Đình Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì thờ phụng tam vị Thành Hoàng gọi chung là Chàng Chấu, họ Vũ (cha là Vũ Thê), hiệu là Linh Lang (Thủy Thần) là Đệ nhất vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương, Đệ nhị vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương, Đệ tam vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương và có Lăng Tam vị.
Phả lục về tam vị Đại vương Đô Chấu thời Hùng Vương
Xưa nước Việt có Thánh tổ trời Nam khởi dựng cơ đồ, trải xem
chỗ lợi của núi sông hình thế mà kiến lập thành đô ở thắng địa Hoan Châu, nơi đất
Nghĩa Lĩnh trùng tu cung điện, cha truyền con nối hơn hai ngàn năm. Trăm họ vui
hát, Thiên hạ thái bình.
Thời tiên tổ ba đời của Đại vương là người Mộ Trạch, Hải
Dương, họ Vũ, thơ văn xử thế, hiếu thảo giữ nhà. Đến tổ ba đời gặp bất hạnh,
cha mẹ mất sớm, gia sản trống không, bữa đực bữa cái, trông vào vay mượn. Vợ chồng
cùng nói rằng:
Nghèo nàn như thế này, không có cách sinh nhai, biết lấy gì
để bớt đi nỗi khổ này?
Do vậy gói ghém chút tư trang hành lý sơ sài, tìm tới Đông
Ngạn, Kinh Bắc, nhà của người bạn thân họ Nguyễn, cũng không thể chu cấp được.
Nên bèn đi đến cung thành Việt Trì, trú ở bên ngoài thành.
Nhân xem phong thủy để cầu việc dạy học làm kế sống qua
ngày. Đến trại Hương Lan, thấy núi hình chữ Vương, các nhánh sông tụ ở trước mặt,
tuy là một mạch đất nhỏ mà tưởng như là ngọn núi ngọc có dư khí. Bèn chọn ở chỗ
đó. Hàng ngày lấy việc dạy học cho trẻ con làm nghề nghiệp. Ở được quãng ba năm
thì người dân trong thôn cho chỗ đó để làm nơi dạy học. Vợ chồng chăm chỉ
chuyên cần. Ngày tháng qua nhanh, sinh hạ được một người con trai tên là Thê, tức
là vị tổ đời thứ hai vậy.
Đến khi trưởng thành lại tìm về người bạn cũ ở Đông Ngạn, cưới
con gái thứ của ông Nguyễn tên là Thục làm vợ, rồi trở về thôn nơi dạy học. Ông
theo sự cấy cày, ra sức làm việc nhân nghĩa, gia tư trở nên đầy đủ, làm trưởng
thôn dân.
Năm Đinh Tỵ tháng tư bà Nguyễn đến chùa Việt Trì hành hương
làm lễ Phật, lúc về đến đêm nằm mộng thấy một ngư phủ thân hình to lớn, cầm lên
núi một con cá ba đuôi dài hơn một thước, đến trước sân mà dâng cho bà Nguyễn lấy
để ăn. Mùi vị thật hấp dẫn. Bà Nguyễn hỏi là vật gì. Ngư phủ nói rằng đây là đồ
ăn rất tốt. Rồi người đó bỗng biến mất. Bà Nguyễn tỉnh dậy mới viết là một giấc
mộng Kê Vàng.
Bà đem kể với Ông. Ông cho đó tất có điềm tốt lành. Bà Nguyễn
từ đó có mang, đến năm Mậu Ngọ ngày 11 tháng 1 sinh được một người con trai.
Ông nhân giấc mộng dâng cá cho rằng đó là ứng điềm quỷ thần nên đặt tên là Rô
(ngày lệ của vị trưởng là tháng Giêng từ mồng 9 đến 12).
Sau đó 2 năm, bà Nguyễn lại sinh đôi hai người con trai. Ông
vô cùng vui mừng thấy rằng đúng là thần đã ban cho. Đến năm Quý Dậu ngày 2
tháng 2, Ông cùng bà Nguyễn không bệnh mà mất. Ba người con cùng với các môn đệ
thôn dân làm lễ chôn cất. Sau ba năm tang lễ hoàn tất (ngày lệ giỗ ông bà là mồng
2 tháng 2).
Truyền kể rằng ba anh em có tài sức dũng mãnh, lại kiêm cả
việc tập bắn cung. Còn người anh hay xuống nước hàng ngày lấy việc đánh cá làm
vui.
Một ngày vào cuối tiết xuân, vạn cảnh đều yên hòa, Duệ Vương
lệnh cho thuyền đi trên sông Bạch Hạc để ngắm xem cá nước. Chiêng kêu hòa với
tiếng trống, lọng vàng thuyền rồng dàn khắp dọc ngang trên sông nước, đan kết
thành vân, trên dưới các đầu đường tấp nập vẻ đi lại, trông như đám hỷ chật nghẽn
bên bến sông Lô.
Các anh em bèn vui mừng đến xem, trông thấy nghi vệ thái
bình thì kêu lên:
Than ôi! Đại trượng phu thì phải như vậy.
Duệ Vương nghe thấy lấy làm lạ liền lệnh triệu kiến. Thấy
hình dạng trang nghiêm, thân thể cường tráng đó, Vua hỏi tên họ. Các anh em cứ
theo thật mà trả lời.
Nhân đó Vua lệnh lấy tên là Chàng Chấu để gọi (ngay hôm đó
quyết cho các Chàng Chấu theo sau kiệu làm tùy tùng). Được vài tháng cử chỉ trở
nên thân mật, mọi việc đều chu toàn. Vua lấy làm lạ, cho làm Đô sĩ. Một năm
trong ba lần đi hộ giá thị tòng, thấm sâu thánh trạch ưu ái thiên ân, hương lửa
cùng có duyên vậy.
Đến lúc lòng Trời có hạn, cơ nhà Hùng kết thúc. Duệ Vương tự
vì giàu mạnh mà không tu chính đức. Thục Vương giành được cơ đồ của triều đại
Hùng Vương.
Các anh em từ đó dắt díu nhau về quê cũ, rời bỏ khăn mũ, phú
quý rũ trần. Lấy ngày yên bình với nơi sông nước. Bèn chuyên việc đánh cá uống
rượu, thực là những người nhàn hạ bậc nhất, không quan tâm đến thế sự.
Được năm sáu tháng khi Thục Vương lấy được nước, cho xây
thành ở Việt Trì, rộng hơn ngàn trượng, cuốn quanh như vỏ ốc, tên gọi là Loa
thành. Cứ xây lại đổ. Thục Vương lệnh tìm người để làm phu. Theo lệnh chỉ thi
hành, sai quan tìm bắt các anh em. Các anh em đều nói rằng:
Chúng ta đều đã nhận ân sâu của Hùng Vương, chưa kịp báo
đáp. Nay còn có tấm thân lại bắt theo triều khác. Cam tâm để người sau sai khiến
được sao?
Liền cùng nhau trốn ra nơi thường câu cá, rập đầu trước trời
mà nói:
Trời xanh trăng sáng, núi cao nước trong, các thánh họ Hùng
nguyện giám cho lòng thành.
Khi đó là ngày 10 tháng 10. Bèn ôm đá cùng nhau nhảy xuống
sông mà chết. Hôm sau người dân trong thôn trang vội vớt di hài mà an táng. Bỗng
thấy mối đùn thành một gò đất lớn (ngày 9 đến 12 tháng 10 là ngày lệ hóa thần).
Gò đất đó tức là khu Đồng Bò.
Thục Vương nghe việc này mới than rằng:
Các quan tướng của Duệ Vương đều theo sự sai khiến của ta.
Chỉ có các Đô sĩ lại có nhân phẩm cao, chịu ơn vua mà cùng quyên sinh vì nghĩa
như vậy.
Liền trong ngày lệnh lấy tên gọi trước đây mà Duệ Vương đã đặt
để phong làm Đại vương. Sai người trong trang lập miếu để phụng thờ. Qua các thời
họ Triệu, Tiền Lý, Hậu Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần đều cảm lòng trung mà có mệnh
phong cho sáng tỏ.
Đệ nhất vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;
Đệ nhị vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;
Đệ tam vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;
Trang Hương Lan phụng thờ.
Hồng Phúc năm thứ 2, ngày tốt cuối xuân, Đông các đại học sĩ
Nguyễn phụng soạn.
Tự Đức năm thứ 1, ngày tốt giữa thu, Học trò bản trang họ
Nguyễn phụng viết./.
Tháng 8 năm 2020, Quản trị viên Nhóm Đền miếu Việt, Thạc sĩ
Nguyễn Đức Tố Lưu dịch nghĩa.
Bản thần phả đình Hương Lan, Tháng 8 năm 2020, Quản trị viên Nhóm Đền miếu Việt, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu dịch nghĩa.