng mục hiện vật được lưu trữ cẩn thận khi tu bổ, tôn tạo
Như vậy, quy trình thẩm định Dự án, thiết kế tu bổ, tôn tạo
di tích đình Hoàng Cầu đảm bảo đúng quy định hiện hành về di sản văn hóa và bảo
quản, tu bổ, phục hồi di tích. Phương án được đề xuất (tu bổ nguyên trạng Nghi
môn; hạ giải các hạng mục xây bằng bê tông cốt thép không phù hợp để tôn tạo lại
bằng vật liệu khung cột gỗ truyền thống...) phù
hợp nguyên tắc tu bổ di tích và điều kiện hiện trạng của di tích.