Đình Hương Xạ, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thờ phụng tứ vị thần linh thiêng là Cao Sơn Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương và Trần Thị Ngọc công chúa, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ.
Hạ Hòa xưa là tên Hạ Hoa nơi có đền Âu Cơ và đền Chu Hưng. Cụ
từ ở đình kể: Trước đây vùng này rất nhiều đình nhưng qua thời bài trừ nay chỉ
còn ngôi đình Hương Xạ giữ được sắc nên được tu tạo, còn lại chỉ còn nền và đồ
thờ tự thành của riêng.
Việc thờ Cao Sơn Đại Vương và Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương
nơi miền trung du rừng cọ đồi chè thượng nguồn sông Thao không phải hiếm gặp bởi
tận Yên Bái còn nhiều đình thờ Tản Viên, Cao Sơn, chúa Thác.
Đây là minh chứng về địa bàn thuở Lạc Long Động Đình thuở Âu
Cơ và Lạc Long Quân lên rừng xuống biển.
Không xa đình Hương Xạ là đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ hay khu đầm
Ao Châu, danh thắng Hạ Hòa.
Theo tài liệu Hán Nôm “Thần tích, thần sắc làng Hương Xạ, tổng
Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ”, đang lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học
xã hội Việt Nam, do Lý trưởng làng Hương Xạ khai năm 1938, đình Hương Xạ thờ tứ
vị là Cao Sơn Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương và
Trần Thị Ngọc Công chúa. Vị Công chúa ở đây, theo các cụ cao niên bà là người
có công khai hoang, lập làng, dạy dân trồng trọt, được người dân Hương Xạ thờ tại
đình làng.
Với vị Phù Đổng Thiên Vương thì di tích khu Phú Thọ lại
không nhiều nhưng vẫn có Âu Cơ, Chu Hưng, Lang Liêu hay Nguyễn Cận đánh giặc
Ân.
Đình Hương Xạ còn lưu giữ, bảo tồn được 6 đạo sắc, gồm 3 đạo
sắc có niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), 1 đạo sắc có niên hiệu Tự Đức thứ 33
(1880), 1 đạo sắc có niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887), 1 đạo sắc có niên hiệu
Duy Tân thứ 3 (1909).
Trong một năm, đình Hương Xạ có các kì tiệc lệ ngày mùng 6,
mùng 7 tháng Giêng; ngày mùng 10 tháng 2; ngày mùng 4 tháng 3; ngày mùng 5,
mùng 6 và mùng 7 tháng 11. Trong đó kì tiệc ngày 6, 7 tháng Giêng là kì đại tiệc.