Đình Hương Linh được xây dựng từ lâu đời hiện nay thuộc đất làng Đầu, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thờ phụng nhị thánh Cao Sơn Đại vương – Quý Minh Đại vương từ thời Vua Hùng Vương thứ 18.
Đi dọc Quốc lộ 37 từ thị trấn Bích Động khoảng 4km là tới địa
bàn xã Tự Lạn. Đình Hương Linh cách quốc lộ 37 khoảng 01 km về phía Bắc. Đường
tới di tích được trải bê tông do vậy du khách tới tham quan, nghiên cứu đều thuận
tiện bằng các phương tiện đường bộ như ô tô, xe máy, xe đạp.
Quang cảnh đình Hương Linh
Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương cho biết: Đình
Hương Linh được xây dựng từ lâu đời hiện nay thuộc đất làng Đầu, xã Tự Lạn, huyện
Việt Yên, tỉnh Bắc Giang .
Đây là một công trình tín ngưỡng, là nơi thờ những người có
công giúp nhân dân dẹp giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc
cho nhân dân Tự Lạn nói chung và nhân dân làng Đầu nói riêng.
Đó là nhị thánh Cao Sơn Đại vương – Quý Minh Đại vương từ thời
Vua Hùng Vương thứ 18. Sau khi mất hai vị Thánh Cao Sơn – Quý Minh đã được các
đời Vua Lê, Nguyễn phong sắc và ban cho nhân dân lộ Bắc Giang phụng thờ mãi
mãi. Đình Hương Linh hiện nay tọa lạc ở một khu đất rộng, thoáng mát, nhìn hướng
Nam với quy mô khá đồ sộ, hoành tráng.
Đình gồm tòa tiền đình ba gian, hai chái và tòa hậu cung một
gian tạo thành bố cục hình chữ Đinh. Theo thuyết phong thủy, đây là hướng lý tưởng
của người Việt để xây dựng đình, chùa, nhà cửa. Liền kề trước đình là một sân gạch
rộng, thoáng mát. Từ đây du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh Đình với mái lợp
ngói mũi, bốn góc đao cong.
Bờ nóc và bờ chảy đều đắp dải hoa chanh đẹp. Chính giữa bờ
nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu nóc là hình hai con kìm ngậm vào
hai đầu nóc như đang trượt chạy về phía trước.
Đình xưa có khá nhiều các tài liệu, hiện vật quý như bia đá,
sắc phong, kiệu rước, ngai thờ nhưng do hư hỏng, thất lạc mặt khác do chiến
tranh thực dân Pháp đốt cháy nay không còn.
Hiện nay Đình còn bảo lưu được một số hiện vật quý, có giá
trị nghiên cứu lịch sử, khoa học, văn hóa thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) như nguồn
di sản Hán Nôm như sắc phong có niên đại Thiệu Trị thứ 6, hoành phi, câu đối, bộ
chấp kích, kiệu long đình,ngai thờ, bài vị.
Bộ chấp kích đình Hương Linh
Với những di tích đó Đình Hương Linh không chỉ có giá trị
văn hóa vật thể mà còn là công trình có giá trị văn hóa phi vật thể. Đến nay
Đình đã qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ ngày càng khang trang, to đẹp.
Đặc biệt đáng lưu ý là ở Đình Hương Linh hiện nay vẫn lưu giữ
được nhiều hiện vật quý giá như đạo sắc phong cho vị thần được thờ ở đình là
Cao Sơn – Quý Minh đại vương. Các hiện vật là đồ thờ,đồ rước có giá trị thời
Nguyễn như kiệu long đình, chấp kích,ngai thờ,bài vị, chiêng đồng.
Tất cả các tài liệu, hiện vật này phần nào giúp chúng ta tìm
hiểu, nghiên cứu về vùng đất, phong tục tập quán và con người nơi đây từ xưa tới
nay. Hàng năm hội lệ Đình được tổ chức vào ngày 09, 10 tháng 10 âm lịch.
Mở đầu là phần tế lễ là phần rất quan trọng với mục đích tưởng
nhớ đến công lao của thần linh đã phù hộ cho làng, đồng thời cùng cầu mong thần
linh sang năm mới phù hộ, che chở cho chúng sinh.
Khi xưa vào mồng 7 tháng 10 dân làng tập trung đóng đám tổ
chức rước từ Đình Cả về. Ngày nay làng rước từ nghĩa trang là phần đất nơi đình
Cả tọa lạc xưa kia về đình Hương Linh.
Sau phần tế là phần hội. Đây là phần mọi người chờ đợi nhất.
Hội ở làng Đầu có nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đánh cờ, chọi gà, bắt vịt
dưới sông, leo cầu cần, đánh đu, bịt mắt đập niêu.
Đình Hương Linh trải qua thời gian, do sự tác động của điều
kiện tự nhiên cùng diễn biến thăng trầm của hoàn cảnh lịch sử, xã hội của vùng
đất cổ Tự Lạn, qua nhiều lần trùng tu, tu sửa nhưng vẫn lưu giữ được nhiều nét
cổ truyền cùng nhiều tài liệu quý có giá trị nghiên cứu.
Năm 2010 đình Hương Linh đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận
là một trong những di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, được bảo vệ và phát huy
theo Luật Di sản văn hóa./.
Phương Quyên - ĐTT xã
Tự Lạn