Đình Hoàng Xá thờ đức Thành hoàng Quý Minh, theo huyền sử nước ta là một trong 3 vị Thánh của núi Tản Viên (Ba Vì) sống vào cuối thời vua Hùng. Vị trí đình nay ở cạnh Đài Phát thanh và Tòa án Nhân dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Đình Hoàng Xá có từ cuối thế kỷ 17. Thờ phụng thần núi Quý
Minh Đại Vương. Xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Địa chỉ tại thị trấn Vân
Đình, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội.
Lược sử
Đình Hoàng Xá thờ đức Thành hoàng Quý Minh, theo huyền sử nước
ta là một trong 3 vị Thánh của núi Tản Viên (Ba Vì) sống vào cuối thời vua
Hùng. Vị trí đình nay ở cạnh Đài Phát thanh và Tòa án Nhân dân huyện Ứng Hòa,
thành phố Hà Nội.
Tên đình được lấy theo tên một ngôi làng mới nhập vào thị trấn
Vân Đình. Làng này vốn nằm ven đường quốc lộ QL21B, ngay tại mặt bắc của thị trấn
Vân Đình. Cần phân biệt với làng Hoàng Xá nằm gần cửa sông Nhuệ thuộc xã Liên Mạc,
và một ngôi làng Hoàng Xá khác nữa —còn gọi là làng Đình Tổ— nằm ven thị trấn
Quốc Oai, nay đều thuộc về Hà Nội.
Cuối thời Lê, làng Hoàng Xá thuộc xã Hoa Đình, tổng Phương
Đình, huyện Sơn Minh, trấn Sơn Nam Thượng. Đình được dựng vào ngày tốt tháng 5
Giáp Tuất niên đại Chính Hòa thứ 15 thời Lê Trung Hưng (1694).
Việc xây cất và trang trí kéo dài trên 40 năm đến thời Lê
Vĩnh Hựu (1735-1740) mới hoàn thành. Có bốn hiệp thợ đảm nhận thi công độc lập,
tổng chỉ huy là Lang trung Đặng Tuấn Dị và cùng với ông trùm trưởng này còn có
18 vị tộc biểu.
Lúc đầu đình chỉ có một tòa nhà theo hình chữ “Nhất”. 166
năm sau, dân làng Hoàng Xá cho tiến hành sửa chữa nhỏ và xây cất thêm Trung
cung, Hậu cung theo kiểu kiến trúc hình chữ “Công”.
Trên cột hiên đầu phía bắc sau đình vẫn còn một dòng chữ Hán
ghi rõ “Tự Đức thập tam niên thập nhất nguyệt, nhật, bản thôn tu trợ đình sở”
(tức năm Canh Thân 1860).
Trong đình hiện đang lưu giữ những mảng chạm khắc đạt đỉnh
cao nhất của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Năm 1962, ngay đợt xếp hạng đầu
tiên, Bộ Văn Hóa đã công nhận ngôi đình là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trong đình Hoàng Xá. Panorama ©2016 NCCong
Kiến trúc
Đình Hoàng Xá tọa lạc trên một khu đất rộng giữa làng, gọi
là thế đất “Tả kỳ hữu kiếm” (bên trái có cờ, bên phải có kiếm). Mặt đình nhìn về
hướng tây – tây bắc. Nghi môn được thiết kế theo kiểu trụ biểu.
Đầu trụ có hình lồng đèn, phía trên đắp đôi lân chầu nhau.
Lòng thân trụ có ghi các câu đối. Sát với trụ biểu là hai lối đi kiểu cổng vòm
với hai tầng mái, đao cong, đắp ngói ống. Năm 1995 dân làng xây thêm ở 2 bên
sân đình 2 nhà giải vũ gồm 4 gian tường hồi bít đốc. Ngày xưa bên kia đường đối
diện với nghi môn là cầu chín gian, nay trở thành khu tưởng niệm Hồ Chủ tịch.
Tòa Đại bái xây trên nền hình chữ nhật rộng 200m2, gồm 3
gian lớn và 2 chái, không đều nhau. Gian giữa là nơi hành lễ, các gian bên trước
lát gỗ làm nơi sinh hoạt cộng đồng, nay xây 4 bệ lát gạch. Bộ khung gỗ được làm
vững chắc trên các hàng cột to, tròn. Cột cái của hai bộ vì giữa có chu vi
1,85m, cột quân có chu vi 1,25m.
Bốn bộ vì chính được làm theo hai thức khác nhau. Hai bộ kết
cấu theo kiểu “Thượng rường hạ bẩy”, hai bộ chính bên lại có kết cấu theo kiểu
“Thượng chồng rường hạ kẻ”. Đỡ phần trên hai mái hồi là hệ thống chồng rường đặt
trên thanh xà ngang to. Xà có một đầu ăn mộng qua thân cột cái với hai vì bên,
đầu kia đặt trên cột quân phía gian hồi.
Tòa Hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ, xây trên nền hình vuông, có 4
lá mái và các góc đao cong. Giữa bốn cột cái đặt một sập lớn, bên trên là cỗ
khám thờ hình khối hộp vuông được sơn son thếp vàng, trong khám có long ngai
bài vị của Thành hoàng Quý Minh.
Nằm vuông góc nối liền Hậu cung với Đại bái là tòa nhà Trung
cung gồm 3 gian xây dọc, tạo thành 3 tầng cửa võng.
Di sản
Trong đình Hoàng Xá có các tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ
thuật được thể hiện trên các thân bẩy, kẻ, ván bưng, các bức cốn, chồng rường,
các đầu dư… Nhiều nhất là các bức chạm rồng với đề tài Độc Long, Long Vân, Long
Ổ, Long Ly....
Bốn con kìm được chạm thành những hình rồng có đầu thon,
đuôi dài ẩn phía sau cột cái, mặt ngựa với trán dô, mũi hếch, miệng cười, râu,
bờm đua ra sau như những đao mác dài che kín phần cổ, hai chân choãi ra vững chắc.
Trên khắp bộ khung của đình, hình rồng được tạo ở các tư thế
khác nhau theo phong cách chạm lọng, chạm bong nhiều lớp của nghệ thuật thời Lê
Trung Hưng. Đan xen với rồng là các bức chạm với nhiều đề tài sinh hoạt của người
và thú như cảnh các tiên nữ múa hát, nhạc công đánh trống, hát cửa đình, chèo
thuyền, đấu vật, chọi gà… cảnh voi, ngựa hoặc cảnh cưỡi voi cưỡi ngựa, táng mả
hàm rồng…
Ngoài chạm khắc, trong đình Hoàng Xá hiện còn giữ được một
khám thờ lớn với ngai vị, bàn thờ và các sắc phong từ thời vua Quang Trung đến
Khải Định, rồi kiệu rồng, bát bửu, cùng hoành phi, câu đối. Câu đối trên mặt trụ
nghi môn hướng ra ngoài có ghi:
“Sổ thiên bách tải tinh linh việt điện xung thiên tung nhạc khí
Thất thập nhị hương trở đậu viêm bang biến địa đại vương phong”
Câu đối ghi trên mặt trụ hướng vào bái đường:
“Thánh đức trí nhân dực bảo Hùng triều quang nhật nguyệt
Thần uy đại nghĩa danh thùy vũ trụ trấn sơn hà”
Câu đối ghi trên mặt trụ hướng vào nhau:
“Hiển thánh trấn Nam thiên tế thế an bang đồng lợi lạc
Linh thần uy Bắc địa tỉ dân hộ quốc hưởng hòa bình”
Trong 3 gian chính của tòa Đại bái, ở giữa hai xà dọc thượng
có ba bức hoành phi lớn. Gian giữa là bức “Sơn anh hải tú” (chữ “tú” rất đẹp với
lớp thếp vàng bị bong dần theo năm tháng), gian phải đề “Ích thi vô phương”,
gian trái là “Cực hữu qui hội”.
Trung cung có 3 tầng cửa võng long chầu phượng vũ. Phía trước
là bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế” (hiện nay bức này và cửa võng không còn).
Qua cửa võng là bức hoành phi “Thân tích vô cương” cùng với đôi câu đối “Hoàng
Xá xuân hùng đoan hữu cực / Phương Đình nhật lệ điện hành quy”. Trong hậu cung,
trước khám thờ Thành hoàng là bức hoành phi “Hiển linh từ”, bên phải khám có lá
cờ “Khâm ban thượng đẳng”.