Đình Hội Xá thờ phụng Thành Hoàng làng là tướng quân Hoàng Hổ - một lãnh binh trong đạo quân của làng Hội Xá đã theo Phù Đổng đánh giặc Ân và tướng quân Nguyễn Nộn ở cuối thời Lý.
Lược sử
Xưa kia Hội Xá là một xã thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm,
phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 20-4-1961, toàn bộ huyện Gia Lâm sáp nhập vào
thành phố Hà Nội, tên xã Hội Xá vẫn giữ nguyên.
Ngày 6-11-2003, khi tách 10 xã và 3 thị trấn của huyện Gia
Lâm để thành lập quận Long Biên thì xã Hội Xá trở thành phường Phúc Lợi.
Đình Hội Xá nằm ở ngay dưới chân con "Đường đê
Vàng" chạy men theo sông Đuống. Vị trí đình ở phía nam khu đô thị Việt
Hưng và phía đông khu biệt thự Vincom Village. Trong đình có thờ thành hoàng Hoàng
Hổ. Theo thần tích, đó là vị tướng đã dẫn đội Ải Lao Hội Xá sang hội quân với
thánh Gióng ở làng Phù Đổng bên kia sông Đuống để cùng phá giặc Ân.
Đình Hội Xá nằm ở tổ dân phố số 1 (trước năm 2004 đình là của
thôn Hội Xá). Các nguồn tư liệu như Thần phả, sắc phong... và hồi ức dân gian ở
địa phương cho biết, đình Hội Xá thờ Thành Hoàng làng là tướng quân Hoàng Hổ -
một lãnh binh trong đạo quân của làng Hội Xá đã theo Phù Đổng đánh giặc Ân và
tướng quân Nguyễn Nộn ở cuối thời Lý.
Những vị danh tướng theo truyền thuyết gắn bó mật thiết với
cộng đồng cư dân nơi đây và mở đầu cho những truyền thống văn hóa tốt đẹp của
dân làng HộiXá
Nằm cạnh Đình Hội Xá là chùa Hội Xá, được quy hoạch tập
trung trên cùng một thửa đất cao rộng, liền sát đê sông Đuống. Đình trước kia
được xây dựng ở ngoài bãi sông cuối làng, hiện nay vẫn còn nền đình và giếng nước.
Năm Bảo Đại thứ 2, dân làng chuyển đình từ bãi sông bên kia
về dựng ở phía bên trái chùa. Sau đó, năm 2001-2002, đình được xây theo kiến
trúc hoàn toàn mới sang phía bên phải của chùa.
Kiến trúc
Đình Hội Xá nằm trong một khuôn viên rộng rãi có tường hoa
bao quanh, cổng để mở nhìn ra bãi đỗ xe. Đình liền kề với chùa Hội Xá, cả hai đều
được xây lại và hầu như không còn những di tích cũ. Tam quan đình mặt quay về
hướng tây, gồm 4 trụ biểu được trang trí theo kiểu truyền thống với hình lân,
phượng trên đỉnh và các câu đối bằng chữ Hán đắp nổi quanh thân trụ.
Du khách bước vào cổng sẽ thấy một bức bình phong cuốn thư bằng
đá xanh ở trước một tòa phương đình khá cao xây theo kiểu 2 tầng 8 mái trên 16
cột to hình tròn, sơn giả gỗ. Tiếp theo là một sân lớn với hai nếp nhà tả hữu
vu 3 gian ở hai bên và tòa đại đình 3 gian 2 chái nằm chính giữa; tất cả đều có
hàng hiên bậc đá, cửa gỗ bức bàn và chấn song con tiện.
Đình Hội Xá có 3 gian Đại đình và 1 gian Hậu cung, xây đơn
giản, phía trước không có hiên, đầu hồi xây tường bít đốc, mái lợp ngói ta, các
bộ vì kèo gỗ chủ yếu là bào trơn không có hoa văn trang trí, thiết kế kiểu vì
kèo quá giang.
Phía trước đình là không gian rộng gồm cây ăn quả, tiếp đến
là ao đình rộng. Hiện trong đình còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như:
khám thờ, kiệu Long đình, Long ngai,
Bộ siêu bao bát bửu giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, phong
tục tập quán của làng quê truyền thống và góp một phần quan trọng vào kho tàng
di sản văn hóa của HàNội.
Ban thờ tướng quân Hoàng Hổ
Bên trong đại đình, các đồ tế khí và trang trí hoành phi,
câu đối đều mới được làm lại. Tiền tế kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ.
Hai bên khoảng sân phía sau đại đình là lò thiêu hương và các nếp nhà phụ.
Mặc dù các bức tường hoa ở phía liền kề chùa đều rất thấp
nhưng do cây trồng cũng chưa được lâu năm nên khuôn viên đình vào mùa hè khá
nóng bức.
Các vị Thần được thờ ở đình tuy ra đời trong những thời điểm
lịch sử khác nhau, nhưng công lao và sự nghiệp thì luôn được ca ngợi và truyền
tụng trong nhân dân và sử sách, trong đó phải kể đến Thánh Gióng, vị Thần bất tử
có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ
quyền dân tộc.
Thần là biểu tượng cao đẹp cho sức sống mạnh mẽ, ý chí quật
cường của dân tộc ta.
Hàng năm, nhân dân thôn Hội Xá (nay là tổ dân phố số 1 đến tổ dân phố số 6) tổ
chức lễ hội truyền thống vào các ngày 9, 10 tháng 2 âm lịch theo nghi lễ từ đời
xưa để lại, có buổi tế Xuất tịch và đội văn nghệ Ải Lao biểu diễn nhiều trò dân
gian truyền thống như múa Cô đôi Thượng Ngàn và hát Trống cơm v.v. để tưởng niệm
công tích vị thành hoàng, đồng thời tổ chức một đoàn múa Ải Lao tham gia hội
Gióng vào tháng 4 âm lịch.
Năm 1995 đình Hội Xá đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
2. Chùa Hội Xá
Chùa Hội Xá hiện nay cũng ở tổ dân phố số 1 (trước năm 2004
là chùa của thôn Hội Xá), đình và chùa Hội Xá được xây dựng trên cùng một khuôn
viên, diện tích khoảng 6.000m2 , chùa Hội Xá có tên chữ là "Linh Tiên tự"
tức là "chùa Linh Tiên", theo niên đại ghi trên bia đá và các pho tượng
tại tòa tam bảo thì chùa có niên đại khoảng thế kỷ XVIII.
Chùa Hội Xá trước khi tu tạo
Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị gồm 30
pho tượng lớn nhỏ, trong đó tượng phật có 19, 2 pho tượng hậu, 9 pho tượng Mẫu,
đặc biệt là trong số 30 pho tượng có 8 pho tượng mang giá trị nghệ thuật cao có
niên đại thế kỷ XVIII.
Theo niên hiệu khắc trên bia, chùa được trùng tu lần cuối
cùng vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935), đến năm 2004, dưới sự chủ trì của sư thầy
Thích Thanh Nhiễu, cùng sự đóng góp của nhân dân, chùa Hội Xá được làm mới bằng
xi măng cốt thép, hai tầng, phần mái vẫn giữ được nét kiến trúc chùa ngày xưa,
ngày 25 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ.
Đình, chùa Hội Xá đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di
tích lịch sử văn hóa năm 1995.