Danh tướng Phan Ông Tây Nhạc, gốc người huyện Hà Trung thuộc châu Ái, có công chiến đấu bảo vệ đất nước, được tôn làm thành hoàng của 2 làng Hòe Thị và Thị Cầm. Đình Thị Cấm là nơi ngài tuyển quân đánh giặc Thục.
Đình Hòe Thị có từ khoảng thế kỷ 17. Thờ phụng danh tướng Phan Ông Tây Nhạc
và phu nhân Hoa Dung, thời vua Hùng Duệ Vương. Đình xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1990). Địa chỉ tại
ngã phố Phương Canh—Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Lược sử
Làng Hoè Thị tên nôm là Canh Chợ, ngoài nông nghiệp còn có
nghề rèn và nghề hàn thiếc. Dân kể rằng: xưa có vị tướng của vua Hùng thứ 18
đi tuyển quân ngang qua làng, thấy cảnh vật tươi đẹp bèn hỏi thăm một cô gái
xem đây là đâu, cô gái chỉ cười nên ngài đặt tên làng là Hòe Thị.
Đi sang làng bên, ngài gặp cô gái khác và lại hỏi, cô gái
không cười không nói gì cả, ngài liền đặt tên làng là Thị Câm, sau đổi thành Thị
Cấm.
Vị tướng đó là Phan Ông Tây Nhạc, gốc người huyện Hà Trung
thuộc châu Ái, có công bảo vệ đất nước, về sau được tôn làm thành hoàng của cả
2 làng. Đình Thị Cấm là nơi ngài tuyển quân và việc đó chỉ diễn ra vào một ngày
duy nhất.
Để kỷ niệm ngày này, dân làng tổ chức lễ hội, trong đó có
trò thi kéo lửa thổi cơm. Trong đình còn thờ bà vợ ba của ngài là Hoa Dung, người
có công giữ thành và tiếp tế quân lương.
Đình Hòe Thị ban đầu ở xóm Gáo ven con đường cổ đi từ Cầu Giấy
qua Cầu Diễn rồi Thị Cấm đến bến đò Cổ Sở trên sông Đáy (tức bến Giá, nay
thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức).
Căn cứ vào đạo sắc phong cổ nhất và bức chạm khắc còn giữ
tại đây, có thể đoán rằng đình có từ thế kỷ 17. Đến năm 1831 dân làng mới di
chuyển đình ra vị trí bây giờ. Ngày 9-1-1990, ngôi đình đã được Bộ Văn
hóa—Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình tọa lạc trong một khuôn viên cao ráo và rộng rãi ở phố
Hòe Thị. Du khách đi qua một bãi nhỏ giữa hai gốc cổ thụ đến tam quan ngoại,
xây như một nếp nhà 3 gian cửa gỗ, đầu hồi bít đốc với hai trụ biểu ở đầu bức
tường nhô ra phía trước. Phía sau cổng là sân nhà Văn hóa ăn thông sang sân
đình ở bên trái và Thư viện ở bên phải.
Đình nhìn về hướng nam qua nghi môn ra ao bán nguyệt với gò
đất nhỏ ở giữa. Sau nhiều lần trùng tu, dáng vẻ hiện vẫn mang phong cách nghệ
thuật kiến trúc của thời Nguyễn.
Hai dãy nhà dài chạy dọc sân đình, bên tả có một miếu thờ thần
Hổ. Tòa đại bái gồm 2 nếp nhà 5 gian lớn, kết nối với hậu cung thành hình chuôi
vồ. Đầu hiên có 2 cây đại rất to và phía sau đình là 3 hồ nước giáp với ngõ 143
Xuân Phương.
Di sản
Trong đình hiện lưu giữ được 31 đạo sắc phong của các triều
đại phong kiến, sắc đầu tiên ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710). Ngoài ra
còn nhiều di vật khác có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, đặc biệt các bức chạm
khắc trên mảng kiến trúc có niên đại sớm nhất vào khoảng thế kỷ 17 và bức hoành
phi “Hộ quốc tý dân” do phò mã Hoàng Kế Viêm cung tiến, khi ông làm Tiết chế Bắc
Kỳ quân vụ và đóng bản doanh tại đình vào tháng 11-1873 để cự giặc Pháp.
Hội đình làng Hòe Thị được tổ chức hằng năm từ ngày 10 đến
13 tháng Hai âm lịch, mở đầu bằng lễ rước kiệu Bà từ đình Thị Cấm về đình Hòe
Thị và ngược lại. Vừa đi vừa uốn éo múa sau kiệu là các “Đĩ Bồng”, tức những
chàng trai hóa trang giả gái, trước ngực đeo một cái trống như trống cơm nhưng
nhỏ hơn.
Trước kia có môn đấu cờ người được xem như trò vui chính, từ
năm 1939 không còn tiếp tục nữa. Năm 2000, môn này được khôi phục nhưng 5 năm mới
diễn ra một lần và có những nét riêng.
Đầu tiên, dân làng bầu “tổng ông”, “tổng bà” từ 2 gia đình hạnh
phúc, có đủ trai gái và không trong thời gian để tang. Sau đó trong lứa các em
tuổi từ 13 đến 18, ngoan ngoãn và chưa lập gia đình, chọn ra 16 nam cho mặc áo
xanh và 16 nữ cho mặc áo hồng làm “quân cờ”.
Nguồn: Hà Nội 360o