Đình Hương Tảo thôn Hương Tảo, xã Ngọc Tảo, Huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Đình được xây dựng có thể từ thế kỷ XVIII. Thờ phụng thành hoàng là tam vị nhân thần là thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung, vua Triệu Quang Phục.
Ngọc Tảo là một xã nông nghiệp thuộc huyện Phúc Thọ, thành
phố Hà Nội. Xã có diện tích 6,6 km², trong đó diện tích canh tác là 280ha. Dân
số năm 1999 là 6.857 người, mật độ đạt 1.039 người/km². Xã cách sông Hồng ở
phía bắc khoảng 3km và cách Hồ Gươm ở phía đông khoảng 29km, ngay sát phía
đông là dòng sông Đáy và sát phía nam có đường quốc lộ QL32 chạy qua với
chiều dài khoảng 2km.
Về mặt hành chính, xã Ngọc Tảo phía bắc giáp xã Thượng
Cốc, phía nam giáp xã Tam Hiệp, phía đông giáp xã Thanh Đa và Tam Thuấn, phía
tây giáp các xã Phụng Thượng và Long Xuyên. Trên địa bàn xã toạ lạc nhiều
di tích lịch sử - văn hoá với 6 ngôi chùa, 4 đình, 3 đền, 3 miếu, trong
đó có 8 di tích quốc gia và 2 di tích của tỉnh Hà Tây cũ. Xã gồm 4 thôn
(Phú Thịnh, Ngọc Tảo, Hương Vĩnh, Hương Tảo) và 2 trại (Phú Mỹ, Yên Dương).
Đình Hương Tảo. Photo ©NCCong 2021
Lược sử
Đình Hương Tảo toạ lạc trên một khoảnh đất cao rộng
và được dựng vào khoảng thế kỷ XVIII thời Lê Trung hưng. Trong hậu
cung đình thờ ba vị thành hoàng làng là Đức Thánh Chử Đồng Tử cùng
vợ là công chúa Tiên Dung - con gái của vua Hùng; và vua Triệu Quang
Phục, từng là danh tướng cùng Lý Bí đánh đuổi giặc nhà Lương, sau lên
ngôi kế tục sự nghiệp Lý Nam Đế bảo vệ nước Vạn Xuân (thời Tiền Lý).
Cổng đình xây kiểu nghi môn, mở ra đường làng ở phía
tây. Trong khi đình quay mặt về hướng nam nhìn qua sân, giếng và bức
bình phong ra cánh đồng nay đang đô thị hoá. Đầu thập niên 2020, hầu
hết các bộ phận kiến trúc bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ có
thể rơi ngói xuống bất cứ lúc nào, các mảng gỗ cũng bị mục nát
và hư hỏng nặng. Dân làng phải dựng mái tôn che chắn nắng mưa và tạm
thời hạn chế du khách vào thăm bên trong cho đến khi ngôi đình được
đại trùng tu.
Vườn đình Hương Tảo. Photo ©NCCong 2021
Kiến trúc
Mặt bằng xây dựng của đình có hình “chữ Vương”, từ
ngoài sân vào là ba toà nhà: tiền tế, đại bái và hậu cung. Tiền tế
gồm một gian hai chái lớn, tường để trống trừ bốn góc xây trụ đỡ
mái đao cong. Mái lợp ngói ri, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh. Bộ vì
đỡ mái làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách, bẩy
hiên, hậu”, tất cả sức nặng đè lên bốn hàng cột.
Toà đại bái gồm ba gian hai chái lớn với bốn góc
đao cong, đầu guột vươn lên kiểu cụm mây. Phía trước mở một cửa rộng,
hai bên là hai cửa nhỏ và lối đi, xung quanh xây gạch đá ong có trổ
những ô thoáng nhỏ. Hai đầu bờ nóc gắn hình con kìm, tại khúc
nguỷnh gắn hình con lân. Tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái
cũng làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách, bẩy
hiên, hậu”, dựa trên bốn hàng cột. Các đầu dư, kẻ, bẩy được trang
trí bằng chạm khắc hình tứ linh, tứ quý, mây cụm và vân xoắn.
Giếng đình Hương Tảo. Photo ©NCCong 2021
Hậu cung kết nối với đại bái qua thiêu hương là một
nếp nhà hai tầng bốn mái. Bộ vì bên trong áp sát với hậu cung được
làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ ván mê”. Hậu cung gồm một gian
hai chái lớn làm theo kiểu hai tầng tám mái đao cong. Bộ mái được
trang trí giống như ở toà đại bái. Bên trong, các bộ vì đỡ mái cũng
được làm như ở toà tiền tế và đại bái. Riêng gian giữa có gác lửng
bên trên được cuốn vòm bằng ván bưng.
Di sản
Trong đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá
như: kiệu bát cống, kiệu rước văn chạm rồng, kiệu long đình chạm
rồng, bộ đài nước, giá văn chạm rồng... có niên đại của các thời
từ Lê Trung hưng đến Nguyễn. Ngoài các dịp lễ tết thông thường, đình
còn mở hội làng hàng năm suốt mấy ngày từ mồng 6 đến mồng 9 tháng
Hai âm lịch, chính hội vào mồng 7. Trong dịp này diễn ra các trò chơi
dân gian như đi thuyền bắt vịt, bịt mắt kéo co, thổi cơm thi... và
nghệ thuật hát chèo, hát chầu văn, hát ả đào.
Tình trạng xuống cấp trầm trọng của đình Hương Tảo
Hậu cung đình Hương Tảo. Photo ©NCCong 2021
Năm 2005, đình Hương Tảo đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng
là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.